Tranh phong cảnh Đặng Tiến như thơ. Thế nên, một vị giám tuyển có tiếng đã bình rằng: “Tranh của Tiến tĩnh lặng và trong vắt như vừa sau cơn mưa, hòa sắc cũng ấm áp, sáng sủa nhưng ẩn phía sau là tâm trạng man mác và cô liêu”. Nhưng đàn bà bước vào tranh Đặng Tiến lại không như thơ, như mơ. Đương nhiên, như bao nhiêu họa sỹ, họa sỹ đất Cảng thích vẽ chị em trong trạng thái khỏa thân.
Có những họa sỹ, như danh họa Hồ Hữu Thủ của Sài Gòn khi vẽ đàn bà lại muốn họ đẹp hơn đời thực, như bước ra từ cõi đào nguyên. Còn nhìn tranh nude của Đặng Tiến thì đa phần đàn bà được an ủi. Vì Đặng Tiến không tô hồng phụ nữ, thậm chí còn làm quá lên. Đừng tìm Thúy Kiều trong tranh nude Đặng Tiến: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” (Truyện Kiều- Nguyễn Du). Bởi nude của Đặng Tiến gần với văn xuôi, thậm chí không phải dòng văn xuôi lãng mạn, mà là dòng hiện thực.
Chủ trương của họa sỹ ăn khách khi vẽ nude là gì? “Tôi thích bóp hình”, anh nói. Thế nào là “bóp”? Thì đây, giải thích của Đặng Tiến: “Gọi là bóp, chính là làm rõ hơn, hoặc cường điệu chút cho bật các nét hấp dẫn”. Các nét hấp dẫn ở đàn bà khỏa thân ai cũng hiểu, không cần giải thích thêm. Đặng Tiến không bỏ quên, hay đối đãi thiếu công bằng với những chi tiết trên thân thể đàn bà. Anh nâng niu như nhau. Xem tranh của Đặng Tiến những ai là nạn nhân của trò “body shaming” (miệt thị ngoại hình) hẳn sẽ rũ bỏ ám ảnh về cơ thể mình cùng những lời miệt thị.
Họa sỹ Đặng Tiến
"Không ít người xem nude, chỉ nhìn cô/người đàn bà trong tranh có đẹp không (theo tiêu chí hoa hậu), mà họ quên mất là đang xem một tác phẩm tạo hình. Cái đẹp ở đây là nhịp điệu, đường nét và chất tạo hình mà họa sỹ thể hiện chứ không phải cái đẹp của tiêu chí thi hoa hậu. Hai cái đẹp này khác nhau. Ví như khi xem tranh một họa sỹ nào đó vẽ một người ăn mày, một lão nông dân nghèo... hay một con quỷ, người ta vẫn thấy đẹp. Cái đẹp của nghệ thuật tạo hình mang nghĩa rộng hơn", Đặng Tiến chia sẻ.
Đặng Tiến quan niệm thế nào về phụ nữ đẹp? Dưới con mắt của họa sỹ, phụ nữ đẹp không phải ở “chỉ số vàng”, quan trọng là nét duyên ở nàng ấy. Mà nét duyên chỉ có thể cảm, khó có thể phân tích rạch ròi. Về điều này, Đặng Tiến gần ca dao Việt “Một thương tóc bỏ đuôi gà/Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/Ba thương má lúm đồng tiền/Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua”. Đàn bà trong tranh Đặng Tiến có duyên không? Câu trả lời tùy thuộc cảm nhận của mỗi “thượng đế”. Nhưng chắc chắn một điều, nude Đặng Tiến có “chất” riêng, đọng ấn tượng. Không phải những bức nude đèm đẹp, ngắm một lần, lại lạc lối quên.
Họa sỹ coi việc vẽ nude là một cuộc dạo chơi mang tính giải trí hay là một hoạt động sáng tạo nghệ thuật nghiêm khắc? Đặng Tiến khẳng định: “Không bao giờ là giải trí, là vui. Đã vẽ phải nghiêm túc. Có khi hỏng nhiều giấy mới được một bức mà thôi”. Trước đây, vẽ đàn bà nude, Đặng Tiến thường sử dụng chất liệu sơn dầu. Gần đây, anh vẽ bột màu, mực… đủ cả. Anh cũng không nhớ mình đã vẽ bao nhiêu đàn bà khỏa thân. Bởi đâu chỉ tết đến, xuân về, họa sỹ mới vẽ nude. Anh vẽ nude nhiều năm nay. Tất nhiên, mùa xuân vẫn là khoảng thời gian rực rỡ nhất để người nghệ sỹ thăng hoa trong cảm hứng về đàn bà.
Tranh phong cảnh của Đặng Tiến rất “đắt hàng”. Tranh nude của anh cũng được “thượng đế” thương. Khách hàng đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề. Không ít phụ nữ đã sở hữu tranh nude của Đặng Tiến. Mới rồi, anh góp một bức nude cho một hoạt động từ thiện. Người mua tranh chính là một cô gái Hải Phòng đang sống tại Pháp. Có phải ngắm tranh Đặng Tiến giúp chị em yêu mình hơn, yêu đời hơn?