Đại gia ngoại đứng sau chợ online Việt: Những nỗi lo từ việc thâu tóm

Đằng sau các ông lớn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay Tiki đều là các đại gia nước ngoài. Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, rất có thể thời gian tới, cuộc đua thứ hạng trên thị trường thương mại điện tử Việt sẽ chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp ngoại, trong đó các nhà đầu tư Trung Quốc là một thế lực đáng gờm.

Nhà đầu tư Trung Quốc bơm tiền nhảy vào cuộc chơi

Ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn Alibaba nổi tiếng của Trung Quốc, từng ví thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam như một mỏ vàng, và vị tỷ phú này đã nhanh tay khai thác mỏ vàng này.

Tháng 4/2016, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến tháng 6/2017, tập đoàn tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này.

Một đại gia TMĐT lớn, là đối thủ cạnh tranh của Alibaba tại Trung Quốc là JD.com, cũng chính thức vào thị trường Việt Nam cuối năm 2017, khi rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki của Việt Nam. JD đã ký thỏa thuận đồng ý cùng các nhà đầu tư khác rót tiền vào Tiki, trở thành một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Tiki. 

Mặc dù JD không tiết lộ khoản tiền đầu tư vào Tiki, nhưng trước đó Tiki cho biết đã huy động được hơn 50 triệu USD để mở rộng hoạt động kinh doanh. JD từng thâm nhập rất thành công vào thị trường Đông Nam Á, bắt đầu ở Indonesia,  và Thái Lan và không đối mặt với nhiều sự cạnh tranh.

Một doanh nghiệp nữa có vốn gián tiếp từ Trung Quốc nữa là Shopee. Shopee là công ty con của SEA. Tháng 10/2017, SEA, trụ sở chính tại Singapore, trở thành công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chào bán cổ phiếu trên NYSE, thương vụ IPO thu về 884 triệu USD. SEA có cổ đông lớn là Tencent, tập đoàn có giá trị vốn hóa vừa vượt qua mốc 500 tỷ USD, trên cả người khổng lồ Facebook.

Như vậy, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của cả ba tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc thông qua M&A, đầu tuư vốn. Bằng cách này, các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhanh chóng chen chân và củng cố vị thế tại Việt Nam mà không cần trải qua bước xây dựng thương hiệu. Mục tiêu lớn hơn của các tên tuổi này là cả thị trường Đông Nam Á rộng lớn với quy mô trên 640 triệu dân và tổng GDP đạt gần 2.600 tỷ USD. 

Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn có sự hiện diện của các công ty đến từ Hàn Quốc như Lotte hay Nhật Bản như Aeon.

Cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín

Có thể thấy những lo ngại về việc mất thị trường TMĐT, đặc biệt là bán lẻ online, vào tay các ông lớn ngoại là hoàn toàn có cơ sở. 

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại cảnh báo, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống như thương mại bán lẻ trực tiếp. Nỗi lo hàng Việt bị "bóp chết", theo ông Phú, là có cơ sở bởi khi các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đổ bộ sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ, đồng thời sức cạnh tranh của hàng Việt cũng bị bào mòn.

Đại gia ngoại đứng sau chợ online Việt: Những nỗi lo từ việc thâu tóm ảnh 1

Ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn TMĐT Alibaba nổi tiếng của Trung Quốc, từng ví TMĐT tại Việt Nam như một mỏ vàng.

Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc khối TMĐT, thẳng thắn thừa nhận, với sự góp mặt của nhiều ông lớn nước ngoài đặc biệt là các tập đoàn Trung Quốc, đã thật sự tạo áp lực lớn lên thị trường TMĐT Việt Nam.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, chúng ta vẫn có những tập đoàn lớn đứng sau các sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam, thí dụ như Adayroi có Vingroup, Sendo với FPT. Đó đều là những doanh nghiệp lớn và rất có nguồn lực, họ hoàn toàn có thể "chơi" sòng phẳng với các đại gia nước ngoài. Và cho dù các đối thủ Trung Quốc hơn hẳn doanh nghiệp trong nước về kinh nghiệm, quy mô và vốn đầu tư nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin tham gia vào cuộc chơi này.

FPT phát triển trang thương mại điện tử Sendo với tuyên bố thời điểm đấy là trở thành sàn thương mại điện tử số một Việt Nam. Đến giữa năm 2014, FPT bổ sung thêm 123mua.vn bằng cách mua lại từ VNG. Tháng 8/2015, Vingroup ra mắt website Adayroi. Tháng 1/2017, Thế giới di động cũng chính thức ra mắt trang thương mại điện tử Vuivui. Adayroi được nhìn nhận là đối thủ rất tiềm năng khi có lợi thế bởi có được sự hỗ trợ từ hệ thống bán lẻ trực tiếp quy mô lớn nhất tại Việt Nam của tập đoàn mẹ. Adayroi cũng thu hút bởi tính năng thanh toán tiện lợi của VinID với tỷ lệ tích điểm.

Tuy nhiên, để tiếp cận và được lòng tin của người tiêu dùng, ngoài nỗ lực của chính DN, những trang TMĐT phải làm ăn bài bản mới tạo dựng uy tín cho thương hiệu của mình. Nhận định về bức tranh TMĐT 2018, đại diện VECOM cho rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ chi nhiều hơn cho quảng cáo và truyền thông. 

Càng ngày các doanh nghiệp càng nhận thức cách thu hút khách hàng về website của mình, và làm sao để biến những người truy cập vào website trở thành khách hàng. Dự kiến năm 2018, các doanh nghiệp sẽ tăng 60% chi phí dành cho truyền thông và quảng cáo, đặc biệt là bán hàng đa kênh (Omnichannel). Bên cạnh đó, việc đảm bảo về chất lượng hàng hóa, đồng thời vai trò kiểm soát và bảo vệ người tiêu dùng của các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước được nâng cao cũng đang tạo niềm tin thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn các sàn TMĐT Việt, cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập thị trường TMĐT Việt Nam  

Trong tương lai, với sự thâm nhập của các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ và Nhật Bản, những nghi ngại về việc nhà đầu tư Trung Quốc đang bơm tiềm chi phối thị trường thương mại điện tử Việt Nam dần đang được xoá bỏ.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG