Để xe buýt trở thành phương tiện hữu hiệu của người dân Hà Nội

Để xe buýt trở thành phương tiện hữu hiệu của người dân Hà Nội
TP - Trong giao thông đô thị, phương tiện giao thông công cộng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong giao thông công cộng có nhiều loại phương tiện nhưng xe buýt là phổ biến và dễ đầu tư nhất.
Để xe buýt trở thành phương tiện hữu hiệu của người dân Hà Nội ảnh 1
Hiện nay xe buýt Hà Nội đang trở thành một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông nội đô. Ảnh: Hồng Vĩnh

Do nhiều nguyên nhân, Hà Nội có tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng ở mức thấp nhất so với các thành phố lớn ở Đông Nam Á.

Có thể nói, người dân Hà Nội đã đánh mất thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong một thời gian dài. Hơn nữa người tham gia giao thông lại không được giáo dục về luật giao thông một cách đầy đủ, cùng với việc buông lỏng quản lý và xử lý dẫn đến thói quen đi lại tuỳ tiện...

Năm 2001, thành phố đã có chủ trương và quyết tâm phát triển giao thông công cộng mà trước hết là xe buýt. Đó là việc làm đúng đắn. Chủ trương đó đã được Transerco triển khai cụ thể.

Từ chỗ năm 2001 có 200 xe với 300 lái xe chuyên chở 15 triệu lượt khách đến nay đã có đội ngũ khá đông với trên 800 xe 1.600 lái xe và chuyên chở trên 300 triệu lượt hành khách.

Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, xe buýt hiện nay đang đối mặt với những thách thức:

Một là, nhu cầu đi lại ngày càng tăng, đòi hỏi chất lượng phục vụ ngày một cao của người dân thủ đô trong khi hạ tầng xe buýt còn quá thiếu thốn và thấp kém như không có đường riêng, làn riêng.

Do vậy, giao thông xe buýt phải chạy chung với dòng giao thông hỗn hợp, có nhiều thành phần phương tiện, khác nhau, rất khó nâng cao tốc độ và dễ xảy ra va chạm.

Bên cạnh đó, còn thiếu phương tiện, tốc độ đầu tư đổi mới phương tiện còn chậm, một số lái phụ xe có trình độ tay nghề và nghiệp vụ chưa cao.

Hai là, hằng ngày xe buýt phải chạy với tần suất cao trong dòng giao thông đa phương tiện, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân lại rất thấp, chẳng hạn có nhiều người và phương tiện chiếm điểm đỗ xe, khi xe buýt có tín hiệu ra vào họ không tránh. Lặp đi, lặp lại nhiều lần như vậy có thể dẫn đến thái độ tiêu cực của lái, phụ xe buýt.

Ba là, khả năng hoạt động của xe buýt hiện nay chưa đủ độ tin cậy để người dân hoàn toàn sử dụng.

Từ những nhận xét trên chúng tôi thấy, thành phố cần đầu tư hạ tầng cho xe buýt hơn nữa để có thể huy động nhiều thành phần tham gia hoạt động xe buýt qua đó tiến dần đến hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc trong thành phố.

Bốn là: Vấn đề sự cố xe buýt phải được đặt lên hàng đầu. Thành phố cần xây dựng một trung tâm cứu hộ xe buýt, trung tâm có khả năng ứng trực ngay cho xe buýt khi gặp nạn.

Có như vậy, thành phố mới giảm được ách tắc giao thông và tai nạn giao thông trong khi chờ đợi loại hình phương tiện GTCC bổ trợ khác.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dư
Chuyên gia tư vấn Dự án ATGT - Jica Hà Nội

MỚI - NÓNG