Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’

0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm tơ tằm của Công ty TNHH Nam Ban Silk ( Lâm Đồng) với chất sợi mềm mỏng, nhẹ nhàng, nguồn gốc tự nhiên ; cùng với đó là người thợ dệt có tay nghề và kĩ thuật cao nhận được sự quan tâm không chỉ thị trường trong nước mà công ty còn ‘vươn ra biển lớn’ để chinh phục thị trường khó tính trên thế giới.
Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 1

Ngành dâu tằm tơ là một trong những ngành hàng chịu biến động thị trường rất lớn, trong quá trình phát triển ngành dâu tằm tơ có những dấu mốc thăng trầm. Thời kỳ “hoàng kim” vào những năm 1985 - 1995. Năm 1985, Liên hiệp Các xí nghiệp Dâu tằm tơ Việt Nam ra đời đã tạo nên sự phát triển vượt bậc, lan tỏa ra phạm vi cả nước. Song thời kỳ “hoàng kim” không bền vững mà chỉ khoảng 10 năm sau đó ngành tơ tằm gặp khó khăn kéo dài từ năm 1995 - 2010 và từ 2010 - 2019 ngành dâu tằm tơ bắt đầu khôi phục và phát triển trở lại nhờ kinh tế tư nhân. Đi đầu trong quá trình đổi mới, sáng tạo đưa ngành tơ tằm rẽ sang một trang mới phải nói đến địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Từ đầu năm 2020, ngành dâu tằm Việt Nam nói chung và địa bàn Lâm Đồng nói riêng trở lại gặp khó khăn, do thị trường tiêu thụ tơ lụa của Lâm Đồng trong những năm gần đây chủ yếu ở Ấn Độ, thế nhưng thời điểm đó Ấn Độ là một trong 3 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất trên thế giới, do đó thị trường tiêu thụ tơ lụa gặp quá nhiều khó khăn; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và việc làm cho hàng ngàn lao động không chỉ ở tỉnh Lâm Đồng mà còn phạm vi cả nước liên quan sản xuất tơ lụa.

Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 2

Đến giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát trên hầu hết tất cả các Quốc gia và Ấn độ cũng không ngoại lệ mang tới sự phục hồi mạnh mẽ cho ngành dâu tằm tại Lâm Đồng, nhu cầu tơ tằm đầu ra tăng mạnh trở lại, giá kén cũng được cải thiện đáng kể, các vùng nguyên liệu được mở rộng với quy mô lớn hơn trước.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng dâu lớn nhất cả nước. Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 9.300 ha trồng dâu, với hơn 15.000 nông hộ trồng dâu nuôi tằm. Đặc biệt, công nghệ chế biến tơ lụa Lâm Đồng đã được đầu tư, nâng cấp, đưa Lâm Đồng lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển ngành này, góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 3

Huyện Lâm Hà – thủ phủ dâu tằm mới

Một trong những thủ phủ mới nổi trong ngành tơ tằm của cả nước đó là huyện Lâm Hà, giá trị ngành dệt ươm tơ 10 tháng của năm 2021 trên địa bàn huyện Lâm Hà đạt 60 tỷ 693 triệu đồng, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2020 và cao nhất trong các loại hình công nghiệp địa phương. Đến nay, Lâm Hà dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích trồng dâu nuôi tằm với 3.500 ha. Diện tích trồng dâu được mở rộng hằng năm, riêng trong năm 2021, nông dân trồng mới khoảng trên 200ha; sản lượng kén đạt hơn 5.000 tấn/năm. Qua việc thu thập dữ liệu thực tế cho thấy giá tơ tằm trong giai đoạn từ năm 2010-2019 đã tăng liên tục, xu hướng bền vững, có năm giá kén chạm mốc kỷ lục giao động khoảng 217.000-230.000 đồng/kg. Nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Lâm Hà đã góp phần tạo sinh kế, phát triển kinh tế gia đình khá giả và làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới của của địa phương.

Thổ nhưỡng của vùng đất Lâm Hà chủ yếu là chất đất bazan màu mỡ, phù hợp với việc trồng các loại cây như chè, cà phê, dâu tằm,…Bên cạnh đó, nguồn nước tại đây cũng vô cùng đặc biệt, với độ PH cũng như thành phần hoá học phù hợp cho việc sản xuất ra các loại tơ đạt tiêu chuẩn thượng hạng.

Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 4

UBND huyện Lâm Hà đã xây dựng Đề án Phát triển bền vững dâu tằm tơ trên địa bàn huyện Lâm Hà giai đoạn 2023-2028 với mục tiêu phát triển ngành dâu tằm tơ theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững; hình thành vùng nguyên liệu dâu tằm ổn định, gắn nghề trồng dâu, nuôi tằm với ươm tơ dệt lụa và bảo vệ môi trường; nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm dâu tằm tơ; góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Tại nhiều địa phương như thị trấn Đinh Văn, các xã Tân Văn, Phú Sơn, Đông Thanh…, chính quyền địa phương đã vận động người dân chuyển đổi đất lúa một vụ, khai thác vùng đất sình, bờ ao để trồng các giống dâu mới cho năng suất cao. Trong 3 tháng đầu năm nay cũng đã thực hiện trồng mới 100 ha dâu trên diện tích đất lúa 1 vụ, đất cà phê và các loại cây trồng kém hiệu quả.

Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 5

Tiềm năng phát triển

Thị trường tiêu thụ vải lụa lớn trên thế giới như các nước: Ý, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Canada vẫn tiếp tục thể hiện nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm làm từ tơ lụa.

Xu thế của người tiêu dùng Việt Nam cũng như người tiêu dùng các nước trên thế giới là ưa thích sử dụng các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đặc biệt là các sản phẩm làm bằng chất liệu tơ tằm. Vải lụa tơ tằm Việt Nam với chất sợi mềm mỏng, nhẹ nhàng, sợi tơ dệt chắc, nguồn gốc tự nhiên, người thợ dệt có tay nghề và kĩ thuật cao luôn được sự quan tâm của các thị trường khó tính trên thế giới.

Dâu tằm Lâm Đồng trên hành trình ‘vươn ra biển lớn’ ảnh 6

Hội tơ tằm quốc tế và các quốc gia sản xuất tơ tằm đều cho rằng, hiện nay sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và xu hướng sử dụng tơ tằm trên thế giới ngày càng tăng. Ngay tại thị trường tiêu thụ nội địa nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên rất nhiều do đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Do vậy, có thể xác định tiềm năng phát triển của ngành tơ tằm Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Với những tiềm năng to lớn như trên ngành tơ tằm Việt Nam nói chung và địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng cần những doanh nghiệp, những con người để chung tay xây dựng phát triển ngành tơ tằm ngày một tốt hơn đáp ứng được sự kỳ vọng của thị trường.

MỚI - NÓNG