Đầu năm nam thanh nữ tú lên chùa cầu duyên

 Đi lễ chùa cầu duyên đã trở thành niềm tin tín ngưỡng với nhiều bạn trẻ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Đi lễ chùa cầu duyên đã trở thành niềm tin tín ngưỡng với nhiều bạn trẻ. Ảnh: Nguyễn Hòa.
Người dang dở tình yêu thì cầu cho mình có duyên đẹp. Người đã mãn nguyện thì cầu để được đẹp hơn… Vài năm nay, cầu duyên đầu năm trở thành tập tục tín ngưỡng trong giới trẻ.

Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) một sáng đầu xuân, rất nhiều nhóm sinh viên nữ tập trung tại cổng. Trâm Anh, sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế quốc dân, chia sẻ thường xuyên đi lễ đầu năm từ khi bước vào đại học. Năm nay cô không lên chùa cầu lộc cầu tài mà chỉ để cầu duyên.

“Từ ngày lên Hà Nội học, em đã trải qua 3 mối tình nhưng đều dang dở. Em hy vọng lên chùa cầu thì sớm có duyên mới gắn bó dài lâu”, cô gái quê Nam Định tâm sự.

Linh Chi (quê Hải Phòng, hiện là nhân viên truyền thông tại Hà Nội) cũng đi chùa để cầu duyên. “Mọi người nói rằng đi chùa cầu duyên sẽ rất linh nghiệm. Hơn nữa, em cũng muốn có một người chồng vì em đã ổn định công việc rồi”, cô chia sẻ. Thời gian qua không phải không có ai để ý, nhưng những mối tình thoáng qua khiến cô càng khao khát một mối quan hệ dài lâu.

Tại phủ Tây Hồ (Hà Nội), chiều 20/2, nhiều đôi bạn trẻ tay trong tay đi vào lễ. Họ cười nói, hàn huyên và cùng nhau khấn vái trước những ban thờ. “Chúng em yêu nhau đã 4 năm rồi. Năm nào ra Tết, bọn em cũng phải đi phủ Tây Hồ để cầu an lành cho tình yêu của 2 đứa. Em thấy đây là địa điểm cầu duyên rất linh thiêng vì suốt 4 năm bọn em vẫn gắn bó với nhau như hình với bóng”, Nam (sinh viên năm cuối ĐH Thương mại) khoác tay người yêu cười nói.

Đến phủ Tây Hồ không thiếu những bạn gái, bạn trai lững thững đi một mình đầy tâm trạng. Hân (25 tuổi, nhân viên kế toán ở Hải Dương) kể, đây là lần đầu tiên cô lên phủ Tây Hồ. Thời sinh viên, Hân học ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ đến phủ vì cô không tin vào thần linh.

“Giờ đây tình yêu tan vỡ, tâm trạng mình bế tắc vô cùng, chẳng muốn làm gì. Mình xin sếp nghỉ vài hôm, làm chuyến du xuân lên Hà Nội và cũng là nỗi khát khao được vào cầu nguyện ở phủ một lần. Có lẽ do mình không tin thần linh nên thần linh trừng phạt. Yêu nhau 6 năm, cứ ngỡ năm nay sẽ cưới, vậy mà cuối cùng vẫn chia tay”, giọng Hân buồn bã. Cô ra phủ lần này cũng vì muốn được thanh thản, cầu nguyện mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với tình duyên của mình.

Chiều muộn, chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thiếu những đôi trẻ hay cô gái đi lễ. Vẻ mặt đầy âu lo, Dung (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội) khẽ nhắm mắt và chắp tay vái trước các ban thờ với xấp tiền lẻ trong tay. Lễ xong, cô ngồi trầm ngâm ở bậc thềm chùa, rút thẻ trong túi ra đọc.

Dung lo lắng kể: “Lẽ ra hôm nay mình chỉ định đi rút thẻ đầu năm. Nhưng thầy bảo quẻ thẻ nói rằng tình duyên năm nay có trục trặc. Nếu mình không thành tâm cầu duyên ở nhiều chùa thì khả năng tan vỡ rất cao, không thì người chồng tương lai cũng sinh tính trăng hoa, hư hỏng”. Việc cầu duyên nằm ngoài dự định lần đi chùa này của Dung.

Tâm trạng chung của những cô gái chàng trai khi đi cầu duyên có khi là niềm vui được trong tay nhau đi lễ chùa, có khi là nỗi lo lắng, khổ sở… Nhưng điều mà họ cảm thấy được rõ nhất chính là sự bình yên trong tâm hồn. Từ đó, họ tin vào điều mình nguyện cầu sẽ thành sự thực.

Đầu năm nam thanh nữ tú lên chùa cầu duyên ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải cho rằng ngoài chuyện cầu duyên trời định, các bạn trẻ cần tự tạo cho mình cái duyên. Ảnh: Nguyễn Hòa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người), việc cầu duyên đầu năm cũng tương tự như cầu lộc cầu tài. Từ lâu đời, tín ngưỡng thờ cúng, lễ bái đã tồn tại trong dân gian, cầu duyên cũng vậy.

"Việc cầu duyên cũng là cầu may, cầu phúc. May mắn thì người cầu sẽ có được ý trung nhân như mong đợi. Tuy nhiên, cầu duyên nói riêng và cầu những điều khác nói chung không phải tất cả đều 'cầu được ước thấy' mà do cái phúc của mình nhiều hay ít”, ông Hải cho biết.

Người ta hay nói khi đi cầu duyên thì nên đến đền thờ bà Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ, nhưng theo ông Hải, cầu duyên hay cầu gì khác ở bất cứ đình, chùa nào đều không quan trọng. Cái quan trọng nhất là cái tâm, là tấm lòng thành của mình. Các bạn trẻ một khi đã đi cầu duyên thì nên tin để thành tâm và sớm đạt được điều mình mong muốn. Nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. “Ngoài chuyện thần linh sắp đặt duyên trời, muốn sớm có duyên đẹp, duyên như đã cầu thì phải do mình”, ông khẳng định.

Cụ thể, nếu bạn là người con gái có đầy đủ “công, dung, ngôn, hạnh” thì ai gặp mà lại không ưng? Nếu bạn chỉ đua đòi, nói chuyện với bạn nam chỉ thích quà cáp, giàu sang… thì làm sao có tình duyên lâu bền? Hay như chuyện mơ ước lấy người vượt quá tầm với của mình thì làm sao mà có? Còn nếu bạn là chàng trai có đầy đủ sự lịch lãm, phong độ thì có ai mà không mê? Ngược lại, bạn đang tán cô này mà liếc cô kia thì ai mà không đánh giá, rồi tình duyên tan vỡ nhanh chóng là điều quá đỗi bình thường.

Từ đó, nhà nghiên cứu khuyên: “Chúng ta phải biết mình biết người. Mỗi người hãy tự tạo cho mình cái duyên về hình thức và phẩm chất mới có thể cải thiện được tình duyên. Với bạn gái, hãy trau dồi đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, đặc biệt trong thời đại này thêm hai thứ rất quan trọng: ngoại ngữ và vi tính. Với bạn nam, hãy rèn luyện để trở thành người đứng đắn, lịch thiệp, có tư cách…”.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG