Mất thương hiệu vì gian thương
Trung tuần tháng 4, trong vai tiểu thương buôn tỏi, chúng tôi tiếp cận với Quang, lái xe tải biển số 76K... đỗ ở cảng Sa Kỳ đang chờ cửu vạn bốc hàng xuống tàu để ra đảo Lý Sơn.
"Tỏi ở tỉnh Khánh Hoà nhập về Lý Sơn đấy" - anh Quang, nói: "Tiểu thương vào Khánh Hoà mua tỏi giá rẻ thuê tôi chuyển về để họ trộn với tỏi Lý Sơn bán kiếm lời, vì lợi nhuận gấp đôi". Nếu không tinh mắt khó có thể nhận biết đó là những bao tải tỏi, bởi chúng được bao bọc cẩn trọng như nhu yếu phẩm.
Anh N., một chủ tàu chuyên chở hàng hóa từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn và ngược lại, cho biết: Từ đầu vụ tỏi Đông Xuân đến nay có khoảng 300 tấn tỏi được đưa từ Khánh Hòa ra đảo. Lý do, tỏi Lý Sơn có thương hiệu, giá cao.
Lúc đỉnh điểm, giá tỏi Lý Sơn lên đến 120.000 đồng/kg. Hiện giá tỏi ở đảo còn 60.000- 70.000 đồng/kg, trong khi đó tỏi Khánh Hòa chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Tiểu thương kinh doanh kiểu này có lợi nhuận bình quân 40.000 đồng/kg.
"Người dân Lý Sơn phải mất hàng chục năm mới tạo được thương hiệu tỏi như ngày hôm nay. Thế nhưng những tiểu thương chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất thương hiệu cây tỏi trên đất đảo khiến người nông dân phải điêu đứng vì tỏi không bán được hoặc bán với giá thấp hơn trước rất nhiều" - anh Nguyễn Chí Quốc (48 tuổi), ở thôn Đông, An Hải nói.
Theo anh Quốc, chỉ những người "sành" tỏi Lý Sơn thì mới phân biệt được. Tỏi Lý Sơn vốn dịu chứ không cay nồng như tỏi nơi khác, tép tỏi nhỏ, không để lại mùi hôi khó chịu sau khi ăn. Nhờ vậy mà tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Việc làm gian lận khiến tỏi Lý Sơn mất giá nghiêm trọng. Người trồng tỏi buộc phải "găm hàng" chờ ngày tỏi lên giá mới đem bán.
Anh Quốc cho biết: Vụ tỏi rồi do thời tiết bất lợi nên sản lượng tỏi của gia đình giảm gần phân nửa. Với 5 sào tỏi, hằng năm gia đình anh thu hoạch khoảng 3,5 tấn tỏi tươi (tương đương với 2,1 tấn tỏi khô), nhưng năm nay cũng chỉ còn 1,2 tấn tỏi khô. Mất mùa lại mất giá nên phải trữ tỏi chờ thời.
Khó xử lý
Tình trạng đảo tỏi nhập tỏi diễn ra từ 2 - 3 năm nay, nhưng đỉnh điểm là đầu năm 2011 do tỏi Lý Sơn mất mùa. Tuy nhiên, chưa thấy cơ quan nào lên tiếng, bảo vệ thương hiệu cây tỏi đất đảo. Anh Lâm- chủ tàu chuyên chở hàng hóa ra đảo cho biết, vài năm nay anh thường xuyên chở tỏi Khánh Hoà nhập ra đảo chưa lần nào cơ quan chức năng đến kiểm tra. Vì vậy, một số người ngang nhiên lợi dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn đánh lừa người tiêu dùng để làm lợi cho cá nhân.
Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Việc trộn tỏi Khánh Hòa với tỏi Lý Sơn diễn ra mấy năm nay nhưng với số lượng ít. Đầu năm 2010, việc buôn bán này rầm rộ hơn vì lãi cao.
Chính quyền địa phương không thể xử lý do tiểu thương chỉ mua hoặc đem tỏi do người nhà trồng ở Khánh Hòa về rồi bán lại, chứ không đem đóng gói rồi lấy thương hiệu tỏi Lý Sơn. Huyện cũng không thể ngăn cấm vận chuyển tỏi từ nơi khác ra đảo vì mọi hàng hóa đều được tự do luân chuyển.