Ngày 19/6/2002, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định về việc mở rộng Khu di tích lịch sử Lam Kinh từ 141 ha lên 200 ha. Trong đó, UBND huyện Thọ Xuân có nhiệm vụ tổ chức di dời dân, mồ mả trong khu di tích và giải phóng mặt bằng. Theo quy hoạch mở rộng. Khu di tích Lam Kinh, có 31 hộ dân thuộc thôn Phúc Lâm, xã Xuân Lam nằm trong diện di dời đến nơi TĐC để giải phóng mặt bằng cho khu di tích.
Năm 2004, UBND huyện Thọ Xuân kiểm kê tài sản, đất đai và khu TĐC mới cách khu đất các hộ dân đang ở hơn 500m cũng được giải phóng mặt bằng. Nhưng cũng từ khi kiểm kê tài sản, các hộ dân nơi đây vẫn phải sống trong những ngôi nhà xuống cấp, chờ sập mà chưa được chuyển đến nơi ở mới. Hệ thống điện, nước, vỉa hè, đường sá không được đầu tư nâng cấp khiến cuộc sống của các hộ dân hết sức khó khăn. Có hộ dân phải rời đi nơi khác ở tạm...
Bà Đỗ Thị Minh (thôn Phúc Lâm) có nhà xuống cấp, mái có nguy cơ sập bất cứ khi nào. Bà nói: Đã 15 năm trôi qua kể từ khi kiểm kê tài sản, nhà cửa nhưng đến nay người dân vẫn chưa được đền bù đến nơi ở mới. Chúng tôi đề nghị cấp trên, nếu đi thì trả lời cho người dân biết, nếu không đi thì cũng trả lời cho dân để chúng tôi còn nâng cấp, sửa chữa lại nhà ở”.
Vừa qua, sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của công dân về việc trên, UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp UBND huyện Thọ Xuân rà soát, báo cáo kết quả và kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh trong tháng 10.
Theo UBND huyện Thọ Xuân, kiến nghị của các hộ dân là chính đáng, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa bố trí nguồn kinh phí và giao địa phương là chủ đầu tư để tổ chức thực hiện đền bù, di dời 31 hộ dân khỏi vùng quy hoạch Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Theo báo cáo ban đầu của Ban quản lý di tích lịch sử Lam Kinh về kết quả kiểm tra, rà soát các hộ bị ảnh hưởng nằm trong quy hoạch mở rộng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (giai đoạn 1), còn lại 97 hộ. Trong đó, 31 hộ dân ở thôn Phúc Lâm đã có đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh và 66 hộ dân ở thị trấn Lam Sơn.