Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh chủ quyền Điếu Ngư/Senkaku chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. |
Ngày 28-9, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba ở New York bên lề phiên họp 67 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton khuyên Nhật Bản hành động "thận trọng" trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời tuyên bố, Mỹ không có ý định can thiệp vào các cuộc tranh chấp xảy ra trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như không đóng vai trò trung gian hòa giải trong vụ tranh chấp này.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, cả Bắc Kinh lẫn Tokyo đều nhận thức tầm quan trọng trong mối quan hệ của họ và Washington tin rằng đối thoại sẽ đem lại những kết quả tích cực; cho rằng sẽ là khôn ngoan khi gác tranh chấp lãnh thổ sang một bên khi "vấn đề này quá khó để giải quyết".
Khi giới chức Tokyo vẫn đang tỏ rõ sự thất vọng trước những tuyên bố “thiếu trách nhiệm” của Washington đối với đồng minh, ngày 29-9, Washington Post và New York Times, hai tờ báo bán chạy hàng đầu nước Mỹ, tiếp tục khiến Tokyo choáng váng khi đăng tải bài quảng cáo về “chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư”, đúng thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại New York để dự họp đại hội đồng Liên Hợp Quốc,
Được biết, để có 2 trang giữa in màu này, tờ báo tiếng Anh chính thức của Trung Quốc là China Daily đã phải bỏ ra 250.000 USD theo bảng giá quảng cáo để đăng quảng cáo "chủ quyền Điếu Ngư".
Ngoài ra, tờ Washington Post số ra cùng ngày cũng đã đăng một trang quảng cáo khổ lớn do China Daily mua để đăng nội dung "Trung Quốc phản đối các thỏa thuận bí mật với Mỹ về quần đảo này".
Ngay lập tức, Đại sứ Nhật Bản tại Washington, Ichiro Fujisaki ra tuyên bố, quảng cáo như vậy mang tính một chiều, và nhấn mạnh: “Kiểu quảng cáo này rất có vấn đề. Nó cho thấy các báo trên đã thiên vị Trung Quốc”.
New York Times đăng quảng cáo về “chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Điếu Ngư”. |
Một loạt động thái bất ngờ trên của Mỹ tưởng như là những bảo đảm cho những cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhân chuyến công du châu Á hồi trung tuần tháng 9-2012, khi đó trong bài phát biểu trước các sĩ quan trẻ Trung Quốc hôm 19-9, Bộ trưởng Panetta không dưới một lần trấn an Bắc Kinh về nỗi quan ngại của nước này trước sự can thiệp của Mỹ vào cuộc tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư cũng như kế hoạch quân sự của Mỹ trong khu vực, khẳng định: Washington sẽ giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hiện nay ở khu vực.
Bắc Kinh bày tỏ thái độ lạc quan, Tokyo phản ứng, thì 24h sau đó, ngày 30-9, trên trang mạng của Hải quân Mỹ, đưa tin Washington điều tàu sân bay USS John C.Stennis (CVN 74) đến Guam, tập kết với tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) vừa kết thúc cuộc diễn tập Valiant Shield-2012.
Ngay lập tức, giới phân tích Bắc Kinh hiểu rằng, hành động của Washington có thể coi là động thái để gây sức ép với Trung Quốc, cũng như sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột Trung Quốc - Nhật Bản tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Trước đó, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell, tuyên bố: Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền đối với những hòn đảo nhỏ đó. “Tuy nhiên, trên thực tế, Nhật Bản đang nắm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku và vì vậy, quần đảo này chắc chắn vẫn nằm trong phạm vi Điều khoản 5 của Hiệp ước An ninh”, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.
Theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật nêu rõ, “mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình, và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.
Trong khi đó, Điều 6 của Hiệp ước quy định: “Vì mục đích đóng góp cho an ninh Nhật Bản và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông, các lực lượng hải lục không quân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được trao quyền sử dụng các cơ sở và khu vực ở Nhật Bản”.
Như vậy, dẫu lạc quan tới mấy, Bắc Kinh không thể không lo lắng trước sự hiện diện của hai trong số những hàng không mẫu hạm nổi tiếng nhất của Hải quân Mỹ tại căn cứ Guam, khi mà điểm nóng Senkaku/Điếu Ngư chưa xuất hiện những dấu hiệu hạ nhiệt.
USS John C.Stennis (CVN 74) và USS George Washington (CVN 73) tập kết tại đảo Guam . |
Tổng biên tập tạp chí Moscow Defence Brief, ông Vasily Kashin, Ông Vasily Kashin nhận định: Trước khi USS John C.Stennis tới Guam, Mỹ đã duy trì trong khu vực một lực lượng bao gồm tàu sân bay George Washington, lực lượng Thủy quân lục chiến ở Okinawa, không quân, quân đội ở Hàn Quốc. Nghĩa là ở ngay sát những quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Mỹ có các lực lượng khá lớn, trong đó có một cụm tàu sân bay tiến công, mà trong trường hợp có nguy cơ xung đột, có khả năng trong vài giờ là có mặt khu vực chiến sự và tham chiến, tuy nhiên, “với riêng Senkaku/Điếu Ngư, không có động thái nào cho thấy, Mỹ đã sẵn sàng cho cuộc xung đột xảy ra”.
Một mặt không muốn tạo căng thẳng quá mức với Trung Quốc bởi mối quan ngại về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ, mặt khác là sự ràng buộc về Hiệp ước An ninh với Nhật Bản một khi cuộc xung đột Nhật Bản – Trung Quốc nổ ra, có vẻ như, Senkaku/Điếu Ngư đang bị Washington biến trở thành ván cờ, giữa một bên là Tokyo, một bên là Bắc Kinh, tuy có gay cấn, nhưng Mỹ lại chủ thế cờ hòa.