'Dấu cộng duyên dáng' và bảy 'ngọn đèn' trước gió

'Dấu cộng duyên dáng' và bảy 'ngọn đèn' trước gió
TP - Ba năm sống trong buồn đau khi biết mình bị nhiễm HIV nhưng rồi Tô Thị Tuyết (sinh năm 1978, quê TP Bắc Giang), cô gái được công chúng biết đến với giải Ba “Dấu cộng duyên dáng” đã vượt lên tất cả để sống. Hiện cô là giáo viên của một lớp học đặc biệt dành cho 7 học sinh.

> Nước mắt vẫn rơi ở làng HIV
> Chuyện đời cô giáo mầm non có H+

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương 1, Tuyết về công tác tại Trường Mầm non Hoa Sen (TP Bắc Giang).

Không chỉ trẻ trung, xinh xắn, chị còn là giáo viên tích cực trong mọi hoạt động của nhà trường cũng như ở địa phương, là bí thư Đoàn trường nhiều năm.

Thời gian này chị Tuyết yêu và cưới một người làm việc trong quân đội. Ba năm sau, chị có thai. Trước khi sinh, xét nghiệm máu, chị được bác sĩ thông báo bị nhiễm HIV.

Nhận kết quả, chị không tin. Chị nghĩ mình chung thủy, không quan hệ với ai khác ngoài chồng thì làm sao nhiễm HIV? Chị đến kiểm tra ở nhiều bệnh viện khác nhau nhưng đều cho kết quả dương tính.

Trong đầu chị lúc nào cũng xuất hiện hàng loạt câu hỏi: “Liệu mình còn sống được bao nhiêu lâu nữa?”. “Có ai biết mình bị bệnh không?”. “Chồng, con sau này sẽ sống như thế nào nếu không có mình?”.

“Và điều mình sợ hãi nhất là phải sống trong sự ghẻ lạnh, nghi ngờ của chồng và gia đình. Hai tháng sau khi biết tin, mình vẫn không thể ngủ được dù đã uống đến 2 liều thuốc ngủ mỗi đêm” – chị Tuyết kể.

Sau thời gian ấy, chị gầy sọp, đôi mắt trũng sâu và gắng gượng ăn để sinh con. Cảm giác được làm mẹ chỉ thực sự vỡ òa khi bác sĩ thông báo đứa trẻ chào đời không bị nhiễm HIV. Chồng chị, sau nhiều lần kiểm tra đều có kết quả âm tính với H.

Sau này, khi tự xem xét các nguyên nhân gây bệnh cho mình, chị cho rằng, có thể bị lây nhiễm HIV do tiếp xúc với một học sinh bị chảy máu.

Sự nghiệp dang dở

Chị Tuyết nhận giải Ba “Dấu cộng duyên dáng năm 2010”
Chị Tuyết nhận giải Ba “Dấu cộng duyên dáng năm 2010”.
 

Sau khi sinh con, chị Tuyết hầu như không ra khỏi nhà bởi lúc nào chị cũng như thấy mọi người đang nhìn và bình luận về mình. Hết thời gian nghỉ, thấy chị vẫn ở nhà, nhiều người hỏi sao cô không tới trường nữa. Chị chỉ biết quay mặt đi, không trả lời.

Suy nghĩ nhiều đêm, chị quyết định xin đi làm trở lại và nói rõ bệnh tình với ban giám hiệu. Biết bệnh của cô, nhà trường không thể tiếp tục ký hợp đồng với chị nhưng vẫn cho làm việc ở trường.

Chị Tuyết không được tiếp xúc với học sinh mà chỉ được làm các công việc lặt vặt như tính khẩu phần ăn, vệ sinh trường, lớp… với số tiền ít ỏi. Khi các cháu vào lớp, chị lủi thủi một mình.

Một thời gian sau, phần vì số tiền kiếm được không đáng là bao, phần vì không muốn ảnh hưởng đến trường nên chị xin nghỉ hẳn ở nhà trông con.

Nhưng trong những ngày tháng nặng nề nhất, chị đã tìm lại cho mình niềm vui sống. Được một phụ huynh cũ giới thiệu, chị tham gia và trở thành thành viên của CLB “Vì ngày mai tươi sáng”, một tổ chức hỗ trợ, chia sẻ của những người bị nhiễm HIV.

