Dễ xảy ra gian lận

Cán bộ coi thi ở Thanh Hoá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019
Cán bộ coi thi ở Thanh Hoá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019
TP - Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp 2020 có nhiều điểm mới trong đó đáng chú ý nhất là vai trò coi thi, chấm thi trắc nghiệm của trường ĐH bị gạt bỏ hoàn toàn. Nhiều ý kiến cho rằng, phải tăng cường giám sát nếu không sẽ xảy ra việc nơi coi lỏng, nơi coi chặt thậm chí tái diễn gian lận, tiêu cực trong khâu chấm thi.

Việc chấm trắc nghiệm năm ngoái do trường ĐH chủ trì, thực hiện. Năm nay việc này được giao hoàn toàn cho sở GD&ĐT. Cán bộ chấm trắc nghiệm gồm cán bộ của sở và giáo viên trường phổ thông, dùng phần mềm của bộ để chấm.

Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, TP Thanh Hoá, ông Lê Văn Dị cho rằng, ít nhất, Bộ GD&ĐT phải cử một lượng giám sát nhất định, không nên khoán trắng cho các địa phương tổ chức mới đảm bảo được tính nghiêm túc, minh bạch, khách quan của kỳ thi. “Các Hội đồng thi ở vùng sâu, vùng xa càng dễ có tâm lý nới tay sẽ không công bằng cho học sinh giữa các địa phương. Trong bài thi tổ hợp, phiếu trả lời trắc nghiệm cả 3 môn thi vẫn dùng trên 1 tờ do đó, dù hết thời gian làm bài môn này học sinh vẫn có thể làm sang môn khác là không phù hợp. Tôi đề nghị mỗi môn nên có 1 phiếu trả lời trắc nghiệm riêng”, ông Dị nói.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trường Trường THCS-THPT Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi năm nay nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT. Nhưng cuối cùng, một loạt các trường ĐH huỷ bỏ phương án tuyển sinh riêng nên vẫn chủ yếu lấy kết quả này để tuyển sinh. Như vậy, bản chất của kỳ thi này vẫn là “2 trong 1”như các năm trước. “Tại các thành phố lớn năm nào cũng tổ chức thi bài bản, nghiêm túc nhưng các địa phương vùng miền liệu có đảm bảo nghiêm minh?. “Bộ phải làm sao dẹp được lo lắng của người dân bằng việc tổ chức một kỳ thi chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đảm bảo công bằng cho học sinh”, ông Khang nói.

Theo ông Khang, thành công của kỳ thi dựa trên 3 khâu quan trọng: đề thi, coi thi và chấm thi. Trong đó, khâu ra đề, in sao đề lâu nay luôn được làm tốt. “Tôi cho rằng, nên có thêm camera giám sát toàn bộ mọi hoạt động từ phòng thi, thu bài, đưa bài vào kho, đến mở bài ra, chấm thi, xử lý điểm”…

Trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT ông Nguyễn Đức Cường cho biết, điểm mới của công tác thanh tra năm nay là ngoài lực lượng của bộ và sở, sẽ có thêm lực lượng thanh tra tỉnh, công việc của các đoàn sẽ được thực hiện trên nguyên tắc tránh trùng lặp nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Ông Cường cho hay, năm nay dù không huy động cán bộ, giảng viên trường ĐH tham gia coi thi, chấm thi nhưng bộ sẽ huy động cán bộ, giảng viên ĐH có đạo đức tốt, có kinh nghiệm tham gia hoạt động thanh tra/kiểm tra thi ở địa phương. Dự kiến có 2 nhóm khác nhau, một số tham gia các đoàn thanh tra/kiểm tra của bộ, một số tham gia các đoàn của địa phương.

Hiệu trưởng 1 trường THPT ở Hà Nội nói rằng, điều ông lo lắng nhất chính là khâu chấm thi. Ở phòng thi mỗi thí sinh một mã đề nhưng ở khâu chấm thi “do cán bộ địa phương” chủ trì dễ xảy ra vấn đề thông đồng, gian lận thi. “Điều này dễ xảy ra nếu quy trình lỏng lẻo, có khe hở. Bởi một suất người ta ngã giá lên tới tiền tỷ chính là đánh vào lòng tham con người”, vị này nói.

Hiệu trưởng các trường THPT cũng cho rằng, việc tăng cường thêm lực lượng thanh tra của UBND tỉnh chẳng khác nào “mình thanh tra mình” hay “cha con đóng cửa thanh tra nhau”. Địa phương tổ chức thi nhưng phải có lực lượng cán bộ, giảng viên của bộ đủ lớn để tham gia thanh tra, giám sát ở mỗi điểm thi mới hạn chế được gian lận thi.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.