> Sạt lở bờ sông Hậu đe dọa QL91
Sạt lở nghiêm trọng
Để sang được xã đảo Minh Châu phải đi bằng phà. Hiện chưa vào mùa mưa lũ nhưng nước sông Hồng đã chảy xiết, lấn sâu vào đất bãi Minh Châu gây tình trạng sạt lở (ảnh) với chiều dài khoảng 1km.
Bà Phương Thị Mạo, ở xóm 7 cho biết: “Khu vực này bắt đầu lở mạnh từ khi cơn bão số 3 năm 2011. Năm nay, sau Tết đã thấy hiện tượng sạt lở, nhưng nghiêm trọng nhất là vào dịp cuối tháng 2 đầu tháng 3 vừa qua. Từ năm ngoái đến nay sạt lở đã ngoạm sâu khoảng 20m đất của dân bờ sông hiện chỉ cách công trình phụ nhà tôi khoảng 1m”.
Cạnh nhà bà Mạo là gia đình ông Nguyễn Danh Đỗ, thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sau nhiều năm sống trong nhà tranh vách đất, gia đình ông mới được hỗ trợ xây nhà ngói, nay lại đứng trước nguy cơ mất nhà vì lở đất.
Bà Mạo cho biết thêm, trước đây gần nhà bà cũng có nhiều gia đình khác phải chuyển đi, chỗ ở của họ nay đã là mặt nước mênh mông, đục ngầu.
Đường vào cổng nhà anh Nguyễn Danh Được (ở xóm 6) cũng bị nứt, gia đình phải đắp đất, đổ bê tông để bảo vệ cổng trước mùa mưa lũ năm nay.
Mẹ anh Được (gần 80 tuổi) cho biết: Trước đây, đất bãi rất rộng, nay mép sông đã sát cổng nhà. Mấy năm nay, nước đều tràn tới cổng nhà vào dịp mưa lũ.
Ông Phương Văn Trò, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu cho biết: “Tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất xảy ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3. Hiện có khoảng 10 hộ cần phải di dời nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn ra.
Nếu không được kè khẩn cấp thì đợt lũ tiểu mãn sắp tới sẽ tiếp tục gây sạt lở vào khu dân cư”.
Được biết năm 2009, UBND TP Hà Nội đã cho triển khai kè chân bờ sông nhằm giữ đất sản xuất cho người dân xã Minh Châu. Tuy nhiên, do chỉ kè hộ chân để hạn chế sạt lở chứ chưa làm mái nên từ năm 2011 tại đây tiếp tục bị sạt lở.
Theo lãnh đạo xã Minh Châu, một trong những nguyên nhân gây sạt lở là do dòng chảy thay đổi, xoáy vào bờ xã Minh Châu. Còn theo các cơ quan chuyên môn, ở xã đảo này hút cát trái phép nhiều nên gây sạt lở.
Ông Phương Văn Trò cho biết, trước đây xã có 3 thôn, nay dân ở một thôn đã chuyển vào thị trấn Tây Đằng sinh sống.
Từ năm 1995 đến nay, có khoảng hơn 500 hộ chuyển đi các vùng kinh tế mới. Hiện dân số của xã có khoảng 7.000 khẩu, 1.400 hộ.
Tính từ năm 1995 đến nay, xã Minh Châu đã bị lở mất 150ha, sau đó có bồi lại một phần đất nhưng không đáng kể.