Khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân xuất hiện đỏ da bong vảy rải rác thân mình cách đây 3 năm, đã đi khám ở Bệnh viện Da liễu Trung ương chẩn đoán xác định là mắc bệnh vảy nến. Sau 1 tháng điều trị theo đơn, tổn thương có thuyên giảm.
Tuy nhiên, tin lời giới thiệu của người thân, bệnh nhân đến tự điều trị bằng thuốc lá, thuốc nam. Bệnh nặng lên từng đợt. Một năm nay, bệnh nhân đi tiêm corticoid tại phòng khám tư theo phác đồ 1 tháng 1 lần. Sau tiêm, tổn thương đỡ nhiều, tuy nhiên bùng phát trở lại năng hơn sau ngừng tiêm. 4 ngày nay, bệnh nhân sốt cao 38-39 độ C, mụn mủ và đỏ da bong vảy toàn thân, được chuyển cấp cứu từ viện tỉnh đến bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.
Corticoid đường tiêm, uống chống chỉ định điều trị vảy nến
Theo các bác sĩ, corticoid có tác dụng chống viêm, ức chế miễn dịch. Corticoid đường bôi là một trong những chỉ định đầu tay trong điều trị vảy nến, tuy nhiên, corticoid đường toàn thân (tiêm hoặc uống…) lại là chống chỉ định trong điều trị vảy nến vì gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng lâu dài, đồng thời cũng làm bệnh bùng phát nặng hơn sau khi ngưng sử dụng.
Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc BV Da liễu Trung ương, vảy nến là bệnh mạn tính, tiến triển từng đợt, dai dẳng suốt đời. Tỷ lệ vảy nến là 2 – 3% dân số tùy khu vực, tỷ lệ nam/nữ ngang nhau. Vảy nến thể mủ là một thể nặng, ít gặp của vảy nến, đặc trưng bởi mụn mủ vô khuẩn trên nền da đỏ, sốt cao.
Bệnh vảy nến thường dai dẳng, hay tái phát nên nhiều người đã tìm mọi cách để điều trị mà không theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người bệnh đã sử dụng các thực phẩm chức năng, thuốc nam, thuốc bắc, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc… làm bệnh vảy nến bùng phát nặng lên, gây nguy hiểm đến sức khỏe bản thân.