David Beckham và con đường tới Old Traford

Dù đã giải nghệ, nhưng cái tên David Beckham vẫn là một thương hiệu toàn cầu. Hành trình từ một cầu thủ trẻ tới một ngôi sao lớn ai cũng biết, nhưng cuộc sống của Beckham khi còn là cậu bé và con đường tới Man Utd là điều ít ai biết. Câu chuyện ấy sẽ được kể lại qua tâm sự của ông Ted Beckham, cha của David Beckham.

1. Chúng tôi sống trong những căn nhà nhỏ hẹp, chật chội và đầy ắp đồ đạc linh tinh. Khi tôi lên 10 tuổi là lúc xảy ra thảm họa Munich vào tháng 2/1958. Vụ nổ máy bay khi đó đã giết chết hầu hết đội hình Manchester Utd. Tôi yêu họ từ ngày đó, và sau này luôn muốn David trở thành một thành viên của Manchester Utd là vì thế.

David Beckham và con đường tới Old Traford ảnh 1

Beckham cùng cha mẹ, ông Ted và bà Sandra.

Cuộc sống khó khăn, công việc không ổn định khiến gia đình tôi phải di chuyển liên tục. Và đương nhiên, David cũng thích nghi với điều đó rất nhanh. Đầu tiên là một căn hộ nhỏ khoảng 30m2 tại Walthamstow. Tiếp đó là chung cư trên tầng 6 một tòa nhà ở Chingford. Tiếp đến là căn hộ có 3 phòng ngủ tại Leytonstone. Rồi lại trở về Chingford, và cuối cùng tới Rowden Park Garden, Hampton Road, nơi tôi sống đến bây giờ và cũng là nơi David lớn lên.

Căn nhà đó chẳng có gì đặc biệt. Con đường trước mặt chỉ vừa cho hai chiếc xe hơi, có 3 phòng ngủ giống nhau, đều chật hẹp và tồi tàn. Nhưng có một điều mà tôi rất thích, đó là khoảng sân dài hơn 100m sau nhà. Đó chính là nơi David Beckham bắt đầu chơi bóng, xây dựng nền tảng cho tố chất của một cầu thủ về sau này.

Khi chuyển tới đây, tiền chi tiêu trong gia đình gồm 4 người trở thành một gánh nặng. Tôi là gã không bằng cấp, không trình độ, không có bất kỳ một thứ hành trang gì, và cái giá phải trả là lao động cật lực với rất nhiều công việc khác nhau.

David Beckham và con đường tới Old Traford ảnh 2

Beckham khi còn thi đấu cho MU.

Tôi đã từng làm việc trong xưởng sản xuất bánh kẹo cùng bà nội David, nhưng sau khi bà mất, tôi chuyển đi và làm những việc vớ vẩn nhất có thể, những việc mà chắc chắn Beckham sẽ không bao giờ phải làm. Từ nhân viên phục vụ tại khách sạn Brown, đến phụ việc trong cửa hàng bán đồ gỗ trong thành phố, lợp mái nhà…

Nhưng chẳng bao lâu sau tôi đã bỏ việc vì ông chủ công ty từ chối cho tôi nghỉ một buổi chiều để làm lễ đính hôn. Tôi đã trở thành thằng cha thất nghiệp trong vài tháng, trước khi gia đình anh bạn Jack Owen giới thiệu đến làm ở một công ty có tên Benham, chuyên lắp đặt hệ thống thông gió, làm điều hòa không khí trong các tòa nhà cao ốc.

Tôi phải rời nhà đến làm việc 70 đến 80 giờ mỗi tuần tham gia xây dựng một ngân hàng tại đường Lombard. Tôi đã thường xuyên phải làm đêm, nhận thêm việc để kiếm thêm tiền thù lao ngoài giờ. Cứ vài ba tháng, tôi lại phải xa nhà, hoặc tới Cambridge để làm những căn bếp cho trường đại học này. Những quãng thời gian như thế, tôi phải ở cùng vài người bạn trong một căn phòng thuê được với giá rẻ.

Khi David 6 tuổi, tôi nhận được hợp đồng làm việc tại Saudi Arabia trong 3 tháng. Mặc dù Sandra vợ tôi, không muốn tôi lại xa nhà, nhưng tôi quyết định ra đi, mong cuộc sống gia đình sẽ tốt hơn. Khi đó Sandra mang bầu em gái của David (Joanne), tiền trở thành cực kỳ quan trọng. Tôi đến làm việc tại Lực lượng không quân Hoàng gia Saudi Arabia tại Tarbuk, gần biên giới với Jordani. Không lâu sau ngày tôi trở về London, David có em. Khi Joanne chào đời, David đã khóc rống lên khi biết đó là em gái. David muốn có em trai. Nó đã rất thất vọng và chán nản. Đơn giản, bởi nó muốn có người cùng chơi bóng.

