Đánh cờ trên tuyết

Đánh cờ trên tuyết
TP - Chồng hiện ra trên ô cửa chat và chào tôi bằng hình mặt cười.

> Dục vọng
> Gà rán cuối tuần

“-Trông được không em

-Quá được, cái hình này vui đấy

-Làm gì vậy?

-Đang đọc tin trên mạng về hai ông già ở Tùng Nguyên, Trung Hoa cởi trần đánh cờ trên tuyết. Đánh được một ván nửa giờ lại ra sông bơi.

-Vui nhỉ.

-Quá vui đi ấy chứ.

Vậy thế nhé, cứ lang thang trên mạng đi nhé, anh bận rồi”.

Càng ngày trên chat yahoo messenger càng vắng người. Giờ dân trên mạng không thích chat nữa mà thích dùng facebook.Những thanh thiếu niên thì khá đông trên đó. Chúng kết bạn, vui đùa có vẻ thoải mái lắm.

Minh họa: Hoa y
Minh họa: Hoa y.

Còn những bọn lỡ cỡ, kiểu độ ba mươi tuổi trở lên và có gia đình như chúng tôi thì càng ngày càng cô đơn hơn. Gặp nhau thì ít vì quá bận rộn việc gia đình, lên mạng thì càng ngày càng thưa thớt.

Tôi ngồi chat với chồng khi rảnh. Bọn cùng văn phòng thì bảo đến khổ, giữ chồng qua mạng hả? Người ta ở với nhau cả ngày cả đêm rồi, hơi đâu mà chat chit với nhà cô?.

Tôi mỉm cười nhưng cảm thấy cô đơn…Ngay cả giữa đám đông như ở thành phố 10 triệu dân này, hay là ở trên cái mạng toàn cầu này vẫn cô đơn như thường. Chẳng biết nói gì với ai.

Hôm nay Vi gọi cho tôi, cô bạn học hồi xưa đã có con học năm thứ 3 đại học rồi. Vi nói nghe tin gì chưa? Tin gì? Hoàng lấy vợ rồi đó. Lấy ai? Lấy Ng.

Ng cũng là bạn học chung của chúng tôi. Chỉ khác khoa thôi! Cô ấy đã có 2 con lớn đùng, nhưng ly hôn. Sau đó tìm lại Hoàng và làm đám cưới. Hoàng nghe Vi kể đã mua được đất, xây được nhà.

Tôi cảm thấy vui, vì như vậy thì Hoàng là người cuối cùng trong đám chúng tôi đã có gia đình. Hoàng đã từng lưu lạc đến 15 năm liền, làm đủ thứ nghề, lang bạt kỳ hồ. Nay thế là an phận.

Tôi thì thấy Vi không vui. Cô ấy luôn thế. Không vui khi nhắc đến Hoàng, cô muốn cái gì đó ở anh ấy, luôn là hơn nhiều hơn những gì Hoàng có. Vì thế nên lại thất vọng… Có lẽ đó là người phụ nữ yêu Hoàng nhất.

Mặc dù hai người chẳng bao giờ sống được bên nhau. Vi là thế mà, đa đoan. Cái này cũng muốn mà cái kia cũng muốn.

Có lần Hoàng gọi tôi qua điện thoại và thốt lên cay đắng:Sao cô ấy không chịu lấy béng anh đi. Bỏ chồng thì không bỏ được mà cứ vấn vương làm gì. Như thế chỉ tổ làm khổ anh thôi.

Tôi cũng chẳng nói gì, cứ làm bung xung cho Vi trút nỗi lòng về đám cưới của Hoàng và Ng. Có nhiều chữ “Giá như” mà Vi chẳng nói ra được. Cô ấy buồn mà chẳng nói ra được.

Không hiểu sao tôi nghĩ rằng đám bạn học của tôi thực ra rất đáng quý. Để đến bây giờ mà mọi người còn yêu thương, lo lắng và hờn ghen với nhau như thế thì còn nhiều thâm tình gắn bó.

Nhưng Vi sẽ ngạc nhiên vì thái độ của tôi. Tôi chỉ cảm thấy mọi chuyện qua đi, trôi đi. Mà tôi thì nghĩ Hoàng đã thừa trưởng thành để tôi chẳng cần có ý kiến mà cũng không nên can thiệp gì. Tôi đã đi xa khỏi những suy nghĩ theo kiểu của Vi hay mấy đứa bạn học của tôi rồi.

Đời người có lẽ là những rắc rối vô tận. Trong mớ rắc rối đó, đến giờ này tôi nghĩ mình chỉ làm được hai việc. Một là lắng nghe để chia sẻ khi cần. Hai là im lặng và quan sát mọi người trong đời sống của họ.Thế thôi.

Bum, Bum, Bum. Anh lại hiện lên trên cửa sổ chat.

“-Này, hai cái ông già đó hay ra phết nhỉ? Ra ngoài trời mà cởi trần đánh cờ trên tuyết. Không biết vừa đánh có vừa hát ca gì được không?

-Đánh cái gì, có mà đánh hai hàm răng vào nhau cầm cập thì có, rét mà.

-Phục hai cụ thật. Liệu mình có làm được thế không nhỉ?

-Mình có tuyết đâu mà ra đó ngồi đánh cờ.

-Thì anh nghĩ khi già mình có thể đi sang đó ngồi trên tuyết mà đánh cờ chứ”.

Tôi tranh thủ mở mạng ra nhìn vào hình hai ông già ngồi đánh cờ trên tuyết. Rừng cây mùa đông trên đầu hai người đàn ông già trơ khấc cành màu xám. Tuyết trắng tinh. Trên thảm tuyết dày ngay ngắn bàn cờ và hai kỳ thủ thân hình gày guộc.

“-Này anh, trông như trong phim Tiếu ngạo giang hồ ấy nhỉ?

-Ừ”.

Tôi nhìn lại hai ông già và cảm thấy muốn khóc. Luôn là như thế, mình luôn thấy một điều gì đó đẹp đẽ và mình khao khát được sống như thế. Trời thì nóng bức thế này, kinh tế đang lao dốc thế này và ai cũng đang điên lên vì tiền trong khi phải cặm cụi ngồi ở công ty cho hết ngày.

Đêm thì lo sợ mất ngủ vì không biết ngày mai công ty có tồn tại nữa hay không. Và nếu không còn việc làm nữa thì mình sẽ đi đâu, các con sẽ ra sao? Đó là chưa kể biết bao thông tin mang tính “khủng bố” tinh thần như ông bầu X bị bắt, tổng giám đốc X sẽ vào nhà đá, thị trường lao dốc, vàng lao thang… Một cuộc sống khiến cho tôi đầy bất an.

“Mình muốn thay đổi lắm chứ nhưng mình lại chẳng làm được gì, nên đành ngồi bó gối ở đây…” - Tôi tự nói với mình thế.

Cũng như thực lòng tôi biết Hoàng là người đáng yêu. Nhưng chắc chắn Vi hay nhiều cô gái khác đều vuột khỏi Hoàng. Bởi vì đơn giản là mọi người sẽ chỉ yêu anh mà không thể cùng sống chung được. Hoàng là kiểu người bùng nổ.

Tôi nhớ anh đã từng bỏ học vài lần. Bỏ ở đây là bỏ luôn vì bất mãn với đời sống và gia đình. Cứ bỏ một đại học một thời gian, sau đó lại thi đậu vào một trường khác. Hoàng khá thông minh, thi là đậu. Nhưng Hoàng cảm thấy đời sống quá bức bối và chật chội nên khi nào cũng muốn phá tan nó ra.

Có hai kỷ niệm về Hoàng mà tôi nhớ rõ.Chán gia đình, trong khi hè và tết sinh viên đều trở về nhà thì Hoàng bỏ đi lang thang. Một lần Hoàng đi đến nhà bạn ở vùng núi Tây Bắc vào kỳ nghỉ hè. Còn kỳ nghỉ Tết thì leo lên một chuyến tàu và đi xuyên Việt (tất nhiên là trốn vé).

Hoàng kể: “Anh ở nhà cậu bạn, rồi vào rừng tình cờ gặp một bọn đẵn gỗ buôn bè.Thế là cả mùa hè anh ở trong rừng vừa đẵn gỗ, vừa phụ việc buôn bè với họ luôn.Họ chẳng hiểu sao một thằng như anh lại có thể làm những việc nặng nhọc thế.Anh lúc nào cũng là “bạch diện thư sinh”, thân hình thì lẻo khẻo mà lại mang kính cận dày đến 8 diop. Này, cái bọn buôn gỗ ấy vui lắm nhé. Mà chẳng cần ai dối gạt ai, họ sống như cây cỏ trong rừng ấy.

Đó là mùa hè. Còn đến Tết, anh lên tàu đi chơi suốt. Ở trên đó người ta cũng chia bánh kẹo cho ăn. Rồi cứ lang thang thế mà lần hồi anh vẫn sống. Đêm 30 Tết anh ở trên tàu đón Giao thừa ấy.

Thực ra khi đó anh buồn lắm, anh khóc, vì anh giận ba quá. Nhưng khóc xong anh lại thấy vui. Cảm giác nằm trên toa tàu rộng mênh mông ấy và lao đi trong đêm tối hay lắm. Như là mình nằm trên một quả tên lửa, rồi bum một cái, nó phóng lên vũ trụ…

Hoàng bảo cả mùa hè và mùa Tết năm đó anh thấy thoải mái lắm, vì anh được tự do”.

Khi ấy tôi chỉ 17 tuổi. Hoàng hơn tôi 2 tuổi.

19 tuổi, anh thấy cuộc sống ấy là tự do. Anh lang thang và thoát khỏi mọi nguyên tắc và ràng buộc của đời sống thời đó. Còn tôi, Vi hay cả Ng nữa, tất cả cặm cụi học hành, nghe lời thầy cô bảo ban, sinh hoạt đoàn, cắm trại, viết báo cáo và kiểm điểm định kỳ.

Hết học kỳ, nếu chúng tôi nghe thấy được sinh viên tiên tiến và lĩnh học bổng (cho dù nó thực sự quá ít ỏi) là vui rồi. Hàng ngày thì đối phó với việc đi xách nước tắm vì thiếu nước trầm trọng, điện thì không có nên sinh viên học bằng đèn dầu, và đói mờ cả mắt. Hè và Tết thì về nhà với cha mẹ. Hết mùa nghỉ thì về trường, tiếp tục guồng quay.

Đời sống của chúng tôi trơn tru trôi đi theo nhịp bánh xe. Nhưng Hoàng không chịu được điều đó. Mỗi lần Hoàng bị đuổi học, chúng tôi lại đau khổ.

Tại sao cả đám như thế mà chỉ mình anh cứ lên thác, xuống ghềnh. Thế này thì làm sao bây giờ? Về trường cũ thì biết ăn nói với ai? Ngay cả chơi với Hoàng khi đó cũng cực kỳ nguy hiểm. Tại sao các bạn thế này mà lại chơi với một thanh niên chậm tiến…?

Nhưng cũng như bây giờ, tôi biết cả đám bạn này, trong đó có Ng và nhất là Vi, các cô luôn gắn bó với anh. Họ sẽ yêu anh trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đơn giản vì anh là người đàn ông duy nhất mà ở sâu thẳm bên trong họ thèm muốn. Anh mạnh mẽ, tự do và tự chịu trách nhiệm về mọi thứ mà mình gây ra cho đời mình.

……

Lần này tôi không chờ chồng tôi hiện ra ở cửa sổ chat nữa, tôi gọi anh vài lần Bum, Bum, Bum.

“-Gì vậy em?

-Tại sao đến lúc già mình mới đi đến chỗ hai ông già đánh cờ trên tuyết?

-Em định đi bây giờ ư?

-Vì sao mình không thể đi? Nếu ở đây em sẽ phát điên mất. Cuộc sống này sẽ nuốt chửng cuộc đời của hai ta. Sáng cắp ô đi, tối cắp về. Có lẽ mình vô bổ đến nỗi mình sẽ mòn như cái cán ô ấy.

-Điên à.

-Sao mình lại không điên ít nhất một lần.

-Thì cô thích cứ điên lên, tôi không làm thằng điên được.

-Huhuhu, cáu rồi.

-Ừ, để anh làm việc nhé, bận rồi, vợ với chả con”.

Có thể là tôi sắp muốn điên trong cái không khí chậm rề rà này. Ở đâu họ cũng râm ran mọi chuyện. Toàn là tin đồn. Đủ loại tin đồn trên vỉa hè, trong quán ăn và cả trên mạng. Nhiều khi thấy đám đông sôi lên sùng sục. Nhưng mà rồi lại nguội ngắt rất nhanh.

Đơn giản đây chỉ là các cuộc đấu khẩu, mà phần ưa thích nhất là đấu khẩu ảo. Vì ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe… Nếu có một cú nào đó, kiểu như ném một tảng đá to xuống ao bèo, thì bèo lại tan tác cả ra. Rồi tụ lại, rồi tan tác ra. Nhưng cái ao tù nước đọng này vẫn tù đọng như thế. Có gì thay đổi đâu. Mòn mỏi, day dứt, nhức nhối, nhưng đành im lặng và chịu đựng.

Chồng tôi bảo ai mà chẳng mong thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào? Ai mà biết được. Khủng hoảng ầm ầm bên Tây, bên Mỹ còn đang chết dở đây.

