Đề bài: Phân tích đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt trong trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Lưu Quang Vũ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch Việt Nam trong những năm tám mươi của thế kỷ XX. Ông được coi là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Tác phẩm của ông toát lên một ý vị triết lí và nhân sinh về đời người, kiếp người.
- Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đồng thời là vở diễn kinh điển của nền kịch nói Việt Nam. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và da hàng thịt đã tập trung thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm về sự đấu tranh giữa hình thức và nội dung, giữa nhu cầu vật chất và tinh thần; về cái chết và sự sống của con người.
2. Đối thoại
Đây là biện pháp thể hiện nghệ thụât không thể thiếu trong tác phẩm kịch thông qua ngôn ngữ kịch, người đọc nắm bắt được tâm lí, tính cách nhân vật. Bức xúc vì phải sống nhờ trong thân xác người hàng thịt, hồn Trương Ba đòi thoát ra khỏi vỏ bọc của mình, Trương Ba quyết định trả lại xác hàng thịt và chấp nhận cái chết. Đó là nguyên nhân của cuộc đối thoại gay gắt, quyết liệt giữa hồn và xác. Hồn Trương Ba đòi thoát ra khỏi xác anh hàng thịt " kềnh càng thô lỗ" và muốn có "hình thù riêng", chỗ ở riêng.
3. Hồn Trương Ba đòi tự do
Hồn Trương Ba đòi ra khỏi vỏ bọc không phải của mình nhưng xác hàng thịt cho rằng linh hồn mờ nhạt của Trương Ba không thoát khỏi thân xác mình được vì bị tiếng nói của mình sai khiến, có khi lấn át cả linh hồn. Hồn Trương Ba lại cho rằng xác là cái "không có tiếng nói", "âm u đui mù", "chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc", hoặc nếu có thì "chỉ là những thứ thấp kém" chứ không thể có được sự "cao khiết" như tâm hồn được.
4. Lí lẽ của xác hàng thịt
- Xác hàng thịt đưa ra lí lẽ: "Hai ta đã hoà với nhau làm một rồi" nếu hồn muốn tồn tại thì cần có một hình hài, và phải biết "chiều" theo những đòi hỏi của thân xác. Vì vậy không có cách nào chối bỏ được thân xác, "là cái hoàn cảnh" buộc hồn phải quy phục, "là cái bình để chứa đựng linh hồn". Và việc đầu tiên là hồn phải "công bằng hơn" đảm bảo cho xác một đời sống vật chất no đủ, phải "làm đủ mọi việc để thoả mãn những thèm khát" của xác thịt.
- Xác thuyết phục hồn trở về với hình hài của mình vì hồn và xác "tuy hai mà một", xác chấp nhận "trò chơi tâm hồn" nghĩa là hồn cứ việc nghĩ mình thánh thiện, nếu làm điều gì xấu xa thì cứ đổ lỗi cho xác, xác là cái người ta đày đoạ, còn hồn thì cứ việc thanh thản làm theo những đòi hỏi của xác. Hồn cho rằng đó là những lí lẽ "ti tiện" không thể chấp nhận được. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác ngày càng trở lên gay gắt.
5. Sự chuyển biến
Trong cuộc đối thoại này, hồn từ chỗ căm ghét xác, muốn đấu tranh vứt bỏ hình hài gớm ghiếc không phải của mình, rồi sau đó hồn bị xác tìm mọi lí lẽ thuyết phục. Còn xác biết rất rõ vị thế của mình nên đã "lái" hồn đi theo nhu cầu của mình. Như vậy, xác đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng to lớn của nó đối với sự tồn tại của linh hồn bé nhỏ kia. Mâu thuẫn kịch lúc này lắng xuống, những ngộ nhận của hồn về việc sau bao nhiêu bất hoà xảy ra trong cuộc sống là do xác gây nên tạm thời được giải quyết, hồn đành chấp nhận trở về trú ngụ trong thân xác cũ.
* Hồn và xác là hai yếu tố không thể thiếu của con người. Không thể tồn tại hồn mà không có xác cũng không thể vì thế mà bắt hồn phải sống trong thân xác của người khác.
6. Tổng kết
Thông n đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm một thông điệp giàu giá trị triết lí: Sống phải là chính mình, không thể sống thay người khác. Mỗi người có một nhu cầu, ham muốn riêng, không thể bắt con người theo những điều giả dối. Sự sống chỉ có ý nghĩa khi con người có sự hài hoà giữa đời sống thể xác và đời sống tinh thần. Để sống có ý nghĩa, con người cần biết đấu tranh với cái dung tục, tầm thường, giả dối, vươn lên cái thật, cái đẹp của cuộc đời.
Giáo viên Nguyễn Quang Ninh
Trung tâm Hocmai.vn