David Beckham và con đường tới Old Traford ảnh 3

Beckham, ngôi sao showbiz.

2. Cuộc sống chẳng lấy gì làm khá giả, nhưng ít nhất David đã cảm nhận được niềm hạnh phúc trong gia đình. David đến gần hơn với bóng đá trong mùa Giáng sinh năm 7 tuổi. Nó đã đợi cả đêm để nhận được quà Giáng sinh. Tôi mua cho David một bộ quần áo Manchester Utd, còn ông ngoại tặng một bộ của Tottenham. Tiếp đó còn có những bộ quần áo của Barcelona, AC Milan và Manchester City… Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn giữ lại những bộ quần áo của David khi còn nhỏ. Tất, quần, áo, giày… tất cả mọi thứ!

Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng, phải đưa David tới một CLB bóng đá nào đó. Nhưng tôi chưa kịp tìm kiếm thì một buổi tối, David đã chạy về từ công viên Chase Lane, kéo tôi ra cửa và nói: “Bố, có một ông ở công viên muốn con gia nhập đội bóng”. Mấy ngày hôm sau, tôi cùng David đến chỗ công viên hôm trước. Hóa ra ở đó có một người đàn ông lực lưỡng, đang tổ chức đội bóng cho khoảng 40 đứa trẻ. Tôi tiến đến nói chuyện với người đàn ông đó, tên ông là Stuart Underwood, là cầu thủ của đội Walthamstow Avenue, một CLB nghiệp dư. David như một con chó con nhìn thấy khúc xương. Nó lao vào đội mà chẳng cần ý kiến của tôi. Nhưng cuộc gặp hôm đó đã thay đổi cuộc đời David.

Stuart Underwood là người tìm kiếm tài năng trẻ cho đội bóng nghiệp dư Ridgeway. Họ giúp bọn trẻ tập bóng với những kỹ năng cơ bản. Có thể đó chỉ là những buổi huấn luyện cho vui, nhưng thực tế nó đã mang lại cho David sự thay đổi lớn lao. Sau khi David vào đội, tôi cũng được Stuart mời làm huấn luyện viên. Tiêp sau đó còn có một ông bố khác, Steve Kirby. Chúng tôi bắt đầu chọn lọc. Từ 40 cậu bé, chúng tôi chọn lấy 23, dĩ nhiên trong đó có David của tôi.

Cái đội bóng tưởng như chỉ tập chơi ấy đã trưởng thành không ngờ. Chúng tôi đã cực kỳ may mắn khi đã đào tạo được một thế hệ cầu thủ đáng tự hào. Ngoài David còn có những Micah Hyde (từng cho cho Watford, Burnley, Peterbrough Utd); Jason Brissett (khoác áo Bournemouth), Ryan Kirby, con trai của Steve Kirby về sau chơi cho Doncaster, Preston North End, Wigan…

Và người mà tôi nhớ nhất là Chris Day. Đó là một cầu thủ nhí rất tài năng, là chân sút số 1 của Ridgeway về sau thi đấu cho Tottenham và chuyển sang Crystal Palace với phí chuyển nhượng trên 200.000 năm 1996, rồi tới các CLB như Watford, Lincoln City, QPR…

Khi David 11 tuổi, tôi xác định đã đến lúc đưa con trai mình tới một CLB chuyên nghiệp. Dĩ nhiên tôi muốn David tới Manchester Utd, nhưng nơi đó quá xa nhà, mà xa cậu con trai mới 11 tuổi là điều gia đình tôi không hề muốn. Vậy là lựa chọn hàng đầu là West Ham Utd và Leyton Orient, những đội bóng vẫn tiếp tục muốn có David. Nhưng sau đó, tôi đã dao động khi nhận được lời mời từ Totteham và Arsenal, hai đội bóng lớn của London.

Tôi quyết định đưa David đến tập thử ở đội trẻ của cả hai CLB này. Ở Arsenal, David tập dưới sự chỉ dẫn của Pat Rice, người về sau là trợ lý của huấn luyện viên Arsene Wenger. Tại Spurs là David Pleat. Ở cả hai đội bóng này, David đều được chú ý đặc biệt. Sự lựa chọn này thực sự quá khó khăn. Nhiều đêm suy tính, Sandra quyết định đưa hai cái tên vào hai mẩu giấy và chọn lấy một. “Lá thăm” bốc phải, như một định mệnh, là Tottenham, đội bóng mà ông ngoại David là cổ động viên trọn đời.

