Trong những năm qua, chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển, gần đây có thể coi là một sự nhảy vọt từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều. Về mặt xã hội, chăn nuôi gia cầm đã có vị thế mới, góp phần làm thay đổi nhanh chóng cơ cấu các ngành sản xuất trong nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 01/01/2020 đàn gia cầm cả nước là 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà, chiếm 79,5% và 98 triệu con thủy cầm chiếm 20,5%. Trong tổng đàn gà thì gà thịt chiếm 79,9%, còn gà đẻ chiếm 21,1%. Giai đoạn từ 2016 -2020, tổng đàn gia cầm trong 4 năm có tốc độ tăng trưởng 10,10%; đàn gà tăng trưởng 11,53%, trong đó gà thịt tăng 12,90%, gà đẻ tăng 6,77%; đàn thủy cầm tăng 5,25%, trong đó thủy cầm thịt tăng 4,65%, thủy cầm đẻ trứng tăng là 6,94%.
Cũng trong những năm vừa qua, trước những bất lợi về giá cả thị trường biến động, dịch bệnh xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp, các trang trại chăn nuôi đã liên kết nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất như: hỗ trợ vốn sản xuất; mua vật tư đầu vào khối lượng lớn và giá rẻ; gắn sản xuất chăn nuôi với giết mổ, chế biến và tiêu thụ hình thành chuỗi sản phẩm, điều này đã làm cho giảm giá thành sản phẩm, tăng giá sản phẩm và chăn nuôi gia cầm có lãi.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển chăn nuôi theo liên kết chuỗi giá trị hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại chưa được tháo gỡ, như: Các chế tài ràng buộc sự liên kết còn lỏng lẻo, quy mô hẹp, mới dừng ở mức độ mô hình; Một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi - đây là lý do khiến cho mối liên kết thiếu tính bền vững; Giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn chiếm ưu thế hơn giết mổ công nghiệp, khiến vấn đề chất lượng sản phẩm trở nên đáng lo ngại hơn; Thị trường sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định; Việc tiếp cận các nguồn thông tin thị trường còn hạn chế; Việc tiêu thụ sản phẩm phải qua nhiều khâu trung gian đẩy giá bán sản phẩm lên cao, mặt khác người sản xuất còn bị tư thương ép giá bán; Việc khai thác thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, nhất là thị trường xuất khẩu…
Tổng kết diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) kiến nghị Cục Chăn nuôi tiếp tục phối hợp TTKNQG tổ chức các diễn đàn, tài liệu hóa các yêu cầu điều kiện chăn nuôi theo thông tư, nghị định, luật chăn nuôi; Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Phước ưu tiên phát triển chăn nuôi, có cơ chế đặc thù phát triển chăn nuôi tại Bình Phước, tiếp tục hỗ trợ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh trong vấn đề phát triển chăn nuôi gia cầm. Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam phối hợp TTDVNN Bình Phước tổ chức đào tạo tập huấn về công tác chăn nuôi và an toàn dịch bệnh, nhân rộng các chuỗi liên kết để nhiều hộ nông dân, trang trại, gia trại được tham gia chuỗi liên kết CP. Bà cũng đề nghị TTDVNN Bình Phước tăng cường tư vấn dịch vụ về chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, quy trình chăn nuôi gia cầm theo VietGAP, giống, cấp giấy chứng nhận, nhân rộng các chuỗi.
Đối với tổ chức phi chính phủ về phúc lợi động vật, bà đề nghị cần tài liệu hóa và tăng cường đào tạo về phúc lợi động vật trong chăn nuôi gia cầm. Trung tâm Khuyến nông các tỉnh cần tiếp tục xây dựng chương trình đào tạo, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và hiệu quả liên kết chuỗi.
TTKNQG cam kết tiếp tục phối hợp với khuyến nông địa phương xây dựng và tổ chức diễn đàn, lớp tập huấn, dự án về chăn nuôi gia cầm.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác nuôi gia công gà giữa ông Lê Đình Công - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Phước và đại diện nông dân nuôi gà Bình Phước.