Dấu hiệu tích cực!

Dấu hiệu tích cực!
TP - Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nói như vậy khi cho rằng nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng nhiều trường ĐH không tuyển được sinh viên trong mấy năm gần đây là do người học đã từ chối các trường chất lượng thấp, học phí cao.

> Sẽ không lập thêm đại học

Một trong những hướng xã hội hóa giáo dục mà các trường ĐH thường nhấn mạnh như là một giải pháp đầu tiên là tăng học phí. Tuy nhiên, giải pháp này vấp phải trở ngại lớn là vượt qua sức chịu đựng của nhiều người dân. Có giải pháp nào cho vấn đề xã hội hóa giáo dục mà vừa sức dân không, thưa ông?

Xã hội hóa không chỉ có tăng học phí mà còn huy động các nguồn đầu tư ngoài nhà nước cho giáo dục, ví dụ huy động sức dân để phát triển mạng lưới trường ngoài công lập; huy động năng lực của xã hội, của các gia đình đầu tư cho GD. Phần nữa chính là học phí.

Học phí được giữ ở mức không hợp lý một thời gian quá lâu và quá lạc hậu so với yêu cầu về chi phí đào tạo. Tăng là cần thiết nhưng không tăng đột ngột mà tăng dần theo lộ trình, phù hợp khả năng đóng góp của nhân dân.

Khai thác tối đa sức dân để GD phát triển nhưng phải có cách thức để nhân dân chịu được; phải có chính sách để những thành phần khó khăn được hỗ trợ để đi học; không đẩy người nghèo ra khỏi trường học!

Thực tế cho thấy học phí đã tăng nhưng chất lượng vẫn giậm chân tại chỗ?.

Khi bàn về nghị quyết của Quốc hội liên quan đến Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GD, trong đó có cả chính sách về học phí, UB Văn hóa – Giáo dục –Thanh niên – Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội kiên quyết gắn việc nâng cao học phí với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Thậm chí, yêu cầu việc nâng cao chất lượng là một điều kiện để tăng học phí. Nếu tăng học phí mà nhiều nơi chỉ lợi dụng để thu tiền, không đầu tư cho chất lượng là không được.

Tuy nhiên việc xác định chất lượng có được nâng cao hay không là khó vì chất lượng giáo dục không giống như hàng hóa ở chợ, phải có cách kiểm định, đánh giá và công khai chất lượng của các trường để xã hội giám sát.

Đặc biệt các trường không được lạm dụng việc tăng học phí. Nâng cao chất lượng thông qua kiểm định chất lượng chứ không phải nói chung là nâng cao chất lượng và… tăng học phí!

Nhiều năm qua có khá nhiều trường không tuyển sinh được người học. Việc này có liên quan chất lượng hay không thưa ông?

Chủ yếu là vì điều đó. Đây là một khó khăn mới cho các trường và một tình huống mà nền giáo dục của chúng ta đang vấp phải, nhưng lại là dấu hiệu tích cực: không phải anh cứ đưa ra một chất lượng giáo dục nào người ta cũng chấp nhận cả.

Người dân bắt đầu có sự lựa chọn và người ta quay lưng lại với những trường có chất lượng giáo dục không đáp ứng yêu cầu, nếu lại là học phí cao nữa thì người dân sẽ không lựa chọn.

Đã đến lúc không phải người ta sẽ nhận bất kỳ chất lượng giáo dục nào với bất kỳ giá cao nào. Người dân sẽ đến trường chất lượng hơn, tiền dễ chấp nhận hơn và đào tạo thiết thực hơn.

Khi nãy ông nói: huy động sức dân để mở thêm trường. Trong tình trạng hiện nay, liệu có thể nói Việt Nam đã quá tải trường Đại học?

Không thể nói thừa trường vì nhu cầu học tập của nhân dân vẫn còn. Nhưng câu hỏi được đặt ra để giải quyết là: vào học ĐH có cần thi căng thẳng như thế không, có đúng là trường học đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của người dân không…

Thực chất, chúng ta chưa có trường đảm bảo chất lượng và học phí chưa phù hợp; chênh lệch giữa chất lượng và học phí là bài toán cần giải quyết trong vấn đề mạng lưới trường ở VN.

Phải nhìn thẳng vào sự thật: chúng ta thiếu trường đảm bảo chất lượng và chỉ thừa… trường chất lượng thấp. Cũng có thể đầu tư cho trường kém chất lượng để nâng cao chất lượng.

Trường nào kém quá nên để nó tự phá sản, tự giải thể chứ không nên bảo vệ trường kém, không nên để loại trường đó tồn tại theo tư tưởng bao cấp.

Xin cám ơn ông.

Hồ Thu
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.