Truy trách nhiệm người đứng đầu để quy hoạch “băm nát”
Sau Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng về hàng loạt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng các dự án cao ốc hai bên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu (Hà Nội), lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, đang chỉ đạo các sở ban ngành liên quan báo cáo giải trình làm rõ những vấn đề nêu trong Kết luận thanh tra.
Theo Kết luận thanh tra, Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Đáng chú ý là việc hàng chục lần UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần.
Trong vòng 2km, con đường Lê Văn Lương cõng đến 40 tòa cao ốc. |
“Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ", Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.
Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra trách nhiệm của các cơ quan như UBND TP Hà Nội, Sở QH-KT, Sở Xây dựng và một số cơ quan quản lý địa phương đã để xảy ra các vi phạm trên.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đơn vị thanh tra mới chỉ nêu trách nhiệm chung chung và cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan để xảy ra vi phạm, yếu kém trong công tác quy hoạch. Cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các thời kỳ?. Hay việc dù dư luận đã bức xúc nhiều năm trước tình trạng tuyến đường chỉ 2 km nhưng phải oằn mình cõng tới 40 tòa nhà cao tầng, trong khi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không đáp ứng nhưng vì sao năm 2020, Bộ Xây dựng mới có đoàn thanh tra?.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Xuân Lượng, Tiến sĩ chuyên ngành Bất động sản – Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, theo Kết luận thanh tra 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra những con số rất đáng lo ngại.
“Trải qua hơn 20 năm thực tiễn trong ngành xây dựng và từng là những người đầu tiên thi công khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, chứng kiến sự hình thành và phát triển quy hoạch đường Lê Văn Lương. Dù chưa có số liệu kết luận về thiệt hại gây ra, tuy nhiên tôi cảm nhận được hệ lụy, sự ảnh hưởng lâu dài, tiêu cực đối với quy hoạch Thủ đô", Tiến sĩ Trần Xuân Lượng nói.
Theo ông Lượng, đường Lê Văn Lương trước đây là nhánh sông Hòa Mục nối với sông Tô Lịch trở thành con đường huyết mạch nối trung tâm cũ với trung tâm mới mở rộng về phía Tây Hà Nội, ban đầu nó là niềm hy vọng của nhân dân Thủ đô, giảm tải ách tắc giao thông cho đường Nguyễn Trãi nhưng đến nay nó được bao trùm bởi các tòa cao ốc. Và đáng tiếc những tòa nhà này “mọc” sai quy hoạch sẽ để lại hậu quả lâu dài cho Thủ đô, việc khắc phục là vô cùng khó khăn, nó sẽ trở thành những “khối u ác tính”, khó có thể giải quyết một sớm một chiều.
Thường thì khi điều chỉnh quy hoạch chúng ta có xu hướng làm tăng thêm quỹ đất, giảm mật độ, tăng quỹ đất cho đường xá, công ích, cho hạ tầng, đáp ứng nhu cầu thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, việc chính quyền TP Hà Nội trước đây đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch lại đi ngược với các tiêu chí, nguyên tắc trong quy hoạch, làm gia tăng thêm về quy mô, tăng mật độ dân cư, thiếu cơ sở hạ tầng.
Trước việc nhiều ý kiến cho rằng, tại sao lại có sự điều chỉnh quy hoạch nhanh chóng và dễ dàng như vậy. Phải chăng có lợi ích nhóm?. TS Trần Xuân Lượng cho hay: "Tôi không dám chắc là có lợi ích nhóm hay không, vì không có đủ căn cứ, để có căn cứ thì cần phải có các cơ quan chức năng chuyên môn vào cuộc điều tra, tuy nhiên nhìn vào các hiện tượng nêu trên, vào kết luận của thanh tra thì chúng ta có thể dễ dàng nhận ra là ai là người được hưởng lợi?".
Điều đáng nói, Đồ án quy hoạch Thủ đô nó là một công trình nghiên cứu công phu của các chuyên gia, các nhà khoa học, tổng hợp các ngành nghề trong một thời gian dài, và khi thay đổi nó cũng không hề dễ dàng. Chúng ta cần phải tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế xã hội và dự báo lại. Nên việc thay đổi quy hoạch đúng ra cũng khó khăn không khác gì là làm lại mới.
