> Hủ tục rùng rợn giữa thâm sơn, cùng cốc
> Phép thuật kì bí của tộc người trên đỉnh Trường Sơn
Đó là những ngôi nhà sàn thanh thoát với mái tranh cao vút nằm giữa làng của đồng bào Ba Na, Sê Đăng, Jẻ Triêng, vừa như bảo tàng truyền thống, vừa như một câu lạc bộ hấp dẫn để đêm đêm già trẻ trai gái trong làng quần tụ, hội họp, bàn chuyện làm ăn, nghe kể chuyện, vui chơi, ca hát, đánh chiêng, tiếp khách, thực hiện các nghi lễ, luật tục, hội hè… Sau mỗi ngày lên rẫy mệt nhọc, không cần hẹn, mọi người náo nức sửa soạn đến nhà Rông, ngôi nhà đẹp nhất, ấm áp nhất, linh thiêng nhất làng.
Các già làng chủ nhà Rông ở nhiều huyện thành Kon Tum nơi tôi từng đến đều kể : Ngày xưa, mỗi lần vì lý do gì đó mà làng phải dời đi, như chiến tranh, dịch bệnh, nguồn nước, nương rẫy, thì tại địa điểm mới được chọn, công trình đầu tiên được cả làng xúm lại dựng lên bao giờ cũng là nhà Rông. Phụ nữ cắt tranh, đánh tấm; trai tráng đẽo cột, dựng xà, lợp mái, thưng vách, lát sàn.
Toàn bộ nhà Rông không dùng tí sắt thép nào, chỉ khớp nhau bằng ngàm, mộng và buộc chặt bằng dây mây. Khi mái nhà Rông mới tinh đã vươn lên kiêu hãnh, cao vút trên nền trời xanh thẳm, làng mới ăn mừng và “nhổ” tất cả những căn nhà trong làng cũ tới dựng xung quanh.
Từ năm 1999, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Kon Tum đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực trạng nhà Rông trên địa bàn toàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh ra chỉ thị số 21 về việc khôi phục và xây dựng nhà Rông truyền thống cho các làng đồng bào dân tộc bản địa.
Và từ đó, Nhà nước khuyến khích các làng tự chọn địa điểm xây dựng nhà Rông, tự tổ chức quyên góp và thi công nhà Rông theo kỹ thuật và thiết kế mong muốn, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. Chủ trương hợp lòng dân đã đem lại hiệu quả bất ngờ: Hiện cả tỉnh Kon Tum có 588 làng thì 575 làng đã dựng được nhà Rông, chi phí xây dựng mỗi nhà tùy lớn nhỏ dao động 200-800 triệu đồng, trong đó phần hỗ trợ của nhà nước chỉ từ 7-15 triệu đồng/nhà. Tất cả những nhà Rông này đều được đồng bào yêu quý và trân trọng gìn giữ tôn tạo, thường xuyên lui tới, xứng với tên gọi “ linh hồn của Làng”!
Rồi từ Quyết định 119 năm 2003 của UBND tỉnh Đắk Lắk, việc xây dựng các Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sau đổi tên thành Nhà văn hóa cộng đồng được triển khai như thể là cách gọi khác của nhà Rông. Trong 10 năm tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để xây dựng 570 nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) cho các buôn đồng bào thiểu số để tổ chức sinh hoạt văn hóa, họp hành.
Mỗi nhà được đầu tư trên dưới 100 triệu đồng nếu xây mới, giao cho chủ thầu làm tất từ A đến Z theo kiểu “chìa khóa trao tay”. Thế nhưng, tới nay, khoảng 70% số NVHCĐ toàn tỉnh đang ngày càng hoang phế, xuống cấp hoặc hoạt động không đúng công năng.
NVHCĐ Buôn Pốk A ở thị trấn Ea Pốk huyện Cư M’gar được xây ngay bên trục đường chính đi vào buôn, mô phỏng kiểu nhà dài truyền thống của người Êđê. Cột bê tông, tường xi măng, mái tôn, sàn gỗ, khuôn viên rộng, có sân bóng lát xi măng sạch sẽ, trồng nhiều cây xanh, hàng rào kiên cố nhưng vẫn không thu hút nổi đồng bào đến sinh hoạt.
Bỏ hoang nhiều năm, tới nay quanh nhà cỏ đã mọc um tùm, rác ngập sân, kính vỡ toác, nền sụt lún. Trang thiết bị chỉ còn mấy chiếc quạt cũ, bàn ghế hư hỏng. Rốt cục nhà này chỉ dùng làm điểm hẹn thu tiền điện, nước.
Già làng Ama Ty Ywứt Kbuôr, nghệ nhân cồng chiêng của buôn xót xa kể: Đồng bào trong buôn không thích tới đây, dù cán bộ có gõ kẻng hò hét! Xác nhà to nhưng bên trong chẳng có gì. Chúng tôi muốn truyền dạy cồng chiêng cho con cháu mà không có chỗ phù hợp. Đội nghệ nhân trong buôn chỉ còn vài người tuổi đã cao, làm sao giữ được cồng chiêng truyền thống?
Nhiều NVHCĐ khác cũng sa vào thảm trạng tương tự ! Ông Bùi Văn Khối- Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT-DL xác nhận: Thực tế đáng buồn là có đến 70% NVHCĐ trên toàn tỉnh hoạt động kém hiệu quả, bỏ không hoặc sử dụng không đúng chức năng !
Tình trạng NVHCĐ thường xuyên đóng cửa, một năm chỉ hoạt động hai, ba lần, hư hỏng, bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích đang diễn ra phổ biến. Nhiều nơi NVHCĐ thành lớp học mẫu giáo, nhà giữ trẻ, thành điểm thu tiền điện nước, thậm chí thành chỗ cho trâu bò nghỉ dưới gầm sàn! Theo Quy chế NVHCÐ của UBND tỉnh, mỗi nhà phải được trang bị dàn âm thanh, dàn chiêng, ti-vi, ra-đi-ô cát-sét, báo, tạp chí...
Nhưng thực tế đến nay ngoài một số ít nhà văn hóa được mua sắm đầy đủ các thiết bị trên, và 128 NVHCÐ đã được tỉnh cấp cồng chiêng, còn lại hầu hết… thiếu đủ thứ! Với đồng bào, trong thẳm sâu, hồn làng day dứt lắm trong những nếp lá nhà Rông.
Gần đây UBND tỉnh đắk Lắk đã ra Chỉ thị về việc Nâng cao hiệu quả hoạt động NVHCđ, trong đó nhắc tới việc cần tham khảo ý kiến người dân về vị trí, kiểu dáng, kích thước và vật liệu trước khi xây dựng; bố trí kinh phí xây dựng, sửa chữa, kinh phí hằng năm cho hoạt động và mua sắm trang thiết bị NVHCđÐ trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2015, 100% buôn trên địa bàn tỉnh có NVHCđ hoàn chỉnh. |