Trang cá nhân của nữ nhà báo Văn Minh Hoa (báo Sài Gòn Giải Phóng) lập tức có một status ngắn gọn: Chỉ có Tiền Phong, Tuổi trẻ đưa Đề án 112 ra ánh sáng...
Các bị cáo phạm tội trong vụ tiêu cực tại Đề án 112 bị tòa án TP Hà Nội xét xử sơ thẩm năm 2010 |
Một sáng đầu năm 2006, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một vị lãnh đạo TPHCM đáng kính. Ông mời tôi đến uống trà và trao một tập hồ sơ khá dày rồi nói ngắn gọn: “Cậu mang về nghiên cứu. Đây đều là những tài liệu đáng tin cậy, được phát hành công khai nhưng nếu cậu không dám viết bài thì trả lại tôi, đừng lan truyền kẻo kẻ xấu lợi dụng”.
Bài điều tra của báo Tiền Phong vào năm 2007 sau khi một số lãnh đạo Ban điều hành Đề án 112 của Chính phủ bị khởi tố, bắt giam |
Vị lãnh đạo TPHCM cũng cho biết trước khi gặp tôi, ông đã đưa tài liệu cho không ít người quen làm lãnh đạo nhiều tờ báo, nhờ lên tiếng đánh động để các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc nhằm giảm thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, họ đều xin… trả lại tài liệu.
Loạt bài điều tra về Đề án 112 của báo Tiền Phong vào đầu tháng 4/2006 |
Là phóng viên mới tập tễnh vào nghề được vài năm, tôi không tránh khỏi cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng khi nghiên cứu tập hồ sơ này. Đó là các tài liệu thể hiện những bất ổn trong quá trình triển khai thực hiện “Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 25/7/2001 (nên còn gọi là Đề án 112). Ban Điều hành đề án 112 thuộc Văn phòng Chính phủ, do một Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm trưởng ban. Các địa phương cũng lập Ban điều hành Đề án 112 do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND trực tiếp lãnh đạo.
Bài báo phản hồi công văn của Văn phòng UBND TPHCM yêu cầu báo Tiền Phong cải chính |
Tôi lập tức báo cáo và được nhà báo Võ Hồng Tuyến, Trưởng Ban Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM ủng hộ và động viên tôi tập hợp thêm hồ sơ tài liệu, củng cố chứng cứ. Thời điểm ấy, rải rác tại một số hội nghị, hội thảo, một vài chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những bất cập của Đề án 112 nhưng chỉ có duy nhất báo Tuổi trẻ đăng bài phỏng vấn ngắn Giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông TPHCM Lê Mạnh Hà (sau này là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) về vấn đề này.
Được ông Lê Mạnh Hà cùng một số chuyên gia cung cấp thêm tài liệu và nhiều chứng cứ quan trọng khác, đầu tháng 4/2006, báo Tiền Phong đã khởi đăng loạt bài điều tra 2 kỳ “Đề án 112 lãng phí, thất thoát”, phản ánh về sự lãng phí thất thoát hàng trăm tỷ đồng trong đầu tư công để mua sắm trang thiết bị cho các trung tâm tích hợp dữ liệu trong cả nước, cũng như 3 phần mềm dùng chung là sản phẩm chưa hoàn chỉnh nhưng lại được cài đặt hàng loạt nên hầu hết máy móc đều bị “xếp xó”... Có thể nói đến thời điểm ấy, Tiền Phong là báo duy nhất đăng loạt bài điều tra chống tiêu cực liên quan đến việc triển khai đề án này. Trên báo Tiền Phong điện tử, nhiều ý kiến đã tương tác, phản hồi. Nhiều bạn đọc là cán bộ các bộ ngành, địa phương được cử đi học chương trình bồi dưỡng về Đề án 112 còn cung cấp thêm một số chứng cứ quan trọng khác.
Áp lực từ… địa phương
Loạt bài điều tra của báo Tiền Phong phản ánh tình trạng lãng phí, thất thoát khi triển khai Đề án 112 trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, bất ngờ là UBND TPHCM lại có Văn bản số 2241 do Chánh Văn phòng UBND TPHCM kiêm Phó Ban Điều hành Đề án 112 thành phố ký gửi báo Tiền Phong, cho rằng có nhiều thông tin trong các bài viết không chính xác và yêu cầu báo cải chính.
Khôi hài hơn, Công văn 2241 còn được “treo” trên Cổng thông tin điện tử của TPHCM trong hơn một tháng, cho dù báo Tiền Phong đã có bài phản hồi, đưa ra những chứng cứ thuyết phục, khẳng định thông tin trong loạt bài điều tra là chính xác.
Sau khi báo đăng, trong các cuộc họp tại trụ sở UBND TPHCM cho phép báo chí đưa tin, phóng viên báo Tiền Phong vẫn được phép vào tham dự như các đồng nghiệp khác nhưng chúng tôi gần như bị cô lập. Cậu bạn học thân thiết thời phổ thông đang làm việc tại trung tâm tin học của Văn phòng UBND TPHCM thấy tôi là tránh từ xa. Một lần chạm mặt, anh gằn giọng “Mấy cái bài Đề án 112 mày viết à” rồi đi thẳng, không chờ tôi trả lời. May mắn là trong giai đoạn khó khăn ấy, chúng tôi được đồng nghiệp trong cơ quan và các nhà báo đàn anh chia sẻ, động viên…
“Loạt bài điều tra không “đánh” thành phố hay bất kỳ cá nhân nào, dù báo Tiền Phong có đầy đủ hồ sơ để làm việc này”.
Tác giả loạt bài điều tra Đề án 112: Lãng phí thất thoát
Và, nguyên tắc “biết 10, viết 1” mà chúng tôi được Ban Biên tập căn dặn khi thực hiện các phóng sự điều tra đã giải quyết ổn thỏa mọi rắc rối. Thực tế, khi viết loạt bài Đề án 112, chúng tôi chỉ sử dụng một ít tài liệu, chứng cứ thu thập được. Nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác được giữ lại để “phòng thủ” và viết bài thông tin tiếp hoặc phản hồi ở các thời điểm phù hợp.
Được lãnh đạo cơ quan đồng tình, tôi nhờ một nhà báo có uy tín và có quan hệ thân thiết với một số lãnh đạo TPHCM làm cầu nối. Tôi đưa vị này xem qua các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được nhưng chưa sử dụng viết bài, trong đó thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo Ban Điều hành Đề án 112 TPHCM và khẳng định: “Loạt bài điều tra không “đánh” thành phố hay bất kỳ cá nhân nào, dù báo Tiền Phong có đầy đủ hồ sơ để làm việc này”.
Và ngày 19/4/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo dừng triển khai thực hiện Đề án 112 trên phạm vi cả nước.
Ngày 13/9/2007, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam một loạt cán bộ liên quan đến các sai phạm, trong đó có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban Điều hành Đề án 112. Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 13/1/2010, TAND TP Hà Nội đã xét tuyên phạt 23 bị cáo nhiều mức án khác nhau, trong đó nguyên Trưởng ban Điều hành Đề án 112 nhận mức án 5 năm tù.