> Đề Hóa không quá khó để đạt điểm cao
> “An ninh quốc phòng” vào đề Địa lý là phù hợp
Thí sinh cười tươi vì làm được bài sau khi ra khỏi phòng thi tại cụm trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Đỗ Hợp |
Tại cụm thi trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, kết thúc môn thi Địa Lý, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi thở phào vì đề bám sát trong chương trình lớp 12, chỉ cần biết vận dụng kiến thức kiếm điểm 7 không phải khó.
Vừa ra khỏi phòng thi với nụ cười rạng rỡ, em Đỗ Quốc Anh (trường THPT Đinh Tiên Hoàng), đề địa dễ, cơ bản, được ôn tập rất kĩ và không quá khó để lấy điểm trên trung bình.
“Đã qua ba môn thi và em thấy đề năm nay dễ, không đánh đố học sinh, nằm trong chương trình học. Môn này em chắc ít cũng phải 6-7 điểm”- Quốc Anh cho biết.
Ngoài ra, theo Quốc Anh, trong phòng thi diễn ra nghiêm túc, nhiều bạn đã rất an tâm vì có “bảo bối” là cuốn Atlat: “Trên 50% số câu trong đề có thể kiếm điểm rồi. Dựa vào cuốn này em đã có thể tự tin kiếm được 5 điểm”- Quốc Anh tự tin cho biết.
Cùng chung tâm trạng, em Bùi Thành Long, cụm thi trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cho biết, em dễ dàng hoàn thành các câu trong đề thi. Theo Long, đây là một đề thi dễ, câu bài tập năm nay cũng dễ kiếm điểm tối đa.
“Cuốn Atlat đã cho không em 5 điểm rồi. Vận dụng thêm kiến thức đã ôn, em làm khá tốt và chắc được khoảng 8,5 điểm”- Long cho hay.
Lê Trung Đức, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, đề rất đơn giản, bám sát chương trình và tính ra Đức ít nhất đạt 7-8 điểm.
Với Xuân Cát, tại cụm thi trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội thì môn Địa lý dễ như hai môn Ngữ Văn và Hóa ngày hôm qua: “Môn Văn em tính được 6 điểm trở lên, Hóa 9,5 điểm và Địa chắc 7 điểm. Hy vọng đề ba môn còn lại cũng cơ bản như thế này”.
Vừa thi xong môn Địa Lý, nhiều thí sinh vội vàng về ôn tập cho môn Lịch sử chiều nay , môn mà nhiều thí sinh sợ nhất.
Tại Sóc Trăng, sáng ngày 03-6, các TS bước vào thi môn Địa lý. Khác với đề thi của hai môn Ngữ Văn và Hóa học, nhiều TS ở Sóc Trăng nhận xét đề thi môn Địa Lý có phần khó hơn.
Thí sinh tại Sóc Trăng kết thúc môn thứ 3. Ảnh: Xuân Lương |
Theo Thí sinh Hồ Thị Ngọc Lam, học sinh giỏi trường THPT An Ninh (huyện Mỹ Tú), đề thi ở mức tương đối so với hai môn ngày đầu tiên. Theo Lam, ở phần chung cho tất cả các thí sinh, ý 2 của câu 2 khó khiến nhiều bạn không làm hết. Còn ở phần riêng, câu số 2 của chương trình nâng cao thật sự khó. Với lực học của mình, Ngọc Lam cho biết: “Em chỉ dám chắc làm được khoảng 8 điểm”.
Một số thí sinh khác không vui vì bài làm không đạt kết quả như mong muốn. Thời tiết sáng ngày thi hôm nay rất đẹp với trời trong xanh, nắng ấm áp chứ không mưa lớn như buổi sáng ngày hôm qua.
Tại Đà Nẵng, kết thúc đề thi môn Địa Lý sáng nay (3-6), không ít thí sinh tại các hội đồng coi thi (HĐCT) trên địa bàn cho rằng đề Địa năm nay không quá khó, nhưng khá dài và nhiều ý khiến nhiều bạn bị “hụt hơi”.
