Hà Tĩnh:

Đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà máy nước rồi... 'đắp chiếu'

TPO - Được đầu tư với kinh phí hơn 12,5 tỷ đồng, nhưng công trình nước sạch tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi “đắp chiếu” do nguồn nước thô đầu vào bị cạn khô.

Mòn mỏi chờ nước sạch

Năm 2021, UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư nhà máy nước sạch với nguồn vốn hơn 12,5 tỷ đồng. Công trình này được xây dựng tại khu vực núi Nam Giới, dự kiến sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 600 hộ dân ở các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn của xã Đỉnh Bàn.

Đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà máy nước rồi... 'đắp chiếu' ảnh 1

Nhà máy nước sạch với nguồn vốn 12,5 tỷ đồng dừng hoạt động sau thời gian ngắn vận hành.

Đầu năm 2022 dự án được đưa vào vận hành, nhưng khi hoạt động được một thời gian thì nhà máy phải dừng hoạt động do nguồn nước thô đầu vào lấy từ khe suối trên núi Nam Giới bị cạn.

Kể từ đó đến nay, hàng trăm hộ dân ở xã Đỉnh Bàn phải tự tìm nguồn nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày khi nhà máy ngừng cấp nước. Theo ghi nhận, toàn bộ nhà máy không vận hành, bộ phận nhà điều hành khoá cửa, không bóng dáng người quản lý, bảo vệ.

Bà Lê Thị Nghĩa 70 tuổi (trú thôn Tân Phong) cho biết, khi hay tin có nhà máy nước, dân ở đây vui mừng vì hàng chục năm qua đến mùa hè, dân lại khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.

“Vừa mới đấu nối đường dây sử dụng được một thời gian thì phải dừng hoạt động. Nhiều tháng qua dân không có nước sạch dùng nên phải đi mua nước từ nơi khác về dùng, vừa tốn kém lại bất tiện, trong khi nhà máy xây xong không thể sử dụng được rất lãng phí”, bà Nghĩa chia sẻ.

Đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà máy nước rồi... 'đắp chiếu' ảnh 2

Nhà máy "đắp chiếu" hàng trăm hộ dân thiếu nước sạch.

Thời gian qua, gia đình bà Lê Thị Sâm (56 tuổi, trú thôn Tân Phong) cũng phải đi mua nước sạch từ nơi khác về dùng vì nước giếng đào bị nhiễm phèn nặng. "Giờ chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương sớm khắc phục tìm ra nguồn nước chứ thế này dân tốn kém. Hầu như ngày nào gia đình tôi cũng phải đi mua nước bình về để nấu ăn”, bà Sâm nói.

Không chỉ hai hộ dân trên mà toàn bộ khoảng 600 hộ dân tại xã Đỉnh Bàn cũng đang khốn khổ vì thiếu nước sạch. Bởi nguồn nước giếng của người dân nơi đây đã bị nhiễm phèn không thể sử dụng.

Vị trí không thuận lợi?

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Công Tùng - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn - cho biết, nhà máy được xây dựng tại núi Nam Giới, vì thế nguồn nước thô đầu vào đang phụ thuộc hoàn toàn vào khe suối. Trước đây, khi chọn vị trí này, đơn vị tư vấn cũng cảnh cáo có khả năng thiếu nước đầu vào, việc vận hành nhà máy có nguy cơ bị gián đoạn. Tuy nhiên, do thời điểm đó chưa tìm được vị trí phù hợp nên chấp nhận đặt nhà máy tại vị trí này.

“Vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước khe suối nên mùa hè ít mưa thì các khe suối sẽ khô cạn, hoạt động của nhà máy nước do vậy cũng bị gián đoạn theo. Mới đây huyện cũng đã về khảo sát để tìm phương án nhằm cung cấp nước tạm thời cho người dân trong mấy tháng mùa khô nhưng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết” ông Tùng nói.

Đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây nhà máy nước rồi... 'đắp chiếu' ảnh 3

Hệ thống đồng hồ nước tại nhà dân.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Đỉnh Bàn, địa phương đã có tờ trình gửi UBND huyện Thạch Hà xin chủ trương bố trí kinh phí để xã thực hiện việc khoan thăm dò tìm nguồn nước thô thay thế cho nhà máy nước. Tuy nhiên về phương án này đang chờ đợi vì mất nhiều thủ tục.

“Là xã chịu ảnh hưởng từ Dự án Mỏ sắt Thạch Khê, khiến nguồn nước ngầm bị tụt, nhiễm bẩn nên việc khoan giếng hiện gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Dù biết nguồn nước đang cấp bách nhưng phải chờ đợi”, ông Tùng thông tin.

Đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho biết, nhà máy nước Đỉnh Bàn được ủy thác tư vấn, quản lý giám sát thi công. Trong quá trình khảo sát, đơn vị cũng đã cảnh báo về tình trạng thiếu nước đầu vào vì nhà máy hoạt động dựa vào cơ chế vận hành tự chảy.

“Năm nay nắng nhiều, mưa ít nên lượng nước ngầm từ khe chảy ra gần như không có, dẫn đến tình trạng không có nguồn nước thô xử lý để cung cấp nước sạch cho người dân. Hiện vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng này nên khuyến cáo người dân phải tích trữ nước để sử dụng”, BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà cho biết.

Tin liên quan