Đề xuất gửi Tân Bộ trưởng Giáo dục: GS.TS Đặng Kim Vui nêu 3 vấn đề cải thiện đại học

0:00 / 0:00
0:00
Đề xuất gửi Tân Bộ trưởng Giáo dục: GS.TS Đặng Kim Vui nêu 3 vấn đề cải thiện đại học
TPO - GS.TS Đặng Kim Vui, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên đã đưa ra 3 vấn đề để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH gửi đến tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Giữ chân người tài

Theo GS. Đặng Kim Vui, hiện nay đang có xu hướng chảy máu chất xám trong các cơ sở giáo dục ĐH. Người giỏi không thiết tha với công việc giảng dạy trong trường, tìm ra ngoài với những mức lương cao hơn. “Lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giáo dục ĐH. Không những thế, ảnh hưởng đến cả chất lượng giáo dục phổ thông. Vì giáo viên là do các trường ĐH đào tạo”, GS. Vui cảnh báo.

Đề xuất gửi Tân Bộ trưởng Giáo dục: GS.TS Đặng Kim Vui nêu 3 vấn đề cải thiện đại học ảnh 1

GS.TS Đặng Kim Vui

Nguyên nhân là chế độ tiền lương hiện nay chưa công bằng, chưa hợp lý và thấp. Kể cả giáo sư, tiến sĩ đã ở bậc cao lương cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy, phát triển. Ví dụ một giảng viên đã có bằng tiến sĩ, lương khởi điểm khoảng 5-6 triệu đồng. Sau 5 năm lên được 8-10 triệu. Mức lương này chưa đủ ăn, nói gì đến lo cho gia đình. Kể cả có làm việc cho các trường ngoài công lập, được phép trả lương không theo ngạch bậc thì lương tiến sĩ mới ra trường cũng chỉ được đến 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu làm cho công ty nước ngoài, lương khởi điểm có thể là 2.000 – 3.000 đô la/tháng.

GS. Đặng Kim Vui khẳng định mức lương hiện nay trong ngành giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đã qua lạc hậu so với các hoạt động kinh tế khác hấp dẫn hơn. “Ngày xưa, thời chúng tôi ra trường được làm giảng viên ĐH là một vinh dự lớn nhưng bây giờ những người giỏi không muốn ở trường mà muốn ra ngoài làm việc vì có thu nhập cao hơn và đãi ngộ tốt hơn. Do đó giáo dục ĐH không còn là môi trường hấp dẫn đối với người tài vừa cống hiến, vừa có thu nhập. Đó là cản trở đối với hệ thống giáo dục ĐH và phổ thông”, GS Vui nói.

Giáo sư không phải là thợ dạy

Vấn đề thứ hai mà GS. Đặng Kim Vui chỉ ra đó là giảng dạy ĐH đang ở mức lỗi thời so với các nước phát triển. Ở các nước giảng viên ĐH làm song song 2 nhiệm vụ: giảng dạy và nghiên cứu, học hàm càng cao thì nghiên cứu càng nhiều giảng dạy càng ít. Ở Việt Nam ngược lại, giảng viên học hàm cao thì định mức giảng dạy càng cao. Thời gian hầu như dành cho giảng dạy, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều là thợ dạy. Trong giảng dạy, đối với ĐH, yêu cầu đầu tiên là kiến thức mới. Để có kiến thức mới thì các giảng viên phải làm nghiên cứu, thời gian nghiên cứu phải nhiều. Ví dụ một giáo sư người Việt ở ÚC một năm chỉ giảng dạy 45 tiết, đào tạo nghiên cứu sinh, 1 năm phải đăng tải 3-4 bài báo có chỉ số quốc tế, lương khoảng 250.000 đô la Úc/năm. Bù lại công việc phải làm rất lớn, trong khi giáo sư Việt Nam chưa làm được. Để được công nhận giáo sư, trong suốt một quãng thời gian dài, Việt Nam cũng chỉ yêu cầu có 3 bài báo quốc tế.

GS. Đặng Kim Vui cho rằng, thực tế, các giảng viên chủ yếu giảng dạy theo sách vở, không làm được nghiên cứu, hoặc làm rất ít. Tỷ lệ giảng viên làm nghiên cứu chỉ 10 – 20%, còn lại dạy theo giáo trình. Tuy số lượng bài báo quốc tế của Việt Nam có tăng lên nhưng so với các nước trong khu vực vẫn thua xa như Thái Lan.

Thực trạng này cũng có nguyên nhân từ trang thiết bị máy móc của các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam không hiện đại, ít phòng thí nghiệm tiên tiến. Giảng viên muốn có được những nghiên cứu với những bài báo đóng góp chỉ số cao thì phải dựa vào những phòng thí nghiệm tiên tiến. Như vậy cơ sở vật chất cũng rất yếu kém.

Như vậy, để các giáo sư không còn là thợ dạy, theo GS. Đặng Kim Vui phải giải quyết được hai bài toán: giải phóng giảng viên khỏi những định mức hành chính, cần cơ chế để có kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để giảng viên có chỗ nghiên cứu, nâng cao năng lực nghiên cứu của mình.

Quyền tự chủ đúng nghĩa

Luật đã giao cho các cơ sở giáo dục ĐH được tự chủ. Nhưng đó quy định còn thực tế khác rất nhiều. Các trường ĐH vẫn một cổ mấy tròng, phụ thuộc vào bộ chủ quản, bộ chuyên ngành vẫn rất lớn. GS. Đặng Kim Vui nhận định tự chủ hiện nay chưa đồng bộ dẫn đến các trường khi triển khai mắc rất nhiều. Làm thế nào để trường ĐH hoạt động theo luật, không phụ thuộc vào các bộ chủ quản? Các trường tự chủ có trách nhiệm giải trình, các bộ chủ quản chỉ có vai trò giám sát. Ví dụ quy định ngạch bậc của giáo sư ở các nước không trả giống nhau, tùy thuộc vào nguồn lực của mỗi trường và độ cống hiến của mỗi giáo sư.

Vì vậy, các trường cạnh tranh để có giáo sư giỏi về công tác. Hiệu trưởng làm quản lý nhưng cũng là ông chủ, có quyền trả lương cho người lao động tạo ra sản phẩm cho nhà trường. Người nào tạo ra được nhiều sản phẩm thì được trả lương cao. Hiện nay giáo sư các trường công lập ở Việt Nam vẫn theo ngạch bậc giống nhau. Cản trở này vài chục năm nay rồi mà vẫn không thay đổi nhiều. Vấn đề cởi trói cho các trường ĐH liên quan đến nhiều Bộ ngành, như nhân sự liên quan đến Bộ Nội vụ, lương liên quan đến Bộ Tài chính, cơ sở vật chất liên quan đến Bộ Kế hoạch đầu tư, đó còn chưa kể các vấn đề khác liên quan đến bộ chủ quản. Vì thế, Bộ GD&ĐT cần phải có kiến nghị, gỡ khó cho các trường.

Kính mời bạn đọc góp ý, hiến kế, nêu các ý tưởng đề xuất về cải cách giáo dục, những tâm tư gửi gắm đến Tân Bộ trưởng Giáo dục với mong muốn đổi mới, thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục nước nhà. Mọi thông tin xin gửi về hộp thư: http://www.online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.