"Luật quy hoạch 2009 đã quy định rất rõ phạm vi trách nhiệm trong phê duyệt và thay đổi quy hoạch, cấp nào có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh thì cấp đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước toàn dân. Trong trường hợp này đương nhiên nếu để xảy ra vi phạm là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội trong các thời kỳ đó, bên cạnh đó còn có trách nhiệm của các cơ quan tham mưu như Sở QH-KT, Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch Đầu tư… Ngoài ra, còn có trách nhiệm của nhiều đơn vị khác. Bởi đồ án quy hoạch còn liên quan đến cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, môi trường, y tế, giáo dục, an sinh xã hội...", TS Trần Xuân Lượng thẳng thắn chia sẻ.
Cũng theo ông Lượng, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chậm trễ trong việc thanh tra, bởi Luật quy hoạch quy định rõ, đối với những quy hoạch chi tiết thì sau 3 năm, quy hoạch phân khu sau 5 năm thì phải đánh giá, phân tích, báo cáo. Như vậy trách nhiệm của cơ quan thanh tra trước đây là rất rõ. Do đó, việc để xảy ra những hậu quả lâu dài như này điều chỉnh quy hoạch nhiều lần là trách nhiệm của những người thuộc nhiệm kỳ trước đây, không tránh khỏi trách nhiệm có liên quan.
Đề nghị công an vào cuộc điều tra
KTS Phạm Thanh Tùng - Chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng cần phải làm rõ lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch “băm nát” đường Lê Văn Lương.
“Có thể nói thẳng ra, điều chỉnh quy hoạch nhiều trường hợp ở đường Lê Văn Lương sai luật pháp. Cần phải xử lý tận gốc. Thời gian tới, cần mở rộng thanh tra thêm nhiều khu vực khác ở Hà Nội để làm rõ thêm những bất cập trong quản lý quy hoạch, xây dựng ở Hà Nội cũng như tạo cơ sở để nhóm lợi ích lộ ra, đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
Nhiều dự án 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương điều chỉnh theo đề xuất của chủ đầu tư, chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng. |
Trả lời báo chí liên quan đến quy hoạch đường Lê Văn Lương, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đánh giá việc thực hiện theo quy hoạch sẽ là vấn đề hết sức hệ trọng đối với Thủ đô, nó khác hoàn toàn với các địa phương khác. Bởi Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cả nước. Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, nên chúng ta phải hết sức thận trọng, làm kỹ.
"Ngoài việc thực hiện các quy định chung của pháp luật liên quan tới quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, dân số, dân cư, quốc phòng an ninh và các Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội còn có "đạo luật riêng" là Luật Thủ đô. Vậy không có lý do gì để vi phạm tồn tại, phá vỡ quy hoạch của Thủ đô", ông Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, trách nhiệm trong kết luận thanh tra mới chỉ ra chung chung. Do đó, cần thiết hơn nữa là phải có chương trình giám sát nghiêm và Thanh tra Chính phủ vào cuộc, nếu có sai phạm, dấu hiệu hình sự thì phải chuyển cơ quan điều tra của Bộ Công an làm rõ.
Thu hồi các dự án chậm triển khai, giành quỹ đất phục vụ cộng đồng
Cũng tại Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, một số lô đất bên đường Lê Văn Lương – Tố Hữu chậm tiến độ nhiều năm, bỏ hoang lãng phí. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài những dự án vi phạm đã hoàn thiện đưa vào sử dụng thì đối với một số dự án còn sót lại bên “tuyến đường đau khổ” Lê Văn Lương bị băm nát quy hoạch chậm triển khai thì cơ quan chức năng cần rà soát, “phanh” lại để dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, giáo dục, bố trí vườn hoa, sân chơi…
Về vấn đề này, TS Trần Xuân Lượng đồng tình, cho rằng thành phố cần thu hồi những khu đất chậm triển khai để “chữa cháy” cho những hệ lụy từ việc băm nát quy hoạch. “Đối với những khu đất dự án chậm triển khai nhiều năm, cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm tra. Nếu vi phạm nên thu hồi lại các khu đất này để chuyển thành đất công, đất công viên cây xanh, đất y tế, trường học, bãi đỗ xe… phục vụ cho cộng đồng”, ông Lượng nói và cho biết,về lâu dài cần tiến hành thanh tra tổng thể các đồ án quy hoạch, để có đánh giá tổng thể, phân tích tìm ra các giải pháp.