Đám cưới cùng những âm thanh, màu sắc đặc trưng đã phần nào xua bớt không khí ảm đạm nặng màu chết chóc trong vùng.
Song Hà là một làng cổ nằm ven sông Mân, trong trận động đất kinh hoàng hôm 12/5 phần lớn nhà trong thôn đều sụp đổ, những căn còn lại đều nứt nẻ, nghiêng ngả, có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
Bây giờ tất cả dân làng còn sống đều ở trong dãy lều cứu hộ chuyên dụng màu xanh nằm trải dài ven sông.
Từ trưa 31/5, giữa đám lều xanh ấy xuất hiện một căn lều vải màu trắng có dán chữ Song Hỉ ở bốn phía. Cặp uyên ương may mắn sống sót ấy là chú rể 22 tuổi Vương Tiểu Ba và cô dâu Quách Phú Quyên, 21 tuổi.
Hai người quen nhau qua mai mối từ một năm trước, sau hơn nửa năm tìm hiểu họ quyết định tiến tới hôn nhân. Họ dự tính đính hôn vào ngày 12/5 và kết hôn vào ngày 1/6. “1/6 là 28/4 âm lịch, là ngày đại cát. Theo phong tục tập quán trong vùng, nếu cưới vào ngày này sẽ rất may mắn” – Cô dâu Quách Phú Quyên nói.
Ngày 12/5 là ngày đính hôn, cỗ bàn đã dọn sẵn, chỉ đợi họ hàng đến đông đủ là bắt đầu ăn tiệc. Đúng lúc đó thì xảy ra động đất.
Đến nay cuộc sống của dân làng dần dần ổn định, mọi người quen dần với cuộc sống trong lều vải. Vương Tiểu Ba và ông bố rụt rè đề xuất việc tổ chức đám cưới vì “theo phong tục người Khương, đã chọn ngày cưới rồi thì không được hoãn” – Vương Tiểu Ba giải thích.
Trong hoàn cảnh khó khăn, đôi bên gia đình không đòi hỏi gì nhiều, “chỉ cần đón cô dâu về là được”.
Cưới thì phải có phòng hoa, chạy vạy mãi cánh thanh niên cũng mượn được căn lều màu trắng. Không có giường và chăn đệm, chú rể và bạn bè tìm về ngôi nhà cũ bới đống đổ nát moi lên chiếc giường mới và đám vật dụng đã bị chôn vùi lên sửa sang lại.
Họ cũng cố kiếm ra ít vải đỏ, giấy đỏ, bóng bay màu hồng để trang trí lều hoa cho ra dáng đám cưới. Đám cưới cũng có nước trà, bánh kẹo và thuốc lá để mời khách.
Chú rể run run nói lời cám ơn, còn cô dâu thì nức nở khóc vì xúc động…
Thu Thủy
(Theo báo Tứ Xuyên)