Thí sinh Đà Nẵng sau môn thi thứ ba. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Không có nhiều nụ cười như sau hai môn thi ngày đầu tốt nhiệp sáng qua, nhiều thí sinh kết thúc đề Địa tranh thủ trao đổi, hỏi bài, kiểm tra kiến thức trong SGK, atlat để tự đánh giá kết quả.
Thí sinh Nguyễn Lê Hoàng, SBD 013285 tại HĐCT trường THPT Trần Phú tiếc ngủm: đề thi thuộc kiến thức cơ bản, nằm hết trong SGK nên chỉ cần học tốt lý thuyết là có thể vận dụng được ngay. Tuy nhiên, do đề dài nên em làm không kịp, chỉ được 80-90% khối lượng đề thi. Nếu thêm chục phút, chắc chắn em sẽ hoàn thành tốt.
Theo các thí sinh, đề Địa hệ THPT có 3 câu phần chung (bắt buộc) và hai câu phần riêng (tự chọn). Ở tất cả các câu đều có 2 ý nhỏ nên phải viết “tốc lực” mới có thể hoàn thiện. “Đề bài không đánh đố, như ở phần vẽ biểu đồ thay vì để thí sinh lựa chọn các loại biểu đồ phù hợp, đề thi yêu cầu vẽ biểu đồ cột nên dễ dàng hơn”, thí sinh Trần Thảo Nhi (THPT Thái Phiên) nói.
Tại HĐCT trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng), nhiều thí sinh “than” đề Địa dài. Thí sinh Nguyễn Hoàng Quân (THPT Phan Chu Trinh) cho hay: em làm thử đề Địa các năm trước nhưng rõ ràng đề thi năm nay có phần khó hơn, đặc bài dài hơi hơn.
Tuy nhiên, đề thi năm nay có nhiều câu hỏi hấp dẫn, sát thực tế như ý 2 câu II “việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng”, nếu có nhiều thời gian, việc mở rộng đáp án câu hỏi này sẽ rất thú vị.
Ở hệ GDTX, thí sinh Lê Thị Kiều (SBD 01323, Trung tâm GDTX quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng chung nhận định: đề có 3 câu hỏi chính nhưng ở tất cả đều có tất cả các câu đều có 3 ý phụ nên tính ra phải làm 9 câu trong vòng 90 phút. Trung bình mỗi câu chỉ có 10 phút cho tất cả các thao tác: suy nghĩ, đề cương ý, trình bày ra giấy…
Theo Kiều: ở phòng thi nhiều bạn tập trung làm đến hết giờ thi nhưng không phải ai cũng làm hết. Với sức học lực khá môn Địa, Kiều ước tính chỉ có thể đạt 6-7 điểm bài thi môn này.
Thí sinh trao đổi kết quả sau môn Địa. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Sáng cùng ngày (3-6), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức thi, coi thi tại các HĐCT THPT Nguyễn Trãi, THCS Phan Đình Phùng (Đà Nẵng).
Thứ trưởng Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị, tổ chức các mặt của ngành giáo dục Đà Nẵng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 như kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đặc biệt không có tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông tại các điểm thi. Lực lượng chức năng có mặt trong và ngoài điểm thi để hạn chế tối đa các tình trạng mất an ninh, tiêu cực. Thứ trưởng Nghĩa đặc biệt ấn tượng với quy định ngành CSGT nghiêm cấm hoạt động của đội ngũ xe ben, tải trên các tuyến đường trọng tâm trước và sau giờ thi của thí sinh.
Theo ông Phan Minh Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Đà Nẵng): hết môn thi sáng nay, Đà Nẵng chỉ có thêm 1 thí sinh nghỉ thi do bị ốm đột xuất. Đây là học sinh chuyên của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nâng tổng số thí sinh nghỉ thi ở cả hai hệ lên hơn 30 thí sinh. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc không có thí sinh, giám thị vi phạm quy chế.