Đề thi học kỳ I Văn lớp 7 “đầu Ngô mình Sở” ở thị xã Đông Hà (Quảng Trị):

Đau Bà Huyện Thanh Quan, xót Bà Chúa Thơ Nôm

Đau Bà Huyện Thanh Quan, xót Bà Chúa Thơ Nôm
TP - “Trong hai câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc- thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua đèo ngang”), Hồ Xuân Hương đã sử dụng lối chơi chữ nào?...- đây là 1 phần trong đề thi môn Ngữ văn lớp 7 HK 1, do Phòng GD-ĐT thị xã Đông Hà ra.
Đau Bà Huyện Thanh Quan, xót Bà Chúa Thơ Nôm ảnh 1
Đề thi “đầu Ngô mình Sở” môn Ngữ văn lớp 7, học kỳ 1 năm học 2007-2008 của Phòng GD - ĐT thị xã Đông Hà

Tôi đang ngồi gõ bài, chợt nghe giọng anh rể oang oang ngoài cửa: “Cậu nó có nhà không?”.

Chưa kịp thưa, ông anh tay dắt thằng quý tử đang học lớp 7, tay cầm tờ giấy A4 cuộn tròn, bước vào phòng khách, ngồi phịch xuống ghế, thế là “phát” luôn: “Ngày xưa cậu học Tổng hợp Văn ở Huế phải không nhỉ? Thế cậu còn nhớ bài thơ Qua Đèo Ngang là của ai không?”.

Ủa, đầu cua tai nheo chi đây mà anh rể hôm nay hỏi han có vẻ khó hiểu thế? “Dạ, bài thơ đó, trong sách giáo khoa ai mà chẳng biết, là của Bà Huyện Thanh Quan.

Em vẫn còn nằm lòng rằng Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, sống ở thế kỷ 19 (nhưng chưa rõ năm sinh, năm mất), quê ở làng Nghi Tàm nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Chồng bà làm tri huyện Thanh Quan (thuộc Thái Ninh), tỉnh Thái Bình, nên có tên gọi Bà Huyện Thanh Quan.

Bà là một trong số nữ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại 6 bài thơ Đường luật.

Qua Đèo Ngang là một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật (Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà/ Cỏ cây chen lá, đá chen hoa/ Lom khom dưới núi, tiều vài chú/ Lác đác bên sông, chợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia/ Dừng chân đứng lại, trời, non, nước/ Một mảnh tình riêng, ta với ta).

Tôi làm luôn một mạch để anh rể yên tâm. Ông anh rể hự lên một tiếng: “Làm ăn thế này có... “giết chết” học trò không chớ?!”.

Rồi chẳng nói chẳng rằng anh dúi vào tay tôi cái tờ giấy A4 cuộn tròn vẫn giữ khư khư nãy giờ. Và tôi chăm chú đọc kỹ 2 trang giấy in vi tính này...

Đây là đề thi môn Ngữ văn lớp 7 học kỳ 1, năm học 2007-2008 với mã đề NV7 - 02, do Phòng Giáo dục - Đào tạo thị xã Đông Hà ra đề với thời gian thi 90 phút (không kể thời gian chép đề), bao gồm hai phần thi trắc nghiệm (3 điểm) và phần tự luận (7 điểm).

Ở phần 1 thi trắc nghiệm có 12 câu hỏi. Quả thực không hiểu nổi tại sao một hội đồng ra đề thi với bao nhiêu người như thế, qua lắm quy trình công đoạn rà soát thẩm định ký duyệt như vậy mà lỗi chính tả cứ “ầm ầm... đá nhau”, không phân biệt đâu là danh từ riêng, đâu là danh từ chung.

Mà sự sai lại “dính” ở đề thi môn Ngữ văn mới khổ chứ!

Nhưng cái sai nghiêm trọng nhất, đau lòng nhất, như là “chuyện lạ Việt Nam” ấy, là ở câu số 3. Xin được chép nguyên văn (kể cả lỗi chính tả):

“Trong hai câu thơ “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc- thương nhà mỏi miệng cái gia gia (Qua đèo ngang”), Hồ Xuân Hương đã sử dụng lối chơi chữ nào? A. Dùng từ ngữ gần âm. B. Dùng từ ngữ đồng âm. C. Dùng cách điệp âm. D. Dùng lối nói lái”.

Chao ôi, sao Qua Đèo Ngang lại là của Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là Bà Chúa Thơ Nôm được (?!).

Sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 của NXB Giáo dục, phát hành tháng 3/2007 ở trang 95 chả phải ghi rõ thế này sao: Hồ Xuân Hương (?-?) lai lịch chưa thật rõ ràng. Nhiều sách vẫn nói bà là con Hồ Phi Diễn (1704-?), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông thân sinh ra Bắc dạy học, lấy vợ lẽ là người Bắc Ninh, sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình Hồ Xuân Hương từng sống ở phường Khán Xuân gần Hồ Tây của Hà Nội.

Chưa hết. Đề thi như thể... “chọc ghẹo, trêu ngươi” học sinh, bởi ở câu 5 thì lại ghi (nguyên văn): “Câu thơ Một mảnh tình riêng ta với ta, trong bài thơ Qua đèo ngang của bà huyện Thanh Quan thể hiện rõ nhất nỗi niềm gì? A. Nỗi lo lắng cho vận mệnh đất nước. B. Nỗi phiền muộn vì xa cách. C. Nỗi niềm cô đơn gần như tuyệt đối. D. Nỗi nhớ nhung về quá khứ”.

Thật đau lòng Bà Huyện Thanh Quan và xót xa thay cho Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương!

Kỳ thi diễn ra cách đây mấy hôm. Đề thi ra sai, đẻ ra đáp án sai, hậu quả là học trò gánh trọn vì làm bài... không được. Dĩ nhiên là vậy! Kiểu ra đề thi ẩu “đầu Ngô mình Sở” lộn tùng phèo như vậy là một nỗi buồn lớn cho những ai quan tâm đến sự chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

13/1/2008

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.