Đạo Phật và vấn đề phát triển bền vững

Trung tâm hội nghị quốc tế nơi diễn ra ngày khai mạc Vesak 2019
Trung tâm hội nghị quốc tế nơi diễn ra ngày khai mạc Vesak 2019
TP - Khoảng 400 tác giả gửi tham luận tới 5 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ VESAK 2019. Mỗi hội thảo tìm cách giải quyết một vấn đề nóng bỏng của nhân loại thông qua cách tiếp cận Phật giáo. Một chủ đề chắc chắn đánh động các tín đồ mua sắm: Tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững. Ngay cách mạng công nghiệp 4.0 nếu không được Phật pháp soi sáng cũng chẳng thể cứu nhân loại…

Mua hết phần con cháu

Đức Phật dạy chúng ta lối sống Trung đạo, thuận tự nhiên mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng, ngay cả trong mua sắm. Diễn giả Gábor Kóvacs (Hungary) nhấn mạnh khái niệm “tiêu dùng đúng” tập trung vào những nhu cầu căn bản của con người. Nói cách khác, mua những gì mình cần chứ không phải những gì mình muốn mới mong đạt hạnh phúc bền vững.

GS.TS K. Sarao (Ấn Độ) nhắc định nghĩa đã được UNESCO công nhận, phát triển bền vững nghĩa là “đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Ông Sarao cho rằng nhiều chính phủ đang đi sai hướng trong phát triển kinh tế. “Cứ đà này, dân số tăng trưởng, năng lượng cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm, nhân loại chắc chắn sẽ sụp đổ ngay trong thế kỷ 21”, ông cảnh báo. 

“Các tôn giáo thế giới như Ki tô giáo, Phật giáo, Hồi giáo cũng có những thay đổi lớn để thích ứng với những biến động xã hội. Nếu như học thuyết xã hội của giáo hội Công giáo diễn tả suy tư của Giáo hội về thực tại đời sống và hiệu chỉnh mới về đức tin, thì Phật giáo lại đề xướng kinh tế học Phật giáo thể hiện cái nhìn đa chiều về kinh tế học hiện đại. Các học thuyết, giáo lý tôn giáo trên không chỉ phê phán chủ nghĩa tiêu dùng của kinh tế học hiện đại và làm thay đổi lý thuyết về kinh tế, mà còn có ảnh hưởng nhất định đến lối sống.”
PGS.TS Trương Văn Chung- Đại học KHXH&NV TP.HCM


Theo sư thầy Thích Minh Thiện (Mỹ), thế gian do tham sân si và vô minh tiếp tục đắm chìm trong gọng kìm phát triển đi đôi với ô nhiễm. “Thế giới có điều kiện, phương tiện để cứu Trái đất nhưng đã không làm,” ông nói. “Chẳng hạn các nước gây ô nhiễm nhiều nhất như Mỹ, Trung Quốc lại không tham gia hoặc rút khỏi thỏa ước chống khí thải nhà kính.” Tuy nhiên ông cũng chỉ ra nhóm giải pháp “cứu Trái đất” cụ thể, không khó áp dụng. Đó là sống chính niệm như Đức Phật dạy. Chẳng hạn trước khi ăn, hãy nói lên lời tri ân bữa ăn như một quà tặng của Trái đất, của chúng sinh, để hiểu rằng chúng ta may mắn hơn rất nhiều người. Và tự động vì lòng trắc ẩn với muôn loài, dần dà chúng ta sẽ không ăn quá no, không chạy theo sự thỏa mãn vị giác… 

TS. Jeff Wilson (Úc) kể về một cửa hàng ngoại ô ở phía bắc Sydney tên là Samsara (nghĩa là “luân hồi”) chuyên bán đồ hiệu. Tên cửa hàng muốn nói những gì được bày bán đang được cả thế giới khao khát... “Từ ‘samsara’ đại diện cho các giá trị hoàn toàn tiêu cực trong Phật giáo,” ông phân tích. “Nó ám chỉ tất cả những điều gì nên tránh nếu muốn thành tựu trạng thái buông xả và an lạc. Tuy nhiên, từ quan điểm của kinh tế hiện đại toàn cầu, việc mua bán các mặt hàng xa xỉ có ý nghĩa hoàn toàn tích cực.”Quả thực không ít người tin rằng việc sử dụng đồ hiệu thể hiện và củng cố địa vị xã hội. Trong khi theo Phật giáo, mọi người trong xã hội đều bình đẳng.

PGS.TS Trương Văn Chung chỉ rõ, mục tiêu của kinh tế thị trường là lợi nhuận thông qua khuyến khích con người thỏa mãn mong muốn tiêu dùng vô tận của mình. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp tạo điều kiện cung ứng cho con người vô số những nhu cầu mới và thỏa mãn những nhu cầu đó một cách nhanh chóng, tiện lợi. “Theo cách tiếp cận của Phật giáo, hoạt động tiêu dùng phải được kiểm soát để hướng đến việc cân bằng hạnh phúc vật chất và tinh thần thay vì thỏa mãn tối đa nhu cầu vật chất,” ông Chung nhấn mạnh. 

Có còn hy vọng?

Adam Smith, nhà kinh tế học Anh thế kỷ 18 cho rằng bản chất sở hữu của con người không thể thay đổi, mà chỉ có thể thay đổi các yếu tố ngoại cảnh tác động tới bản chất đó. TS Wilson chỉ ra, quan niệm này hoàn toàn mâu thuẫn với Phật giáo. Đức Phật dạy, con người là chủ thể vận mệnh của chính mình, hoàn toàn có thể thay đổi để đưa ra lựa chọn khôn ngoan hơn theo chính đạo. 

GS Wilson dẫn hai “con đường” theo Kinh Thánh Cầu (Ariyapariyesana- Sutta) mỗi người phải lựa chọn. Một đưa đến thành công hiện đời: địa vị xã hội, khả năng thỏa mãn nhiều hơn những nhu cầu... gọi là “tìm cầu để thỏa mãn”. Người theo con đường “tìm cầu cao thượng” phải đối mặt với gốc rễ sâu xa của những nhu cầu, ham muốn và hóa giải chúng để tiến tới trạng thái an định.
Tham gia hội thảo khác, chủ đề Phật giáo và Cách mạng 4.0, song PGS.TS Trương Văn Chung có quan điểm tương đồng với Wilson.

Ông dẫn khái niệm “chanda” là khát vọng hạnh phúc chân thật đối lập với “tanha” là mong muốn  Chanda hướng tới Chân lý và chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực hành động sáng tạo, trái ngược với Tanha- xúi giục con người tìm kiếm để thỏa mãn cảm giác. Hai khái niệm này chi phối các nguyên tắc của kinh tế học Phật giáo như: Thực thi phúc lợi thật sự; Không làm hại bản thân hoặc người khác; Tìm kiếm và duy trì sự thịnh vượng song song phát triển tâm linh… “Nội dung chính và giá trị cốt lõi của phạm trù Pháp (Dhamma) trong ‘kinh tế học Phật giáo’ mô tả một xã hội lý tưởng, nơi mọi hoạt động kinh tế- mua bán, sản xuất và tiêu dùng phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức nghiêm ngặt,” TS. Chung cho hay.

Một nữ đại biểu người Chi-lê hỏi: “Còn kịp hay quá muộn để loài người có thể vượt qua khủng hoảng này? Liệu có thể cho tôi một thông điệp mang tính hy vọng?” Thầy Thích Minh Thiện đưa ra giải pháp thông qua giáo dục trẻ em về tiêu dùng, về môi trường. Còn GS Sarao nói: “Trong quá khứ đã có nhiều nền văn minh diệt vong nhưng nhân loại vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Đạo Phật, đạo Khổng, đạo Hindu đều không phải tôn giáo mà là một cách sống. Đạo Phật sẽ cứu rỗi mọi người, không sớm thì muộn.”

“Nếu muốn tăng chỉ số hạnh phúc, đừng nhằm vào mục đích tăng tài sản. Chỉ cần giảm ham muốn của con người, ” Epicurus, triết gia cổ Hy Lạp từng nói. Một tham luận đặt diễn ngôn này cạnh lời dạy của Tổ Long Thọ: “Bằng việc sử dụng tài sản, có hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Bằng việc bố thí, có hạnh phúc trong tương lai. Phung phí tài sản, không sử dụng hay không bố thí, chỉ khiến thêm khổ đau. Sao không làm cho ta và người cùng có hạnh phúc?” Đó phải chăng cũng là để chìa khóa cho tương lai nhân loại: Chia sẻ và tiết độ để cùng đi đường dài.

Ăn chay là lối thoát?

Theo diễn giả Nguyễn Mạnh Hùng, mỗi năm ngành công nghiệp chế biến thịt giết lượng động vật còn nhiều hơn số người từng sinh ra. Chỉ cần giảm tiêu thụ thịt 10%, chúng ta đã có thể nuôi được 100 triệu người. Dân số thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong thế kỷ này. Cứ theo đà tiêu thụ này, cần phải có ít nhất hai Trái đất may ra mới đủ để nuôi sống nhân loại. Nhưng “nếu tất cả chúng ta giảm bớt tiêu thụ và ăn chay, hành tinh này có thể nuôi sống chúng ta mãi mãi.” 

Tại hội thảo về tiêu thụ có trách nhiệm, một nữ đại biểu người Đức cũng đứng lên kêu gọi phổ cập việc ăn chay ra ngoài phạm vi Phật tử. Trong khi GS.TS Sarao (Ấn Độ) khẳng định Kinh Phật cũng không chỉ ra cách nào triệt để ngăn cấm việc ăn thịt. Ngay giữa tiệc chay hàng trăm món VESAK 2019 chiêu đãi các đại biểu vẫn phải có một bàn riêng bày các món từ thịt.

Đạo Phật và vấn đề phát triển bền vững ảnh 1

Tăng ni phật tử quốc tế vào hội trường chùa Tam Chúc dự hội thảo Tôn giáo và CMCN 4.0

Đạo Phật và vấn đề phát triển bền vững ảnh 2 Hàng nghìn thính giả tham dự các hội thảo chuyên đề tại VESAK 2019 trong suốt ngày 13/5 Ảnh: Như Ý.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.