Nhiều điểm sáng nhưng thiếu sức bật
Sau ba năm vắng bóng vì dịch COVID-19, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023 trở lại đầy ngoạn mục. Hai đêm diễn cuối cùng tại Hoàng thành Thăng Long hôm 21-22/10 thu hút hàng nghìn khán giả. Nhóm nhạc Bức Tường, rapper Suboi, ban nhạc Mongdoll từ Hàn Quốc, cặp đôi Fergessen từ Pháp và nhóm nhạc Sunset Rollercoaster đem đến không gian bùng nổ. Lễ hội khép lại với đêm nhạc đặc sắc, đã tai, đã mắt với phần trình diễn của nhóm nhạc GoodLuck tới từ Nam Phi, Forgotten Future - nghệ sĩ, nhà sản xuất đang hoạt động ở Hoa Kỳ, nữ ca sĩ Lydmor (Đan Mạch), ban nhạc Ngọt, “hoàng tử Indle” Vũ, các nghệ sĩ như Madihu, Low G, Thịnh Suy.
Nhiều nghệ sĩ quốc tế đổ bộ vào Việt Nam nửa cuối năm 2023. |
Sự xuất hiện liên tiếp của những tên tuổi nổi tiếng trong hai đêm diễn Thăng Long thành hội đem tới những màn biểu diễn rực lửa, khiến tất cả khán giả không thể ngừng lắc lư và đắm chìm trong không gian âm nhạc giàu màu sắc. Trải qua 10 ngày biểu diễn ở hơn 10 địa điểm tại khu vực phố cổ và các điểm trung tâm quận Hoàn Kiếm, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa đã thành công thử nghiệm mô hình tổ chức mới, thu hút đông đảo khán giả Thủ đô.
Sau năm lần tổ chức, Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa đón hơn 225 nghìn khán giả trong nước và những du khách quốc tế tới du lịch Hà Nội, hơn 300 nghệ sĩ trong nước và quốc tế biểu diễn. Những con số này nói lên sự nỗ lực của nhà sản xuất trong việc xây dựng văn hóa âm nhạc và văn hóa tham gia sự kiện âm nhạc cho khán giả Thủ đô.
Bên cạnh điểm hẹn quen thuộc này, trong năm 2023, khán giả Việt Nam có nhiều cơ hội thưởng thức nhiều chương trình âm nhạc hoành tráng với sự xuất hiện của nhiều ngôi sao quốc tế. Có thể kể đến hai đêm diễn của BlackPink trong khuôn khổ Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của BlackPink 2023 (Hà Nội), gần như lấp đầy sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) với gần 67 nghìn khán giả, buổi diễn của nhóm nhạc Super Junior Super Show 9: Road (TP.HCM), những tiết mục bùng nổ của Charlie Puth trong chương trình 8Wonder (Nha Trang), lễ hội âm nhạc Hay Fest… và nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng như TAEYANG, BoA, Aespa, Hyoyeon… Dịp cuối năm, sao quốc tế tiếp tục đổ bộ đến Việt Nam như huyền thoại Kenny G, ban nhạc Westlife.
Hàng chục buổi diễn âm nhạc trong năm 2023 khiến Việt Nam dần có tên trên bản đồ “bữa tiệc” âm nhạc đẳng cấp thế giới, bước đầu xây dựng nền tảng để đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp âm nhạc. Tuy nhiên, để ngành công nghiệp Việt Nam bật lên, tạo dấu ấn mạnh mẽ còn đó nhiều vướng mắc chờ tháo gỡ. Trong đó, quan trọng nhất là sự thay đổi về chính sách.
Gỡ vướng từ chuyện cấp phép chậm
Trong khuôn khổ Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2023, đông đảo chuyên gia, người làm trong ngành âm nhạc Việt Nam có dịp mổ xẻ vướng mắc tại hội thảo Công nghiệp âm nhạc và những triển vọng trong tương lai, nhằm đóng góp ý kiến để ngành công nghiệp âm nhạc “hái” ra tiền.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thừa nhận, nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam thật sự chưa phát triển do hạn chế về mặt cơ chế chính sách. Bà nêu ví dụ về Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa - một lễ hội âm nhạc có thương hiệu, đóng góp vào nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung - nhưng lại được cấp phép rất sát ngày.
"Hai phút hơn" nổi tiếng trên mạng xã hội quốc tế với bản remix của Kaiz |
“Chính quyền nên tạo điều kiện thuận lợi như cấp phép, đồng thuận hoặc xem xét kế hoạch của đơn vị tổ chức sự kiện sớm hơn. Nếu có chỗ nào trong vấn đề thủ tục chưa phù hợp cần hỗ trợ, giải thích giúp họ để họ điều chỉnh sớm. Nếu bị chậm hoặc lỡ nhịp, ảnh hưởng đến kế hoạch dễ khiến những nhà sản xuất, những đơn vị tổ chức nản lòng”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Tại một số quốc gia trên thế giới, chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất để nền công nghiệp văn hóa cất cánh. Bà Phạm Minh Hồng (quản lý nghệ thuật, Hội đồng Anh) cho biết, chính phủ Anh thực hiện nhiều chính sách để phát triển nền công nghiệp này. Trong mọi quyết định xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa, những nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo luôn là đối tượng trung tâm. Nghệ sĩ được quyền tham gia vào việc tư vấn, đưa ra nhu cầu lẫn khả năng đóng góp của họ… vào nền công nghiệp đó.
Bà Thảo Nghiêm, người đồng sáng lập, Giám đốc điều hành The OMAs - giải thưởng âm nhạc thường niên được tổ chức tại Canada - nhấn mạnh, phần lớn những lễ hội âm nhạc ở Canada đều nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc từ thành phố. Bà Thảo Nghiêm hy vọng, trong tương lai, kể cả nghệ sĩ hay những người đứng sau sân khấu, cộng đồng yêu nhạc sẽ chung tay làm việc, đưa ngành âm nhạc Việt Nam phát triển.
Bên cạnh những vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhiều chuyên gia cho rằng, các nghệ sĩ cũng cần thay đổi, nhanh chóng bắt kịp xu hướng âm nhạc hiện đại trên thế giới, đặc biệt với sự trợ giúp của mạng xã hội.
Có những sản phẩm âm nhạc được tung ra vào năm trước nhưng nổi tiếng trở lại nhờ nền tảng mạng xã hội. Anh Roland (đại diện MIXUS - đơn vị ghi âm và sản xuất âm nhạc) nói rằng, nhờ một nghệ sĩ nào đó làm mới nên sản phẩm âm nhạc có sức sống mới, lan tỏa rộng rãi hơn. Ngoài năng lực chuyên môn, nghệ sĩ cần có truyền thông bài bản, bởi mỗi dòng nhạc, mỗi sản phẩm âm nhạc có cách tiếp cận, quảng bá khác nhau.
Sao quốc tế đổ bộ Việt Nam
Tháng 12/2023, Việt Nam tiếp tục đón hàng loạt nhóm nhạc Hàn Quốc đổ bộ. Hà Nội tiếp tục có tên trong bản đồ âm nhạc của nhiều ngôi sao quốc tế. Nhóm nhạc đầu tiên của nhạc hội Open air #2 Festival Hanoi 2023 là Highlight khiến người hâm mộ đứng ngồi không yên.
Ở phía Nam, Liên hoan âm nhạc quốc tế thành phố Hồ Chí Minh - Hozo 2023 trở lại với các hoạt động sôi nổi diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12, tâm điểm là ba đêm nhạc từ ngày 22 đến 24/12 tại đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi.