Đại sứ Palestine nghiện phở, thích Kiều

Đại sứ Saadi Salama thưởng thức phở tại hàng yêu thích
Đại sứ Saadi Salama thưởng thức phở tại hàng yêu thích
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tiền Phong nhân dịp Tết Tân Sửu, Đại sứ (ĐS) Palestine tại Việt Nam Saadi Salama mô tả tỉ mỉ cái ngon của món phở gà khiến một người đến từ một nền văn hóa ẩm thực hoàn toàn khác như ông bị nghiện, bị “Việt hóa”.

“Khi ăn miếng đầu tiên, tôi thấy khó chịu, nhưng vì xã giao mà phải ăn hết. Nhưng khi ăn xong, tôi bắt đầu cảm nhận được vị ngon của bát phở gà đó”.

Ông Salama đến Việt Nam lần đầu tiên từ tháng 10/1980, trở thành lưu học sinh tại ĐH Tổng hợp Hà Nội.

Nhớ về những ngày đầu mới bước chân sang Việt Nam, ĐS Salama chưa quên cảm giác “sốc” khi vừa bước chân xuống sân bay Nội Bài. Ông nói rằng hồi đó ông chọn đến Việt Nam học sau khi theo dõi tình hình chính sự, đặc biệt vào năm 1973 khi Việt Nam đàm phán Hiệp định Paris. Nhưng khi nhìn thấy cảnh vật hoang sơ với những con trâu, cái cày và xe đạp trên quãng đường từ sân bay Nội Bài về Hà Nội, và khi vào khu ký túc xá dành cho các sinh viên nước ngoài, ông bắt đầu băn khoăn: Liệu quyết định đến Việt Nam có đúng hay không?

“Nói thật tôi đã nghĩ mình có nên tiếp tục ở đây hay không? Nhưng trong lúc nghĩ lại, tôi nhớ ra một điều rằng tôi là người Palestine đang đấu tranh vì độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam đã trải qua những điều tương tự và đã thành công. Vì thế, tôi không được lùi bước, không bao giờ để thất bại trở thành văn hóa của đời mình”, ông nói.

Vượt qua cú sốc đó, ông Salama đã trải qua 18 năm học tập và công tác qua nhiều vị trí ở Việt Nam. Và bây giờ ông nói rằng ông đã bị “Việt hóa”, một phần nhờ các món ăn Việt Nam.

“Đến Việt Nam, học tiếng Việt, tiếp xúc với người Việt Nam, đi thăm những di tích của Việt Nam, đi chiêm ngưỡng những phố cổ của Việt Nam, thưởng thức những món ăn đặc trưng của Hà Nội, dần dần trong tôi đã trở thành một người Việt Nam”.
 Đại sứ Salama

ĐS Salama cho biết Palestine có văn hóa ẩm thực hoàn toàn khác Việt Nam. Bánh mì là thành phần rất quan trọng trong bữa ăn của người Palestine. Khi đến Hà Nội, ông thấy rất ít bánh mì, nên phải dần làm quen với các món ăn Việt Nam.

Món Việt Nam đầu tiên mà ĐS Salama nhắc đến là nước mắm. Trước khi đến Việt Nam, ông không biết nước mắm là gì, và khi mới tiếp xúc, ông cảm thấy khó chịu vô cùng. Sau đó, một người bạn Palestines trong Đại sứ quán mời ông đến một quán phở ở Hàng Đường, gần chợ Hàng Da. Ông kể rằng khi ngồi đó, ông quan sát những người Việt Nam dùng đũa gặp lên những sợi phở dài khi nước dùng vẫn còn nóng hổi và tỏa ra mùi nước mắm khó ngửi. Nghe lời bạn, ông quyết định thử món ăn này.

“Ăn miếng đầu tiên, tôi thấy khó chịu, nhưng vì xã giao mà phải ăn hết. Nhưng khi ăn xong, tôi bắt đầu cảm nhận được vị ngon của bát phở gà đó”, ông nói.

Ông nói rằng gà Việt Nam khác với gà ở Palestine, dù Palestine cũng có gà ta và gà công nghiệp. “Mùi gà ta Việt Nam thơm, thịt giòn. Khi ăn miếng gà cùng bánh phở và nước dùng, tôi cảm thấy mùi vị rất đặc biệt. Từ ngày đó, tôi bắt đầu trở thành một người nghiện phở và phở trở thành món ăn quen thuộc với tôi”, ông kể.

Sau khi ăn phở nước, ĐS Salama chuyển sang ăn phở xào, rồi miến, bún chả.... Ông cho biết hiện nay gần 70% món ăn mà ông ăn hằng tuần là món Việt Nam. “Khi về Palestine, mẹ và anh em tôi nhận thấy tôi có những thay đổi về khẩu vị, vì tôi thích ăn đồ nóng và có nước”, ĐS kể.

