Để trẻ chậm nói thành... nhanh nói

Thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ. Ảnh: Shutterstock
Thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ. Ảnh: Shutterstock
Khi thấy con mình không “líu lo” như con em của những người khác, phụ huynh thường rất lo lắng, hốt hoảng, nóng lòng muốn được biết nơi nào chữa trị tốt nhất.

> Vì sao trẻ chậm nói?

Thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ. Ảnh: Shutterstock
Thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ sẽ phát triển ngôn ngữ. Ảnh: Shutterstock.

“Liều thuốc” từ sự tương tác

Chị Thanh - ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM lo lắng: “Con tôi đã gần 2 tuổi mà nói được chỉ vài từ. Vợ chồng tôi đi làm suốt, phải nhờ ông bà nội chăm sóc cháu. Mấy ngày nay, gia đình tôi thuê cô giáo đến nhà tập nói, nhưng cháu không tiến bộ bao nhiêu.

Vợ chồng tôi đang tìm trường chuyên biệt để gửi cháu vào đó”. Một phụ nữ lớn tuổi rầu rĩ kể: “Cái gì cháu nội tôi cũng hiểu nhưng không nói được, chỉ biết chào và nói “bai-bai”. Những khi cháu không đồng ý điều gì thì cắn đồ, cắn tay và đập đầu xuống đất…”.

Rất nhiều thắc mắc của phụ huynh được nêu ra tại buổi nói chuyện “Khi trẻ chậm nói” diễn ra tại Nhà Thiếu nhi TP.HCM vào cuối tháng 11.

”Ngôn ngữ trẻ không tự nhiên mà có. Nó chỉ xuất hiện khi có sự tương tác với người lớn” - Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến. 

Tại đây, bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Tiến - Chi hội Trăng Non thuộc Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TP.HCM chia sẻ: “Nhiều cặp vợ chồng bận rộn suốt nên đã giao khoán việc dạy con cho ông bà nội/ngoại. Do lớn tuổi, lại có những mối quan tâm khác nên ông bà ít nói chuyện với đứa trẻ“. “Ngôn ngữ trẻ không tự nhiên mà có. Nó chỉ xuất hiện khi có sự tương tác với người lớn. Tức là, thông qua tiếp xúc với thế giới xung quanh, trẻ phát triển được trí khôn, sự nhận thức” - BS Tiến khẳng định.

Ông cảnh báo: Nếu để đứa bé chơi một mình hoặc coi tivi suốt, không có ai xung quanh thì người lớn đã tước mất điều kiện giúp trẻ hình thành ngôn ngữ. Cũng như những hành vi khác ở trẻ, sự phát triển ngôn ngữ đều phải trải qua quá trình học tập thường xuyên.

Theo BS Tiến, có rất nhiều cách đơn giản để có thể tương tác với con, ngay cả khi người mẹ khá bận rộn. Chẳng hạn, trong khi tắm cho bé, người mẹ có thể nói: Con xòe tay ra coi; mẹ móc mũi cho con nhé… Làm như vậy là đã tạo ra bối cảnh rất tốt để trao đổi với bé - miễn sao bé không có vấn đề gì về não.

Can thiệp sớm

BS Tiến cho hay, nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy não của trẻ dưới 6 tuổi chưa hoàn thiện nhưng lại có khả năng nghe rồi dần dần học cách giải mã ngôn ngữ. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ có bộ não tương tự người lớn và khả năng giải mã tự nhiên này sẽ biến mất. Vì vậy, người mẹ nên thiết lập "quan hệ sớm mẹ-con", nói chuyện với trẻ ngay từ những ngày đầu tiên bé được sinh ra chứ không phải đợi cho đến khi trẻ biết nói.

Khi giúp trẻ chậm nói, theo BS Tiến, người lớn đừng quên vừa nói vừa biểu cảm, ra điệu bộ (trẻ khiếm thính càng cần nhiều điệu bộ) bởi các thông điệp trong giai đoạn đầu của trẻ chủ yếu là phi ngôn ngữ. Còn khi người lớn đơn thuần nói như một cái máy, đứa trẻ có nguy cơ bắt chước như một con vẹt.

“Nếu đứa trẻ có vấn đề chậm nói hoặc có bệnh lý gì đó làm chậm phát triển ngôn ngữ thì cần nhớ ba chữ: can thiệp sớm” - BS Tiến nhấn mạnh. Theo đó, sớm nhất là giai đoạn dưới 3 tuổi, còn nếu không kịp thì cũng không nên để quá 6 tuổi. Và sự can thiệp cần được kết hợp từ nhiều góc độ: y khoa, tâm lý, giáo dục.

Các nguyên nhân

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, những nguyên nhân gây chậm nói là: khiếm thính; chậm phát triển; rối loạn tự kỷ; rối loạn tăng động giảm chú ý; tổn thương não sớm; trẻ bị bỏ rơi, thiếu tình cảm; các chứng rối loạn ngôn ngữ.

Theo Như Lịch
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG