Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton, đã gặp gỡ Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev. “Hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề bao gồm hiệp ước vũ khí, Syria, Iran, Triều Tiên và chống khủng bố”, đài CNN trích dẫn một dòng tweet của Đại sứ quán Mỹ tại Nga trên Twitter.
Hôm thứ Hai, chính phủ Nga nói họ buộc phải có các biện pháp nếu Mỹ bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa mới, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ra đời từ năm 1988, được ký kết giữa Liên Xô (sau này là Nga) và Mỹ dưới thời Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Ronald Reagan. Theo các điều khoản của INF, Nga và Mỹ bị cấm sở hữu, sản xuất hoặc thử nghiệm các tên lửa hạt nhân phóng đi từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Theo DW, ông Bolton đã hội đàm gần 5 giờ với ông Patrushev và tiếp tục nêu quan điểm của phía Mỹ rằng Nga đã không tuân thủ hiệp ước.
Ông Bolton và ông Patrushev cũng thảo luận về khả năng gia hạn thêm 5 năm đối với hiệp ước kiểm soát vũ khí START, sẽ hết hạn vào năm 2021, theo thông báo của Hội đông An ninh Liên bang Nga.
Hôm thứ Hai, chính phủ Nga phản bác cáo buộc của phía Mỹ rằng họ đã vi phạm INF nhưng cũng nói sẵn sàng hợp tác với Washington để cứu vãn hiệp ước này, Hội đồng An ninh Liên bang Nga tuyên bố sau cuộc gặp giữa ông Bolton và ông Patrushev.
Vì sao Mỹ đề cập Trung Quốc khi nói về INF?
Theo nhà phân tích quân sự người Đức Pavel Felgenhauer, sự kiện cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton gặp Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev khó có thể dẫn tới một bản hiệp ước mới, được cải tổ. Ông cho rằng Trung Quốc, quốc gia ông Trump đề cập trong các tuyên bố liên quan đến khả năng Mỹ rút khỏi INF, sẽ không chuẩn bị để tham gia một hiệp ước tương tự trong tương lai.
“Hiệp ước hầu như bị coi là đã chết”, ông Felgenhauer nói với DW. “Nay chúng ta lại có một cuộc chiến tranh lạnh mới. Vì thế, những hiệp ước giúp chấm dứt Chiến tranh lạnh trước đây nay không còn tương thích, bởi chúng được sinh ra cho một tình thế hoàn toàn khác hiện nay”. Cũng theo phân tích của ông Felgenhauer, việc Mỹ rút khỏi INF vẫn là một bước lùi. Ở thời điểm hiện tại, “có vẻ như một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể khởi phát bất cứ lúc nào”, ông nói.
Nhưng liệu có phải Mỹ cảm thấy lo lắng vì sự tiến bộ trong nghiên cứu và sản xuất vũ khí của Nga và Trung Quốc để đi đến quyết định rút khỏi INF?
Theo cựu hạ nghị sỹ Mỹ Ron Paul, Mỹ đã bão hòa về vũ khí và không cần sản xuất thêm các phương tiện hạt nhân mới. Ông nói với đài RT của Nga rằng ông không tin (trong trường hợp) Mỹ rút khỏi INF là để củng cố và tăng cường khả năng an ninh.
“Hành động đó có nghĩa là chính phủ Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quân sự muốn sản xuất nhiều vũ khí hơn, lý do là vì người Trung Quốc. Người Trung Quốc đang sản xuất đủ loại vũ khí, tại sao chúng tôi lại không?”, ông Paul nói.
Nhưng cựu hạ nghị sỹ Ron Paul không cho rằng lấy Trung Quốc làm cái cớ để sản xuất thêm hàng loạt vũ khí là điều đúng đắn. “Chúng tôi có đủ vũ khí, không những đủ để tự hủy hoại nước Mỹ mà còn đủ để hủy hoại thế giới 10 lần và không phải lo về chuyện thiếu. Nếu nước Mỹ rút khỏi hiệp ước thì chắc chắn không phải là chuyện đó”, ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm qua tuyên bố Nga và Mỹ có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề chiến lược. “Hiện nay đang có rất nhiều thứ trên thế giới có thể xử lý thông qua hợp tác, trong đó có các vấn đề chính yếu trong ngăn chặn hạt nhân, xử lý các xung đột lớn vốn tồn tại bấy nay”, ông nói trong cuộc gặp với cố vấn Mỹ John Bolton hôm qua, theo TASS. “Tôi nghĩ hôm nay chúng ta có cơ hội thảo luận các vấn đề đó”.