Đại học thế giới và cuộc cạnh tranh khốc liệt

Đại học thế giới và cuộc cạnh tranh khốc liệt
TP- “Việc thu hút sinh viên ưu tú nhất từ khắp thế giới trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết và chúng tôi phải nỗ lực tối đa” - Frank Lavin, Cơ quan Mậu dịch quốc tế Hoa Kỳ cho biết.

Khi nhạc techno dập thình thịch, một số thanh niên châu Á nhảy lắc lư, ôm đàn gảy và giơ nắm đấm lên không. Đây không phải là hình ảnh từ đĩa nhạc nhảy mà là một mẩu quảng cáo, một phần của chiến dịch mới từ Chính phủ Mỹ với mục tiêu thu hút sinh viên Trung Quốc vào các giảng đường đại học Mỹ.

Mẩu quảng cáo đã được chiếu cho hơn 180 triệu người xem truyền hình Trung Quốc kể từ tháng 11/2006. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Chính phủ Hoa Kỳ tiếp thị hệ thống giáo dục đại học ở nước ngoài – theo Frank Lavin thuộc Cơ quan Mậu dịch quốc tế Hoa Kỳ, người chủ trì chiến dịch quảng cáo.

“Việc thu hút sinh viên ưu tú nhất từ khắp thế giới trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết” – Lavin nói – “và chúng tôi phải nỗ lực tối đa”.

Đã qua thời những đại học tinh hoa như Harvard và Yale (Mỹ) hoặc Cambridge và Oxford (Anh) ung dung ngồi rung đùi chờ sinh viên đến xếp hàng ghi danh.

Loạt xu hướng và biến đổi toàn cầu đã tái định dạng bức tranh giáo dục. Ý tưởng “xuất khẩu” giáo dục đại học và việc xem giáo dục như một sản phẩm chẳng còn là điều mới lạ.

Trung Quốc và Ấn Độ đang chi mạnh tay cho việc xây mới hoặc nâng cấp hạ tầng hệ thống đại học đồng thời chi hàng triệu USD để quảng cáo thu hút sinh viên nước ngoài.

Hệ thống giáo dục đại học châu Âu vốn manh mún nay bắt đầu được phối hợp điều chỉnh để tạo nên diện mạo quyến rũ hơn. Tất nhiên phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có hệ thống giáo dục đại học đạt chuẩn quốc tế ở mọi cấp độ.

Sai lầm trong chính sách hạn chế visa sinh viên sau sự kiện khủng bố nước Mỹ 11/9/2001, bắt đầu được Washington điều chỉnh và góp phần làm tăng nhanh áp suất cạnh tranh.

“Công nghiệp” giáo dục đại học cho sinh viên nước ngoài đã đem lại hơn 14 tỷ USD cho kinh tế Mỹ chỉ riêng năm 2006. Tuy nhiên, thị phần Mỹ trong thị trường giáo dục đại học toàn cầu (hiện có hơn 2,5 triệu sinh viên du học nước ngoài tính toàn thế giới) đang bắt đầu “mất duyên”.

Trong số 6 quốc gia thu hút sinh viên nước ngoài hàng đầu, Mỹ là nơi có tỷ lệ tăng trưởng kém nhất từ năm 2000 - 2005, chỉ thu hút nhiều hơn 17% sinh viên; so với 81% tại Pháp và 108% tại Nhật – theo Newsweek (số đúp chuyên đề giáo dục đại học toàn cầu đề ngày 20 và 27/8/2007).

Tổng cộng, thị phần Mỹ ở thị trường giáo dục đại học quốc tế giảm hơn 1/2 năm 2000 và 1/5 năm 2004. Bằng chứng cho mức độ cạnh tranh thể hiện ở các bảng xếp hạng đáng tin cậy.

Trong danh sách xếp hạng mới nhất của tờ Times of London (Times Higher Education Supplement - THES) và Đại học Giao thông Thượng Hải, các đại học phương Tây vẫn chiếm đa số (Mỹ chiếm 8 vị trí trong top 10 và Anh giữ hai vị trí còn lại).

Tuy nhiên, bắt đầu từ vị trí thứ 11 trở xuống, sự đa dạng bắt đầu thể hiện. Có không ít hơn 30 quốc gia đã lọt vào danh sách top 200 năm 2007 và con số trên có thể tiếp tăng, theo John O’Leary, Tổng biên tập THES.

Điều này cho thấy nhiều nước, đặc biệt châu Á, đang tự tin tiến vào các danh sách xếp hạng đại học đẳng cấp toàn cầu. Trong thực tế, Đại học Bắc Kinh, Đại học quốc gia Singapore và Đại học Tokyo đều có mặt trong top 20 THES mới nhất.

Châu Á - điểm nóng hấp dẫn sinh viên

Để thu hút sinh viên nước ngoài, nhiều đại học đã “toàn cầu hóa” bản thân họ với việc thành lập các cơ sở hải ngoại cũng như thực hiện chương trình hợp tác - liên kết đào tạo. Trường kinh thương nổi tiếng của Pháp, INSEAD, hiện cho phép sinh viên tự do đi lại giữa khu học xá tại Paris và chi nhánh Singapore.

Tháng 6/2007, INSEAD đã liên kết đào tạo chương trình thạc sĩ (MBA) với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Tháng 5/2007, báo cáo từ Hội đồng giáo dục Hoa Kỳ cho biết 131 đại học tư Ấn Độ đã thiết lập chương trình liên kết với các đại học nước ngoài; gần 1/2 viện đại học Anh cũng mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên họ tại Trung Quốc.

Để lôi kéo giáo sư tốt nhất, hệ thống đại học Singapore thậm chí đưa mức lương cạnh tranh với những đại học “xịn” nhất của Mỹ (giáo sư trẻ có thể được trả 180.000 USD/năm tại Singapore).

Chưa hết, nhiều đại học châu Á bắt đầu đưa ra chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Báo cáo từ Ủy ban châu Âu năm 2006 cho biết, “bất lợi chính duy nhất của châu Âu trong mắt sinh viên châu Á chính là tiếng Anh, thứ ngôn ngữ đã không được (châu Âu) xem là tiếng “mẹ đẻ” toàn cầu”!.

Nguyễn Gia Long
Tổng hợp từ Time, Newsweek

MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.