> Thơ ĐBSCL quá kém?
> Đại học Văn hóa Hà Nội đoạt giải Nhất
Bạn đọc Huỳnh Nguyễn ở An Giang phát hiện bài thơ Về đồng mùa nước nổi, lọt tốp 11 bài vào chung khảo giống tới 80% bài Trở lại đồng tứ giác của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài in trong tập Ngan ngát hương xưa.
Tác giả Cao Phú Cường giải thích rằng giữa ông và nhà thơ Trịnh Bửu Hoài có “cảm xúc đồng điệu” nên hai bài thơ có phần giống nhau. Tác giả viết thư tay dài 4 trang gửi Ban tổ chức và một số nơi để “kêu oan”.
Ngay sau đó, bạn đọc Lê Văn phát hiện tác giả này còn đạo bài thơ Ngắn dần viên phấn của Vương Thảo (in vào những năm 90 của thế kỷ XX) để in trên blog văn An Giang.
Trước sự việc dồn dập, ông Cao Phú Cường gọi điện xin lỗi nhà thơ Trịnh Bửu Hoài vì “đọc lâu ngày nên quên” và mượn một số câu chữ, hình ảnh…
Năm 2008 khi tôi và nhà thơ Bùi Văn Bồng dự trại sáng tác ở Đà Lạt, nhà thơ- bác sĩ - đại tá Trần Thanh Chường (Bệnh viện 121) từ Cần Thơ gọi điện cho biết: “Trên lucbat.com có bài thơ Áo bà ba của Cao Phú Cường sao rất giống bài Áo bà ba của Bùi Văn Bồng”.
Tôi liền vào mạng thấy quả như thế. Tôi gọi điện ngay cho nhà thơ Đặng Vương Hưng ở Hà Nội (trưởng trang web lucbat.com) cho biết đây là bài thơ “đạo” tới hơn 90% và “chế” đi một số câu từ. Nhà thơ Đặng Vương Hưng liền gỡ bỏ bài thơ và xóa tên Cao Phú Cường- đại diện lucbat.com ở An Giang. Nói thêm, Bùi Văn Bồng cũng là đại diện lucbat.com ở Cần Thơ.
Như vậy chỉ sau hơn một tuần thông báo 11 bài thơ vào chung khảo Cuộc thi thơ ĐBSCL lần V, đã phát hiện ít nhất 3 bài thơ Cao Phú Cường thuổng của người khác. Liệu đã có thể gọi là “cây đạo thơ có hạng” được chưa? Đáng buồn, được biết Cao Phú Cường hiện là một giáo viên Văn của trường Trung học cơ sở Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.