Bao giờ cái vụ khủng hoảng chết tiệt này thay đổi cho gia đình mình đỡ khổ thì nào ai mà biết được. Mình cũng chỉ là bọn hèn yếu vì cơm áo gạo tiền thôi. Mà khủng hoảng thì nó như bão ấy chứ, nó ập đến. Mình sống sót là may rồi.

Tôi bảo thế thì sao nhỉ? Vì sao lại có anh hùng? Họ là những người coi thường sinh mạng của mình. Họ sẵn sàng làm những gì tốt đẹp để thay đổi cuộc sống cho mọi người. Vì sao lại có vĩ nhân? Vĩ nhân có thể thay đổi cả thời đại, cả vận mệnh dân tộc họ ấy chứ. Mình thì chỉ có đi chơi một chuyến cho bõ mà còn chẳng làm được.

Chồng tôi lại cáu, anh bảo em đúng là rách việc, thế gian này thiếu anh hùng, chẳng qua một lũ nửa khùng nửa điên.Liệu mà lo sống đi cô. Con đang đói nhăn răng ra kia kìa. Muốn anh hùng phải chờ, muốn vĩ nhân phải đợi, phải lâu lắm. Vì mình chờ mãi có thấy cái quái gì đâu? Đi chơi thì phải có tiền, hão huyền quá. Mình cũng còn tiền, nhưng mang ra tiêu hết cho chết luôn thể nhé?

Tôi cũng thấy có lẽ mình đã quẫn trí vì quá lo lắng. Thành thử tôi cứ quẩn quanh với việc thèm khát cái gì đó, kiểu ung dung tự tại như hai ông già đánh cờ trên tuyết.

Nhưng mà tôi cũng biết là dù ở xứ nóng rang người đến 37-38 độ này thì mơ đến tuyết là đúng rồi nhưng lại là chuyện xa vời quá. Lại còn cánh rừng. Lại còn hai con người ung dung tự tại đó nữa. Đúng thật hoạt cảnh thiên đường.

Chuông điện thoại reng, lần này con gọi.

“-Mẹ ơi, cho con đi lặn biển nhé, hè rồi mà.

-Nhưng con có biết bơi đâu.

-Thì con sẽ tập. Mẹ sao nhát thế nhỉ.

-Để mẹ về mẹ bàn với con nhé, học đi cu Bum của mẹ, ngoan nhé.

- Vâng, con học xong sẽ vẽ luôn tranh mọi người đang tập lặn biển cho mẹ xem”.

Ôi trời, tưởng gì hóa ra lại đòi đi lặn biển. Sao thằng bé lại thích lặn biển nhỉ? À, chắc nó đã xem phim người nhái lặn biển hôm qua. Nó luôn thích biển từ khi còn nhỏ tí và cứ ra biển là nó muốn sẽ trở thành nhà khám phá đại dương. Đúng là vui thật.

Mỉm cười vì con, tôi chợt nhớ rằng hình như hồi mang thai nó, tôi đã ra Hòn Mài Mại nghỉ ngơi suốt một tháng ròng. Khi đó hàng ngày nhìn thấy thân hình của các chàng thợ lặn với sự khỏe khoắn, nước da bóng như mun và nụ cười chói sáng trên gương mặt, tôi đã thèm muốn vô cùng.

Giá như mình được sống như thế, khỏe mạnh như thế, cười giòn tan và chói sáng như thế. Giá như mình sẽ luôn ở đáy biển như thế, hay chí ít cũng bay lên trời như phi công ấy… Có thể niềm khao khát mãnh liệt ấy đã truyền vào cu Bum chăng? Thôi, tan sở rồi, về với cu Bum để xem nó vẽ tranh thế nào vậy.

Truyện ngắn của
Vương Biên Hương

Thế giới vần xoay trong khi hai cụ già đánh cờ và bơi trên sông giữa mùa đông giá lạnh. Thế giới vần xoay khi một người phụ nữ ngồi nhớ lại những người bạn với các số phận khác nhau đang lướt qua ngày tháng đời mình. Và dù thế giới có xoay vần thế nào, thì vẫn có một đứa bé mơ về những ngày nắng đẹp cho nó đi lặn biển.

Đánh cờ trên tuyết ảnh 2

Đây là một truyện ngắn chỉ có thể cảm thấy chứ không thể nắm bắt với những cốt truyện, những tình tiết, những nhân vật. Cảm thấy rất rõ nhưng vẫn hư ảo – đó cũng là cách mà chúng ta cảm thấy, thông qua chiêm nghiệm, về thời gian và về đời người.

Đọc truyện ngắn và thơ của Vương Biên Hương, khó có thể hình dung nghề nghiệp của tác giả ngoài đời: kinh doanh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.