Cưới vợ được hơn một năm nhưng anh Tùng ít khi được ăn tối ở nhà cùng bà xã. Niềm tự hào lấy được vợ xinh đẹp, năng động, kém mình gần chục tuổi của anh trước đây giờ trở thành nỗi phiền muộn. Kết hôn ở tuổi 36, sau khi đã có sự nghiệp vững vàng và ngôi nhà khang trang, anh Tùng mong mỏi cuộc sống gia đình ổn định và sớm có tiếng cười trẻ thơ.
Thế nhưng vợ anh chỉ thích vui chơi, không đụng tay tới việc gì trong nhà và chưa muốn bận bịu con cái. Cưới xong, nàng đòi thuê ngay người giúp việc để dọn dẹp, nấu nướng... nhưng ít bữa ăn tại nhà. Nàng có một nhóm bạn thân, hay cùng họ tổ chức đi đây đó, liên hoan, sinh nhật... Thỉnh thoảng, anh Tùng tham gia cùng vợ, nhưng tần suất tụ tập quá dày, lại không thích các chỗ ồn ào như quán karaoke, bar... mà nhóm hay đến, anh rút dần.
Anh nói vợ nên ở nhà nhiều hơn để vợ chồng cùng nấu ăn, dọn dẹp, trang hoàng cho tổ ấm..., nhưng nàng chê anh tẻ nhạt, già nua. Có những lần nhóm rủ nhau đi chơi xa cả tuần, kệ chồng bận việc không thể tham gia, nàng vẫn quyết không bỏ lỡ. "Mình góp ý thì cô ấy nói chồng ích kỷ, muốn kiểm soát vợ, mà cứ để cuộc sống gia đình thế này thì chẳng bằng ở một mình", anh Tùng than thở.
Theo đuổi hoa khôi chung trường với em gái suốt mấy năm mới thành nên khi cưới được nàng về, anh Lộc (Nghĩa Tân, Hà Nội) hết mực chiều chuộng. Kết hôn sớm nhất trong đám bạn, vợ anh Lộc thường hay than thở tiếc nuối tuổi trẻ, không được tung tẩy vui chơi như những người bạn còn độc thân. Mỗi dịp lễ Tết, cô thường thở dài so bì với cô bạn cùng lớp đi du lịch nước ngoài, nàng bạn thân thì tung tẩy làm đẹp, mua sắm... trong khi mình phải qua lại hai bên nội ngoại.
"Thực ra cô ấy chẳng phải làm gì, chỉ có mặt tại các bữa tiệc gia đình, chúc Tết nội ngoại thôi. Ngày thường vợ cũng không đi làm, thời gian vui chơi, du hí thậm chí còn nhiều hơn các cô chưa chồng. Nhưng nghĩ vợ còn trẻ, chưa nghĩ được sâu sắc việc này, tôi cũng không nhắc nhở gì gay gắt, thế mà càng ngày cô ấy càng sa đà tụ tập bạn bè, bỏ mặc gia đình", anh Lộc kể.
Lấy vợ ở tuổi 34, điều anh Lộc mong mỏi nhất là sớm được làm cha, nhưng vợ có vẻ không hào hứng lắm khi nói tới chuyện con cái. Cưới nhau 3 năm nàng chưa có bầu, lòng anh nóng như lửa đốt nên đã vài lần tự đi khám, làm xét nghiệm, kết quả bình thường. Anh giục vợ đến gặp bác sĩ nhưng nàng toàn gạt đi và nói mình chẳng có vấn đề gì. Cho tới gần đây, anh Lộc như chết đứng khi vô tình nghe được vợ nói chuyện điện thoại với cô bạn thân, kể chuyện vừa đi cấy lại que tránh thai để "kế hoạch" thêm 3 năm nữa.
"Hóa ra cô ấy sợ con cái vướng chân, khiến mình không thể tung tẩy vui chơi nên đã lén tránh thai từ ngày mới cưới, trong khi biết rõ tôi mong con thế nào. Có lẽ tôi đã cưới nhầm người", anh Lộc đau khổ nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý Hồn Việt (TP HCM) cho rằng, đa phần "cô vợ mải chơi" mà các ông chồng than thở đều còn trẻ, vừa qua độ tuổi 20. Nỗi phiền muộn của các ông chồng có vợ trẻ đôi khi bắt nguồn từ sự khác biệt lứa tuổi. Những người đàn ông 30-40 tuổi lấy vợ thường thích gái trẻ, và mong có cuộc sống gia đình ổn định, êm đềm. Họ thường là những người biết lo toan cho gia đình và mong muốn "nửa kia" cũng như vậy.
