Dân ngạt thở vì 60 trại chăn nuôi trong thôn

0:00 / 0:00
0:00
Một mương nước màu đen, bốc mùi hôi thối, nằm phía sau trại nuôi heo
Một mương nước màu đen, bốc mùi hôi thối, nằm phía sau trại nuôi heo
TP - Thôn Nam Tiến (xã Ea Pô, huyện Cư Jút, Đắk Nông) có tới 46 trại nuôi heo (lợn), 17 trại nuôi gà quy mô lớn, chưa kể nhiều trại khác đang được gấp rút thi công. Người dân “kêu trời” vì không chịu được mùi hôi thối, có hộ phải bán nhà, bán rẫy đi nơi khác.

Tháo chạy vì ô nhiễm

Ngậm ngùi bán hơn 4 héc-ta đất rẫy có nhà ở với giá thấp so với thị trường, chị N.T.P. (thôn Nam Tiến) cho biết, đường cùng mới phải bán tháo, bán lỗ đi nơi khác sống. Chị P. mua khu đất trên cách đây 4 năm và dồn nhiều công sức tiền của trồng hồ tiêu, cây ăn trái… Thế nhưng, chăm cây gần đến ngày hái quả thì trại heo của nhà ông Tính “mọc” lên, cách rẫy nhà chị hơn 200m. Từ đó, gia đình chị, đặc biệt, các con nhỏ bị tra tấn bởi mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm.

“Họ xây hầm biogas ngay mương thoát nước, giáp đất nhà tôi. Không biết họ xử lý phân heo như thế nào mà nước thải chảy ra mương đen ngòm. Chưa kể, các cánh quạt thông gió trại heo cứ đẩy hết mùi hôi sang phía nhà tôi. Tôi đã nhiều lần phản ánh với ông Tính nhưng chủ trại heo cứ hứa hẹn khắc phục rồi để đó. Nước giếng bị nhiễm bẩn, nhà tôi không chịu nổi cảnh này nên chấp nhận bán nhà, rẫy với giá lỗ vốn, đi nơi khác sinh sống”, chị P. kể.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh T.V.T. nhà gần 4 trại nuôi heo. Gia đình anh ở đây gần 10 năm. Các trại heo trên cách đất nhà anh khoảng 600-700m tính theo đường chim bay. Từ ngày có trại heo, cuộc sống gia đình anh T. bị ảnh hưởng nặng nề. “Chủ thường xây trại ở các khu vực đồi cao, có khe rãnh, mương thoát nước…Họ còn đào các ao lớn gần trại heo để chứa nước thải nhưng không phủ bạt che chắn nên ô nhiễm không khí nặng”, anh T cho hay.

Quá trình đi thu thập thông tin, PV tận thấy những mương nước đen ngòm, nồng nặc mùi phân heo. Cạnh đó, nhiều ngôi nhà, khu rẫy phải treo bảng “cần bán gấp nhà, bán rẫy”. Phía xa, những trại heo quy mô lớn đang dần hình thành.

Ngày 4/5, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết, vừa lập đoàn xác minh, làm rõ nguyên nhân khiến nước suối thuộc địa phận thôn 2, xã Ea Huar bị đổi màu, cá chết hàng loạt. Khu vực này có 3 trại nuôi heo quy mô lớn, cơ quan chức năng đã lấy mẫu kiểm tra quan trắc môi trường, tìm nguyên nhân gây nên tình trạng trên.

Chính quyền không biết?

Ông Đinh Công Điều, Trưởng thôn Nam Tiến cho biết. toàn xã có khoảng 276 hộ, gồm cả người dân thuộc 2 khu tái định cư (Cty cao su Đồng Phú, Thủy điện Sêrêpốk 3). Trại heo xuất hiện đầu tiên trên địa bàn từ năm 2016, đến nay tăng lên con số 46 (mỗi trại nuôi khoảng 1.200 con, rộng trên héc-ta); chưa kể 16 trại gà quy mô cũng không kém. Theo địa giới hành chính, các trại chăn nuôi nằm ngoài khu dân cư nhưng chỉ cách nhà dân có vài trăm mét tính theo đường chim bay. Do đó, dù trại nằm trong hay ngoài khu dân cư mà số lượng trang trại lại “khủng” đến thế nên không thể tránh được mùi hôi. Ông Điều cũng bày tỏ lo lắng khi nhiều trại chăn nuôi đang được xây dựng, sắp đưa vào hoạt động.

“Nắng hay mưa thì mùi hôi cứ xộc vào mũi 24/24 giờ, bịt 3 cái khẩu trang vẫn không hết mùi. Dân kêu, tôi chỉ còn cách báo lên lãnh đạo xã nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”, ông Điều nói và cho biết thêm, năm 2020, trại heo nhà ông Đoàn làm tràn nước thải xuống ruộng khiến gần 3 héc-ta lúa của người dân bị hư hại. Dân làm đơn kiện, cán bộ xã cùng đoàn công tác xuống làm việc, sau đó, chủ trại đồng ý hỗ trợ 1,5 triệu đồng/sào, số tiền quá ít so với chi phí đầu tư cũng như việc họ phải bỏ ruộng ít nhất 1-2 năm mới có thể gieo lại.

Đáng nói, trong số các trại heo bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường, có trại heo của ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Pô. Ông D.Q.D. (công dân xã Ea Pô) gửi đơn tố cáo đích danh vị phó chủ tịch xã có hành vi phá hoại cây trồng (cây sắn) trong quá trình đặt ống dẫn thoát nước thải, xả phân heo vào đất của ông… Đơn của ông D. đã gửi đến lãnh đạo xã Ea Pô và được UBND xã này lập đoàn xác minh, xử lý nhưng ông D. cho rằng không thỏa đáng đã gửi đơn lên UBND huyện Cư Jút. Trao đổi với PV, ông Bình thừa nhận có sự việc trên, tuy nhiên đó là “bôi nhọ cán bộ”. Ông cũng muốn làm sáng tỏ chuyện này. Hiện Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã vào cuộc.

Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho hay, chưa nhận được đơn thư của người dân (kể cả đơn thư liên quan đến ông Bình) về việc trại heo gây ô nhiễm môi trường!? Ngoài ra, vị chủ tịch này chia sẻ, việc cho phép xây dựng các trại chăn nuôi thuộc thẩm quyền của cấp huyện, cấp tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Ea Pô Lê Quang Hòa cũng khẳng định chưa nhận thông tin phản ánh trại heo gây ô nhiễm, đồng thời cho biết, nếu nhận sẽ yêu cầu xử lý ngay. Ông Hòa nói thêm “rất lo” về vấn đề ô nhiễm môi trường nếu cấp trên cho đầu tư nhiều trại chăn nuôi trên địa bàn xã Ea Pô nhưng không được kiểm soát chặt chẽ.

MỚI - NÓNG