Thời gian ở Việt Nam gần 2 thập kỷ giúp ông có cơ hội quan sát những thay đổi về xã hội, kinh tế, văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. Ông nói rằng ẩm thực hiện nay cũng thay đổi theo xu thế chung, cách chế biến các món ăn thay đổi theo điều kiện hiện công nghiệp hóa, nên một số món ăn Việt Nam không còn hương vị như thời bao cấp. Vì thế, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều quán phở, nhưng ông chọn cho mình một quán phở thân thiết mà ông biết chắc chắn nơi đó vẫn nấu theo công thức cổ.

“Tôi nghĩ một số món ăn Việt Nam trở thành tấm hộ chiếu để văn hóa ẩm thực Việt Nam đến với thế giới. Nhiều người nước ngoài hiện nay khi đến Việt Nam đã tìm ăn phở, chả cá, bún chả, vì họ đã tìm hiểu trước đó nhờ việc truyền bá của những người từng đến Việt Nam trước đó”, ĐS Salama nói.

Đại sứ Palestine nghiện phở, thích Kiều ảnh 1

Đại sứ Saadi Salama phát biểu lễ khai mạc triển lãm "Hội họa Truyện Kiều" của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, nhân kỷ niệm 255 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du vào tháng 11/2020 Ảnh: F.B

Suy ngẫm về Truyện Kiều, Chí Phèo

Là một người gắn bó với Việt Nam và có khả năng nói tiếng Việt thành thạo, ĐS Salama không chỉ tìm hiểu về ẩm thực mà ông cũng đã tạo được quan hệ tốt đẹp với các tầng lớp khác nhau, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ Việt Nam, để thực hiện nhiệm vụ ngoại giao nhân dân.

Nói về lý do đọc Truyện Kiều, ĐS Salama cho rằng người nước ngoài và kể cả người Việt, nếu không đọc Truyện Kiều thì không hiểu hết về con người, tâm lý, suy nghĩ, hy vọng của người Việt Nam, về sự chấp nhận những thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. “Truyện Kiều vừa là nội dung văn học tuyệt vời, vừa là món ăn tinh thần rất cần thiết đối với người Việt Nam và cả những người nước ngoài muốn có tinh thần lạc quan khi phải đối phó với những khó khăn trong cuộc sống”, ĐS Salama đánh giá.

Ngoài Truyện Kiều, ông cũng đã đọc những truyện nổi tiếng của Việt Nam, như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố hay “Chí Phèo” của Nam Cao, để có thể hiểu sâu về cách suy nghĩ, tư duy và nhận xét của người Việt Nam.

Khi được hỏi về Tết Việt Nam, ĐS Salama ồ lên: “Ôi trời ơi, tôi ăn Tết ở Việt Nam nhiều lắm rồi!”. Ông nói Tết thời bao cấp vui hơn, vì ngày xưa một số món phải đợi đến Tết mới có. “Bây giờ có câu: Alo là có ngay. Ngày nào ở Việt Nam bây giờ cũng là Tết, chỉ có điều khác là không có lễ thắp hương tiễn Ông Táo lên trời thôi”, ông nói.

ĐS Salama nói rằng sống ở Việt Nam, ông hiểu rằng với người Việt, Tết là đoàn tụ, Tết là gắn kết, Tết là niềm vui của cả một năm, là dịp để tiễn tất cả những gì xấu và xui xẻo để hy vọng điều tốt đẹp trong năm mới. Bây giờ, điều kiện kinh tế đã khá hơn nhiều khi Việt Nam đang phát triển và công nghiệp hóa, ý nghĩa của Tết cũng hơi khác.Điều khiến ông thích của Tết của ngày xưa là tiếng pháo nổ đêm giao thừa, tạo cảm giác rất đặc biệt.

“Người Việt Nam đón Tết như đón một cuộc đời mới, với một tinh thần mới, niềm hy vọng mới, với tầm nhìn về cuộc sống mới. Đây là điều tôi rất ngưỡng mộ người Việt Nam”, ông nói.

Ông nhận xét rằng người Việt Nam có lòng vị tha rất lớn. Tết đến, người Việt Nam có thể tha thứ cho nhau những lỗi mắc phải trong năm cũ để đón năm mới với niềm hy vọng mới. Lòng vị tha cũng thể hiện trong quá trình Việt Nam phát triển và hội nhập, Việt Nam đã bắt tay với tất cả các quốc gia, kể cả những nước từng dùng vũ khí chống lại nhân dân Việt Nam, gây ra những vụ thảm sát ở Việt Nam. Nhưng người Việt Nam sẵn sàng bỏ qua để hướng tới sự hợp tác và phát triển.

Đại sứ Palestine nghiện phở, thích Kiều ảnh 2 Đại sứ Saadi Salama (thứ hai từ trái sang) tham dự triển lãm tranh của họa sĩ Văn Dương Thành hồi đầu tháng 12/2020  

“Truyện Kiều vừa là nội dung văn học tuyệt vời, vừa là món ăn tinh thần rất cần thiết đối với người Việt Nam và cả những người nước ngoài muốn có tinh thần lạc quan khi phải đối phó với những khó khăn trong cuộc sống”, ĐS Salama đánh giá. 

MỚI - NÓNG