Vậy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý, đặc biệt là giải quyết các tranh chấp phát sinh do dịch Covid 19 của các DNNVV hiện nay như thế nào? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng Tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại quốc tế Thái Bình Dương (PIAC).
Xin chào TS. Trần Minh Sơn!
PV: Thưa TS, dưới góc độ những người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Ông đánh giá như thế nào về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các DNNVV hiện nay, nhất là trong bối cảnh các DNNVV đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19?
Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến trật tự, kinh tế- xã hội của thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường rất lớn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2022 dự báo con số có thể còn tăng hơn năm 2021). Tính trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp, mỗi ngày có 367 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số đáng kể để các nhà quản lý, các chuyên gia và những người xây dựng chính sách pháp luật cần phải suy nghĩ sâu sắc để có các hành động, biện pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đây cũng là con số phản ánh đúng thực tiễn quy luật thị trường kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Trong số 810.000 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký hoạt động có đến 97,7% là DNNVV, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì vậy, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DNNVV trong bối cảnh dịch Covid-19 và hậu dịch Covid-19 là rất lớn. Theo đó, nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các DNNVV xoay quanh các vấn đề cơ bản như sau: thứ nhất, nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các tranh chấp pháp lý phát sinh do doanh nghiệp phải ngừng, chất dứt hoạt động, hợp đồng với đối tác do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong đó, cơ chế thương lượng, hòa giải cần được phát huy hiệu quả tích cực nhất trong bối cảnh này; thứ hai, nhu cầu về hỗ trợ các vấn đề pháp lý trong khởi nghiệp, sáng tạo, hậu Covid-19 khi dịch được từng bước kiểm soát, thì rất nhiều thương nhân, người kinh doanh sẽ có nhu cầu khởi nghiệp, bắt đầu lại việc kinh doanh trong bối cảnh mới thay đổi sau dịch covid; thứ ba, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ trực tuyến, bồi dưỡng pháp lý, xử lý các vấn đề, vụ việc cụ thể đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được đánh giá là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
PV: Để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, Chính phủ và các Bộ/ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Vậy, theo đánh giá của Ông, đâu là chính sách và hoạt động hỗ trợ pháp lý tiêu biểu trong thời gian qua?
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được ban hành trong đó lần đầu tiên quy định chính sách hỗ trợ, thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Gần đây nhất, ngày 09/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19
Việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP là sự ghi nhận, đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế này và tiếp tục quan điểm “Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh” bằng hành động cụ thể, thiết thực; đây là một minh chứng rõ nét nhất thể hiện “sự quan tâm, đồng lòng, chia sẻ” của Chính phủ đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Kèm theo đấy là 4 nhóm nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện các nhóm giải pháp này; các giải pháp này là khả thi, hiệu quả, được đánh giá là “chiếc phao cứu sinh” cứu giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gần như đang đuối sức trước tác động của đại dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Để thực hiện chủ trương của Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh”.
PV: Với vai trò là đơn vị chủ trì hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV, Bộ Tư pháp cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Ông có thể cho biết một số hoạt động nổi bật?
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã tạo dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và 2015-2020 đã đạt được nhiều dấu ẫn và kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đánh giá là 1 trong 10 chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất trong thời gian qua. Ngày 21/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, kế thừa và phát huy các kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là các hoạt động hỗ trợ pháp lý nổi bật như Chương trình Kinh doanh và Pháp luật trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam cũng như các chương trình bồi dưỡng, tập huấn pháp luật trực tuyến cho doanh nghiệp...
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 105/NQ-CP nêu trên, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ pháp lý, trong đó có giải quyết tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (điểm g khoản 3 Mục III Nghị quyết số 105/NQ-CP). Đây là “nhiệm vụ quan trọng, nặng nề nhưng thiết thực, cấp bách” trong bối cảnh hiện nay và trong thời gian tới, nhất là sau bối cảnh dịch bệnh COVID-19, trật tự và hoạt động kinh tế sẽ thay đổi mạnh mẽ trong nước và thế giới sau giai đoạn trải qua thời gian giãn cách, đã làm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bước vào thời kỳ cạnh tranh mới, khốc liệt hơn.
PV: Vậy, TS có lời khuyên gì cho các DNNVV trong việc tiếp cận các hoạt động hỗ trợ pháp lý này, để giúp các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ pháp lý tốt hơn, thưa Ông?
Doanh nghiệp nên thông qua bộ phận/cán bộ pháp chế của mình hoặc thông qua tổ chức dịch vụ pháp lý, tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp mình để tiếp cận, sử dụng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Nhà nước thực hiện để phát huy hơn nữa hiệu quả các hoạt động này trong thời gian tới. Việc tiếp cận và sử dụng thường xuyên các hoạt động hỗ trợ pháp lý của Nhà nước sẽ giúp tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!