“Tham gia CLB, mình đã học được nhiều điều. Mình biết được cơ chế lây nhiễm của H. để dự phòng cho mọi người và cho chính con của mình. Điều quan trọng nữa là mình có thể gặp, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ và góp chút công sức nhỏ bé của mình cho xã hội” - chị Tuyết tâm sự.

Cũng bắt đầu từ đây, chị thường xuyên có mặt trong các hoạt động xã hội của những người nhiễm H. và dần lấy lại sự tự tin. Năm 2010, chị Tuyết tham gia cuộc thi Dấu cộng duyên dáng, một cuộc thi dành cho những người đẹp bị nhiễm HIV (Liên hoan Dấu cộng duyên dáng lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam do Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam và Mạng lưới Vì ngày mai tươi sáng phối hợp tổ chức ngày 14-10-2010).

Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của chị. “Trước đây, nhiều người vẫn không biết mình bị nhiễm HIV nhưng khi quyết định đi thi là công khai cho toàn xã hội biết căn bệnh của mình.

Ngay cả bố mẹ mình cũng phản ứng quyết liệt khi mình đi thi” - chị Tuyết nói. Năm ấy, chị đạt giải Ba và cô dành một phần tiền trong số 8 triệu đồng tiền thưởng để giúp các cháu nhỏ có cùng hoàn cảnh như mình.

Lớp học của những người có H.

Trở về sau ánh hào quang của cuộc thi Dấu cộng duyên dáng, chị lại lao vào công việc. Bây giờ, chị đã nhận được sự thông cảm nhiều hơn từ bạn bè, gia đình.

Các bạn cùng trường cao đẳng ngày trước hằng năm đều về họp lớp ở Bắc Giang, cùng chia sẻ với Tuyết những buồn vui trong cuộc sống. Những chị em cùng tham gia thi Dấu cộng duyên dáng cũng thường xuyên liên lạc với Tuyết.

Chị Tuyết kể nhiều về Trần Thị Huệ, cô gái đạt giải Nhất ngày ấy giờ lại xây dựng gia đình với một người bạn đồng cảnh ngộ. Họ có con và điều đáng mừng là con họ không bị nhiễm H.

Với chị Tuyết bây giờ sức khỏe cũng khá ổn định và chưa phải dùng thuốc để hạn chế sự phát triển của vi rút HIV.

Chị đùa: “Loại thuốc này thường có nhiều phản ứng phụ, nhất là có thể gây lệch cơ nên chưa phải dùng ngày nào thì hay ngày đó, giữ cơ thể mình cho đẹp, biết đâu còn được đi thi Dấu cộng duyên dáng lần nữa”.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bắc Giang có một lớp học đặc biệt. Lớp chỉ có có 7 học sinh và cô giáo Tuyết. Tất cả đều đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Các em ở đây được đưa về từ nhiều địa phương trong tỉnh, đều không còn cha mẹ và từ lâu không có người đến thăm nom. Trò lớn nhất là bé Mai Linh, sinh năm 2001, nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi.

Mai Linh đã ở đây hơn 3 năm và sức khỏe rất yếu, em ho nhiều và đi lại khó khăn, người gầy gò. Hằng ngày chị Tuyết đều có mặt từ sớm dạy các em biết đọc, biết viết và động viên các em vượt lên hoàn cảnh.

Sự có mặt của chị Tuyết đã làm các em thay đổi nhiều. Nếu như trước kia, các em cứ sống một cách vạ vật, thiếu niềm tin, thiếu tiếng cười và thường trốn uống thuốc thì bây giờ chị đã cho các em hy vọng để sống tiếp.

Chị Tuyết khoe, “mình đã hoàn thành chương trình lớp Một cho các cháu và đang tìm tài liệu để tiếp tục thành cô giáo chủ nhiệm lớp Hai. Công việc vất vả nhưng bù lại mình có niềm vui khi được tiếp tục đứng trước những học trò ngây thơ, hồn nhiên, từng ngày được gieo vào lòng các em niềm vui sống và những con chữ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG