Chú ý đến nguyên tắc chừng mực với trẻ
Theo nguyên tắc giáo dục trẻ em, chúng ta không nên quá thờ ơ, bỏ rơi và cũng không quá chiều chuộng, ấp ủ, một bước không rời vì cả hai cách ứng xử này đều không đem lại hiệu quả tốt cho việc phát triển nhân cách của trẻ. Cũng thế, với một trẻ khuyết tật, thì lại càng cần phải chú ý đến nguyên tắc chăm sóc chừng mực với trẻ.
Vì theo nguyên tắc này, nếu chúng ta quá quan tâm, giúp đỡ và luôn làm thay cho trẻ trong mọi hành vi và hoạt động, thì trẻ sẽ không có được sự nỗ lực để vượt qua được những trở ngại để đạt được những kỹ năng nhất định. Hơn thế nữa, trẻ còn trở nên ỷ lại và ích kỷ.
Trẻ chỉ muốn bố mẹ phải luôn luôn bên cạnh mình, rồi đòi hỏi và sai bảo dựa vào chính “ưu thế” khuyết tật của mình, để rồi khi lớn lên trẻ sẽ càng ỷ lại, không chịu phấn đấu “vượt lên chính mình” mà chỉ muốn thụ hưởng mọi sự ưu ái và quyền lợi của một người khuyết tật, nếu không được thì lại trở nên một kẻ bất mãn, chán đời …
Với trẻ em khuyết tật thì sự đồng hành của cha mẹ rất quan trọng |
Các khuyết tật như khiếm thị (khó khăn về khả năng nhìn), khiếm thính (khó khăn về khả năng nghe – nói), bại liệt ( khó khăn về vận động) thường tạo ra những ức chế, trẻ trở nên trầm cảm hay dễ nổi nóng, bộc lộ hung tính và không muốn giao tiếp. Nếu được chăm sóc và yêu thương thì trẻ sẽ vượt qua được những lo lắng, căng thẳng và thích nghi được với môi trường.
Hiện nay, với khả năng phát hiện sớm có khi ngay từ lúc mới sinh, việc giáo dục phục hồi chức năng cho trẻ, đặc biệt là đối với trẻ khiếm thính trong việc cho đeo máy nghe sớm sẽ giúp nâng cao khả năng giao tiếp của trẻ và làm giảm nhẹ các nguy cơ rối nhiễu tâm lý của trẻ xuống mức thấp nhất.
Các khuyết tật như chậm khôn, hội chứng Down và bại não là những khuyết tật về trí tuệ rất cần những phương pháp giáo dục đặc biệt, do các em thiếu đi hai khả năng quan trọng là khả năng tiếp nhận thông tin và khả năng thiết lập các quan hệ tương tác.
Trong việc giáo dục phục hồi (còn gọi là giáo dục đặc biệt hay chuyên biệt), trước đây nhiều phụ huynh thường có mong muốn con mình sau thời gian được giáo dục và điều trị sẽ có khả năng bình phục, trở về cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.
Sau một thời gian đưa con đến các trường giáo dục đặc biệt, sự tiến bộ chậm chạp thậm chí là không tiến bộ bao nhiêu của trẻ đã khiến cho nhiều phụ huynh thất vọng, sau đó lại bỏ bê vì không còn sức để tiếp tục chăm sóc trẻ nữa, chính thái độ lúc quá chăm chút, khi lại thờ ơ sẽ khiến trẻ dễ rơi vào những rối nhiễu tâm lý hoặc có những hành vi không kiểm soát được.
Phụ huynh cần chấp nhận là đối với các tình trạng khuyết tật về trí tuệ sẽ không có biện pháp nào giúp trẻ trở lại tình trạng bình thường. Nhưng việc giáo dục các kỹ năng theo những phương pháp chuyên biệt sẽ giúp trẻ có khả năng thích nghi với môi trường bên ngoài, trẻ có thể tham gia những hoạt động đơn giản trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người khuyết tật đã giúp họ ổn định cuộc sống. |
Ngoài ra, phụ huynh cũng không nên nghĩ rằng các biện pháp giáo dục chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật là công việc của giáo viên, và chỉ được thực hiện tại nhà trường.
Chính những hoạt động trong gia đình, thái độ quan tâm hợp lý và những kế hoạch làm việc cụ thể tại gia đình dành cho trẻ khuyết tật, mà phụ huynh là người hướng dẫn và giám sát mới là những điều kiện cần thiết, hỗ trợ cho các phương pháp giáo dục ở trường giúp trẻ có những tiến bộ cần thiết.
Mở rộng thêm các nghề phù hợp với các đối tượng học sinh khuyết tật
Thái Nguyên hiện có hơn 20.000 người khuyết tật. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ, tạo sinh kế, những người khuyết tật đã vượt lên mặc cảm khiếm khuyết, tự tin hòa nhập cộng đồng xã hội, dựng xây cuộc sống hạnh phúc.
Bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2022, chương trình thời sự có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu của Đài PT-TH Thái Nguyên đã trở thành kênh thông tin để những người khiếm thính theo dõi, nắm bắt hoạt động, tình hình phát triển của địa phương, từ đó giúp họ truyền thông hiệu quả hơn trong cộng đồng mình, giúp nhau xóa bỏ rào cản, tham gia đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Chị Phạm Thị Huệ, xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên có con gái 11 tuổi không may bị khiếm thính bẩm sinh. Khi con gái đến tuổi đi học, để hiểu và dạy con, chị Huệ quyết tâm học ngôn ngữ ký hiệu. Qua xem chương trình truyền hình có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, chị mở rộng vốn từ vựng, cập nhật thông tin, từ đó trang bị cho con gái những kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp con dần xóa đi khoảng cách với những bạn bè cùng trang lứa.
Cùng với tiếp cận thông tin, nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo sinh kế cho người khuyết tật đã giúp họ ổn định cuộc sống. Đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật Thái Nguyên, sau những giờ học văn hóa, các em học sinh được tham gia các lớp học nghề phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình, như tin học, may công nghiệp, thêu zen… Qua những lớp học này, phần lớn các em được các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp nhận vào làm việc.
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi cũng mong muốn sẽ tiếp cận và mở rộng thêm các nghề phù hợp với các đối tượng học sinh, và các nghề thực tế với cuộc sống hàng ngày, liên kết với một số đơn vị khác và mở thêm những nghề chuyên sâu như nghề làm đẹp, nghề nấu ăn, hoặc là nghề cắt tóc".