Trong khi đó, các cô gái ngoài 20 dường như thuộc một thế hệ khác, sinh ra trong gia đình ít con, quen được bố mẹ chăm lo, nuông chiều nên mang sự hồn nhiên, vô tư vào cuộc sống hôn nhân. Các ông chồng chững trạc không hiểu được những cô gái hiện đại thích cuộc sống hưởng thụ, ít phải lo toan và thất vọng khi thấy người đầu ấp tay gối không chăm lo cho gia đình, thậm chí trì hoãn cả việc sinh con để rảnh rang, nhàn tản.
Theo bà, tốt nhất khi muốn lập gia đình, bất cứ ai, dù ít hay nhiều tuổi, đều cần tham dự các khóa tiền hôn nhân, để học cách làm vợ, làm chồng. "Làm móng tay, móng chân còn phải học, huống hồ là xây đắp hôn nhân. Đừng bước vào cuộc sống gia đình với tâm thế của một người ngoài cuộc và mỗi người bê nguyên cái tôi thời độc thân vào cuộc sống chung, để rồi khi 'va' nhau lại than thở, đổ lỗi và rơi vào bế tắc", nhà tâm lý chia sẻ.
Nhà tâm lý Văn Thanh Sỹ, chuyên gia tư vấn tổng đài 1088 TP HCM lại cho rằng "ham chơi" cũng có mặt tích cực, thể hiện đó là người có cách sống thoáng, yêu đời, thoải mái. Tuy nhiên, khi bước vào cuộc sống gia đình, đôi khi điều đó lại mang ý nghĩa tiêu cực, thể hiện sự thiếu chăm lo cho người thân.
Theo ông, với những người vợ mải chơi, đầu tiên phải xét về bản thân họ, xem vì sao họ thích cuộc sống như vậy. Thứ nhất, có thể họ có quá nhiều đau khổ, không giải tỏa được trong gia đình nên tìm niềm vui bên ngoài. Thứ hai, có thể do bản chất đó là những người thích vui đùa, từ nhỏ đã có cuộc sống quá đầy đủ, được bố mẹ bao bọc nên khi vào môi trường gia đình họ chưa biết cách tự chăm lo cho chính mình và người thân.
"Với những cô vợ này, nếu người chồng không tế nhị, nhẹ nhàng, ép buộc họ phải vào khuôn khổ gia đình ngay, thì thường phản tác dụng, có thể làm họ cảm thấy bị tổn thương", ông Sỹ nói.
Nhà tâm lý cho rằng, khi người vợ chưa quen với việc chăm lo cho gia đình vì quen cuộc sống vô lo, vô nghĩ, chồng phải tế nhị, khéo léo tìm cách "dạy". Cũng như trẻ 1 tuổi học xúc ăn, mới đầu rơi vãi thì bố mẹ cần khuyến khích động viên, nếu quát mắng trẻ sẽ sợ ăn cơm luôn. Với vợ trẻ, người chồng cần thông cảm, chỉ dẫn từng bước một. Tuy nhiên, cũng cần tỏ thái độ dứt khoát, cứng rắn để nửa kia hiểu được vai trò và môi trường mới của mình. Ngoài ra, nên cùng tham gia làm việc với vợ, tạo không khí gia đình đầm ấm, không ra lệnh bắt vợ làm việc này việc kia hoặc cấm đoán bạn đời giao du với bạn bè.
"Đa số phụ nữ khi đi lấy chồng đã có tâm lý vun vén cho gia đình. Khi cảm nhận được tình yêu, sự mong chờ từ chồng, vì người mình yêu, họ có thể sẵn sàng điều chỉnh bản thân. Với các bạn gái, nên biết rằng lạc quan, yêu đời, tận hưởng cuộc sống là tốt, nhưng cần biết trách nhiệm của mình với bản thân và gia đình. Khi đã làm tròn vai trò của mình thì việc bạn làm gì, vui thú ra sao không ai có thể phán xét", nhà tâm lý chia sẻ.
Theo Vương Linh
VnExpress