Một ngày, chúng tôi nhận được giấy mời của Tottenham đề ngày 20/04/1989. David chính thức đến với Tottenham luyện tập trong 1 tuần cùng với những cầu thủ như Sol Campbell, người về sau là đồng đội của David ở đội tuyển Anh, hay Nicky Barmby… Thế nhưng, dù tập cùng Tottenham, nhưng David lại hay mặc bộ quần áo của Manchester Utd ra sân tập. Điều đó đã mang lại cho David khá nhiều rắc rối. Nhưng tôi lại rất vui vì điều đó. Và một lần nữa, số phận của Beckham lại rẽ sang hướng khác.

3.Sau tuần huấn luyện ở Tottenham, Sandra đã xem được một chương trình giới thiệu về Trường học bóng đá mùa Hè của Bobby Charlton trên truyền hình. Chương trình này tập hợp các cầu thủ khoảng trên dưới 10 tuổi tập huấn trong mùa Hè. David tỏ ra rất hào hứng và thích thú với việc sẽ được gặp thần tượng và tập luyện ở đội bóng nó yêu thích. Tuy nhiên, cái giá để tham gia chương trình này không hề rẻ. 130 bảng. Đó là số tiền mà gia đình tôi phải dùng trong cả tháng. Chắc chắn là chúng tôi không đủ tiền. Nhưng ông ngoại của David đã đến và chìa ra 130 bảng để David có cơ hội được đến gần với Old Trafford. Đó là số tiền để đầu tư.

David đến Manchester, ở tại Trường Đại học Manchester trong 1 tuần cùng những cậu bé khác. Tại đó, David là một trong những đứa nhỏ nhất. Tôi cùng Sandra đã bỏ ra cả tuần để tới ở tạm nhà cùng vợ chồng John, chú của David (sống tại Liverpool). Ở đó chẳng xa Manchester, nhưng tôi cảm thấy khoảng cách ngàn dặm.

Tôi điện thoại cho David hằng ngày, và liên tục có những vấn đề xảy ra với nó trong lần đầu tiên xa nhà. Khi thì đau răng, khi thì đau bụng… Nói chung là đủ thứ phức tạp. Nhưng rồi David cũng quen với những ngày không có cha mẹ. Và kết quả thật tuyệt vời. Ngày cuối cùng của chuyến tập huấn, tôi nhận được điện thoại của David. Nó hét lên trong điện thoại: “Bố, con sẽ được tham gia một tour đến sân Old Trafford. Bố và chú John có đến đây không?”. David quá hồn nhiên.

Tôi nào có thể đến với nó để chạy xuống thảm cỏ Old Trafford được chứ! Nhưng tôi đã không thể tin nổi đó là sự thật. Old Trafford đã đón David. David đã tới Old Trafford. Dù sao tôi cũng đến Old Trafford và bất ngờ được mời đi cùng đoàn. Cha con tôi đã cùng nhau đến phòng thay đồ, phòng truyền thống, nơi đặt những chiếc cúp…

Tất cả diễn ra như trong mơ với tôi. Tôi đã đưa David đến Old Trafford hay chính nó đã đưa tôi đến đây??? Đến tận bây giờ, tôi vẫn tin rằng, chính David mới là người đưa tôi đến Old Trafford vĩ đại, đến với đội bóng tôi yêu mến cả cuộc đời. Và những cuộc phiêu lưu mới của David với hành trình trở thành một ngôi sao bắt đầu từ đó… 

Beckham điệu từ bé

Cũng theo lờ kể của cha Beckham, David luôn mặc đồ màu sắc được phối kết giống như một nhà thiết kế thời trang. Căn phòng được trang trí rực rỡ với những tấm hình của Bryan Robson, Mark Hughes. Ga trải giường, gối, chăn, rèm… đều có in hình Manchester Utd. Mọi thứ trong phòng được sắp đặt đâu ra đó, không món đồ nào nằm nhầm chỗ. 

Trong lễ mừng thọ ông ngoại tròn 60, David đã làm cả nhà ngạc nhiên khi diện bộ quần áo phối màu rực rỡ, rất hài hòa và đặc biệt là nó được là rất kỹ với những nếp gấp sắc như dao cạo. Khi đó David mới có 7 tuổi. Tuy nhiên, ngày đó David chỉ để ý đến quần áo mà chẳng quan tâm lắm đến đầu tóc. 

Beckham thường thay một bộ mới toe vào mỗi buổi sáng, ngắm vuốt, chán chê trong gương và thay một bộ mới vào buổi tối. Khi đi ngủ là một bộ riêng. Lần đầu tiên Beckham được ra tiệm hớt tóc là ở Chingford có tên Nice One vào năm 9 tuổi, thay vì để bố cắt. Lần cắt tóc đó khiến gia đình Becks phả trả gần 10 USD, số tiền khá lớn vào thời điểm đó. Bây giờ David phải trả chi phí tạo kiểu tóc gấp hàng chục ngàn lần lúc đó.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG