Xây cả dãy trọ, dựng cả xóm nghèo để phục vụ cảnh quay
Nếu như trong Lật mặt 5: 48h, Lý Hải bỏ tiền tỷ xây dựng cả dãy nhà rồi kéo sập tất cả trong một cảnh đua thuyền, thì đến Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh- bộ phim điện ảnh đang “đốt cháy” các phòng vé - anh thuê nguyên một bãi đất trống rồi xây cả dãy nhà trọ chỉ để phục vụ một cảnh quay. Từ vật liệu, giàn giáo, gạch, cát, xi măng… đến lợp mái, đi dây điện, trồng cây xanh đều được đoàn phim tự thi công và chăm chút khiến khu nhà trọ chân thật như được xây dựng từ lâu.
Sau khi hoàn thành cảnh quay, đoàn phim lại phải đập bỏ để trả lại nguyên trạng khu đất cho người dân. Cảnh mưa trong phim cũng công phu không kém khi ê-kip phải thuê 5 xe bồn và một bồn nước lớn để tiếp nước và phun mưa liên tục suốt ngày đêm phục vụ cảnh quay.
Ngôi nhà của mẹ con Luyến- bà Tình, một bối cảnh được đoàn phim dựng mới hoàn toàn trên bãi rác sau khu chợ Long Biên (ảnh lớn). Đạo diễn Lý Hải chi hàng chục tỷ để phục dựng làng nghề dệt chiếu phục vụ bối cảnh của phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”. |
Một bối cảnh nữa gây ấn tượng là làng nghề dệt chiếu Định Yên ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, vốn đang mai một. Đoàn phim của Lý Hải đã phải xây mới cả khu chợ, xây lại từng lò nhuộm, dựng lên các giá phơi chiếu, thu mua hàng nghìn chiếc chiếu hoa để bày biện khắp khu chợ và con đường dài dẫn vào làng, tái hiện lại phiên chợ làng nghề truyền thống. Sau khi quay xong, đoàn phim đã tặng lại các lò nhuộm cho người dân địa phương. Theo tính toán, số tiền đầu tư cho bối cảnh của Lật mặt 6 lên tới hàng chục tỷ đồng. Đó vẫn là sự đầu tư khôn ngoan của Lý Hải khi đến thời điểm hiện tại, bộ phim đang mang về cho anh hơn 236 tỷ đồng doanh thu.
Với số tiền đầu tư lên tới cả triệu đô, Trại hoa đỏ được Victor Vũ mạnh tay tập trung cho phần bối cảnh trải dài qua 20 địa điểm trên khắp địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, khán giả xuýt xoa ấn tượng với bối cảnh phim vừa có sự thơ mộng, vừa ẩn chứa những kỳ bí, u ám, ẩn khuất nơi núi rừng bạt ngàn, huyền bí. Để tạo nên dinh thự đồ sộ trong phim, tổ thiết kế 15 người đã phải làm việc suốt một tháng trời, dựng thêm nhà và trồng hoa đỏ khắp khu đất.
Tuy nhiên, khi hoàn thành 70% công việc thì phải dừng lại do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Những luống hoa đỏ được đặt cọc và chăm sóc để nở rộ đúng thời điểm quay phim vì thế không được sử dụng, khiến nhà sản xuất mất một khoản chi phí không nhỏ. Tình hình mưa bão khắc nghiệt cũng làm hư hại phần lớn công trình, khiến khi quay lại, ê-kip phải làm mới gần như hầu hết.
Trước đó, khi bộ phim Gái già lắm chiêu ra rạp, nhiều người đã hỏi han địa điểm ngôi biệt thự Bạch Trà Viên trong phim. Ít ai biết, khu biệt thự này được đạo diễn Nam Cito đầu tư hơn 2 tỷ đồng để dựng lên, ngay trên vết tích của nhà hát Cửu Tư Đài, một phần không gian phía sau cung An Định. Khu biệt thự gây ấn tượng với hơn 2.000 cây bạch trà cùng nhiều loài cây đặc trưng của mảnh đất cố đô như thanh trà, hồng, chanh... Đài phun nước, tượng nữ thần và một số tiểu cảnh, thể hiện sự giao thoa văn hóa Á - Âu đã được bày trí và sau khi phim kết thúc đều được giữ lại để du khách có thể đến chiêm ngưỡng.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng không ngại tốn kém đầu tư cho bối cảnh phim Em và Trịnh. Ê-kíp đã dựng lại hoàn toàn ngôi trường sơ học Bảo An, nơi Trịnh Công Sơn có thời gian dạy học, trên một ngọn đồi ở Tà Năng. Theo chia sẻ của vị đạo diễn, do mưa gió, bối cảnh bị sập nên phải sửa đi sửa lại rất vất vả. Ê-kíp phải di chuyển bằng xe công nông lên đồi từ sáng sớm, thời tiết lạnh nhưng vẫn phải ngủ lại tại bối cảnh hoặc dưới chân đồi để kịp tiến độ. Để có được đại cảnh thập niên 1990, những ngày tháng Trịnh Công Sơn sống ở Sài Gòn, đạo diễn đã cho chặn lại nhiều con đường và sửa sang bối cảnh theo đúng phong cách Sài Gòn thời ấy.
Bộ phim điện ảnh Đào, phở và piano do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước vẫn đang trong quá trình thực hiện. Một khu phố cổ hoang tàn, đổ nát được dựng lại tại phim trường ở gần hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), thể hiện hình ảnh Hà Nội những năm 1946-1947.
Tham gia một vai diễn trong phim, NSƯT Trần Lực tâm đắc cho biết: “Lâu lắm rồi mới có một bộ phim về lịch sử, chiến tranh mà các nhà quay phim không phải lo lắng tới góc máy”. Được biết, để dựng bối cảnh, ê-kip đã chuẩn bị từ một năm trước, mất 3 tháng thiết kế, thi công với đội ngũ 60 người.
Cái khó ló… cái khổ
Nếu như ở các phim trước đây, khung cảnh xóm chợ nghèo khó chỉ xuất hiện thoáng qua thì ở bộ phim truyền hình Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), phần lớn câu chuyện diễn ra ở bối cảnh khu chợ đầu mối Long Biên. Một khu chợ ủ dột, tồi tàn, những vật dụng cũ kỹ, con đường nhỏ hẹp, với những phận người lam lũ, khổ cực mưu sinh. Họa sĩ Lê Đức Thọ cho biết chỉ một vài bối cảnh nhỏ được thuê, còn những ngôi nhà trong xóm trọ nghèo trên phim đều được dựng mới ngay sau chợ Long Biên.
Trong đó, phòng của nhân vật nữ chính được dựng ngay giữa bãi rác của khu chợ. Nội thất được tận dụng mua lại các đồ cũ. Những món đồ gỗ như giường, tủ bàn, mái tôn, vật dụng bằng sắt đều phải sử dụng hóa chất chuyên ngành để làm màu cũ hơn nữa.
Phim truyền hình có kinh phí thấp, lại chịu áp lực tiến độ nên các đạo diễn dường như cũng “rén” hơn khi đầu tư bối cảnh. Thế mới có câu chuyện hài hước khi khán giả phát hiện ngôi nhà trong bộ phim truyền hình Ngày mai bình yên cũng chính là bối cảnh trong phim Nhà trọ Balanha. Và vì hai bộ phim cùng chiếu trong một thời điểm nên càng khiến khán giả khó chịu.
Đoàn phim Ngày mai bình yên kể khổ rằng, do sản xuất đúng lúc dịch COVID-19 căng thẳng, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên rất khó.
Khổ nhất là làm phim về tai nạn, cháy nổ. Mở đầu bộ phim Lửa ấm, khán giả không khỏi ấn tượng trước cảnh khu nhà xưởng bùng cháy dữ dội, mọi người bỏ chạy toán loạn, nạn nhân kẹt lại bên trong, những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy lao vào biển lửa cứu người… Đạo diễn hình ảnh của bộ phim Đỗ Cường Việt cho hay mặc dù có sử dụng kỹ xảo nhưng ê-kip cũng phải huy động 6 máy quay, trong đó có cả flycam, cho đại cảnh này.
Phim có cảnh nhà dân bị cháy, lực lượng cứu hộ phải xông vào cứu nạn nhân mắc kẹt trên tầng 2, đoàn phim phải dựng bối cảnh ngôi nhà trong 2 chiếc container chồng lên nhau. Giữa đợt nắng nóng của Hà Nội vào tháng 6, nhiệt độ ngoài trời khoảng 42 độ C, ê-kíp gồm khoảng hơn 10 người cùng chui vào trong container, và vẫn phải đốt lửa để tạo độ chân thực. Cảnh quay phải làm đi làm lại, nên sau một lúc khói bốc mù mịt, mọi người phải mở bung các cửa chạy ra ngoài vì ngộp thở.
Tìm bối cảnh cho phim chính luận cũng khổ không kém. Đạo diễn Bùi Huy Thuần kể rằng, khi làm phim Ngôi biệt thự màu tro lạnh, không một nhà dân nào chịu “chứa” đoàn phim, bởi họ không muốn người xem nghĩ rằng nhà mình là nhà của quan tham, lại còn có mấy xác chết bên trong. Hay như phim Chủ tịch tỉnh, khi biết phim nói về việc tham nhũng của các quan chức đầu tỉnh thì các UBND tỉnh đều “lảng” đi. May mắn là UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý giúp đỡ, với điều kiện đoàn phim phải thêm thắt chi tiết để tránh gây hiểu lầm cho khán giả.
Đoàn phim Vùng đất không yên tĩnh của đạo diễn Nhâm Minh Hiền thì không may mắn như thế. Do phim phê phán một nhà máy xả nước thải độc hại vào môi trường nên không một công ty nào đồng ý cho đoàn làm phim mượn bối cảnh hay sử dụng hình ảnh đơn vị họ. Cuối cùng, đoàn phải tự dựng bối cảnh một nhà máy hoàn toàn mới, rất kỳ công và tốn kém.