Ðại gia Hồ Huy sau cú 'nhấn ga, lệch đường'

Doanh nhân Hồ Huy.
Doanh nhân Hồ Huy.
TP - Trong giai đoạn khủng hoảng (cao điểm năm 2008-2012), nhiều doanh nhân tầm cỡ nước ta ngã ngựa, mất thương hiệu, vướng vòng lao lý. Doanh nhân Hồ Huy là trường hợp hiếm hoi trở lại được thương trường.

Trùm taxi trở lại

Tháng 9/2016, Tập đoàn Mai Linh tổ chức buổi gặp mặt một số bạn hàng lớn tại Hà Nội. Buổi lễ đơn giản nhưng mang ý nghĩa đặc biệt: Cập nhật tình hình sau khủng hoảng. Ông Hồ Huy ngồi ghế chủ trì, nói vo, đối đáp cùng đối tác, nụ cười luôn hé nở.

Gần 3 năm lặng tiếng, thậm chí, nhiều người cho rằng thương hiệu Mai Linh rực rỡ coi như đã “chết”. Nay, ông Hồ Huy công bố (bằng báo cáo tài chính đã được kiểm toán): Năm 2015, doanh thu của công ty đạt 2.834 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 161 tỷ. Ðây cũng là năm Mai Linh đầu tư được 3.000 xe mới (nâng tổng số xe lên hơn 15.000 chiếc), mở rộng dịch vụ thanh toán thẻ, triển khai phần mềm gọi xe để cạnh tranh với Uber và Grab.

Nợ nần từ biến cố năm 2011-2012 còn nhiều nhưng giảm đáng kể nhờ thắt lưng buộc bụng để trả dần. Ông Hồ Huy nói, mỗi năm sẽ dành ít nhất 100 tỷ để trả nợ; không để phát sinh nợ quá hạn liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm xã hội.

“Khát vọng của tôi là xây dựng một thương hiệu Việt nổi tiếng. Không có lý gì để doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, nên cho dù khó đến mấy cũng phải làm được. 23 năm gây dựng công ty đầy những thăng trầm, nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc”. 

Doanh nhân Hồ Huy

Mai Linh hiện chiếm lại 28% thị phần taxi toàn quốc, đứng thứ 2 tại TPHCM (sau Vinasun Taxi), dẫn đầu tại Hà Nội và Ðà Nẵng, vẫn được coi là “ông trùm” của ngành taxi. Tại cuộc gặp, ông Hồ Huy trịnh trọng nói trước đối tác: “Chúng tôi đã thuê các nhà tư vấn lớn nhất thế giới (nhóm Big Four gồm PwC, KPMG, Deloitte, E&Y - PV) tốn hàng chục tỷ đồng, nhưng tới đây sẽ thu về hàng nghìn tỷ”.

Gác lại giấc mơ bất động sản đã suýt nhấn chìm Mai Linh, ông lại say sưa nói về cái nghề cơ khí, vận tải ô tô (nghề mà ông nói là võ biền) nhưng đã đưa ông lên hàng những doanh nhân lớn của cả nước. Ông công bố ý tưởng taxi cấp cứu, xe gia đình …, đặc biệt là siêu dự án nhập khoảng 10.000 – 20.000 ôtô điện từ châu Âu nhằm làm “xanh” đường phố và là “vũ khí” cạnh tranh về giá trong ngành taxi (loại hình di chuyển tầm ngắn, phù hợp với xe điện).

Ðại gia Hồ Huy sau cú 'nhấn ga, lệch đường' ảnh 1

Nhân viên Mai Linh tham gia ngày hội hiến máu tình nguyện -  Chủ nhật đỏ năm 2016. Ảnh: Bảo An.

Ðỉnh cao và vực sâu

Khởi nghiệp từ 2 chiếc xe cũ và kiốt nhỏ trên đường Nguyễn Huệ (TPHCM) vào năm 1993, Mai Linh nhanh chóng nổi như cồn vì dịch vụ mới, chất lượng phục vụ tốt. Ở thời điểm rực rỡ nhất, các cá nhân, ngân hàng tự tìm đến mời gọi ông Hồ Huy vay tiền đầu tư.

Giáo sư Sydney Finkelstein thuộc Ðại học Darthmouth (Mỹ), người chuyên viết sách về các CEO nổi tiếng thế giới, nói: “Ðỉnh cao của thành công là dấu hiệu cảnh báo thất bại”. Ðiều đó “ứng” trúng nhiều doanh nhân của nước ta trong khủng hoảng. Thị trường bất động sản được bơm căng, nhiều đại gia ngoài ngành nhảy vào lốc xoáy. Ông Hồ Huy cũng vào cuộc kinh doanh đa ngành, bỏ taxi đi buôn đất (dù ông chỉ thừa nhận đầu tư những bất động sản ít nhiều liên quan đến ngành nghề chính). Bong bóng vỡ, những cuốc xe taxi thu tiền lẻ không đủ để chi trả cho núi lãi vay cá nhân và ngân hàng.   

Có lần ông chia sẻ: Chủ nợ liên tục đến trụ sở Tập đoàn đòi tiền, trong đầu có khi xuất hiện ý tưởng buông mình. Nhưng số phận của gần 30.000 gia đình cán bộ công nhân viên Mai Linh đang hiện hữu, ký ức về những ngày ông làm lính trinh sát dưới bom mìn ở chiến trường Quảng Trị ác liệt hiện về không cho phép ông từ bỏ. Ông thuyết phục đối tác, cổ đông cho khoanh, dãn nợ; xin lỗi và kêu gọi toàn bộ cán bộ công nhân viên góp tiền, góp sức... Ông hứa khép lại, bỏ tham vọng bất động sản, trở về với cuốc xe taxi nhẫn nại mà “hái” ra tiền ngày nào.

Ðại gia Hồ Huy sau cú 'nhấn ga, lệch đường' ảnh 2

Sự trở lại của một doanh nghiệp cỡ lớn Mai Linh sau khủng hoảng nặng nề là hiện tượng hiếm hoi.

Những năm qua, người quen khó hẹn gặp vì ông mải miết kiểm tra, đốc thúc các chi nhánh rải khắp 53 tỉnh thành; liên tục đi nước ngoài để chuẩn bị cho dự án mới. Nhưng khi có những diễn biến bất lợi, các vụ tai nạn hay hành xử sai lầm của lái xe trên đường, các cộng sự vẫn nhận được những chỉ đạo của ông lúc nửa đêm về sáng qua internet. Mà những chuyện như thế, với cái nghề lấy xe làm giường, lấy đường làm nhà như taxi luôn phát sinh. Ðúng như ông nói: “Vào nghề taxi là chọn một hành trình không ngừng nghỉ”.

Trở lại buổi gặp gỡ các bạn hàng lớn kể trên, nhiều đại diện ngân hàng, hãng xe, nhà bảo hiểm nán lại rất lâu để nghe, muốn bắt tay cùng “ông trùm” taxi trong các dự án mới. Nhưng dù Mai Linh đã “ngoi” mặt đất và bắt đầu có lãi nhưng vẫn là cơ thể mới ốm dậy, chưa thể đương đầu hết những va đập khốc liệt từ bên ngoài; thậm chí, những vết thương bên trong vẫn còn âm ỉ. Chính vì vậy, ngoài sự đồng tâm hiệp lực, bản thân Mai Linh và bạn hàng rất cần tài thao lược của người “lái chính” như ông Hồ Huy.

Quay lại thời điểm khủng hoảng kinh tế vừa qua mới thấy điểm yếu của doanh nhân Việt. Lúc đó, mỗi năm có hơn 50.000 doanh nghiệp biến mất. Hàng loạt doanh nhân, “ông bầu” đình đám trong ngành bất động sản, ngân hàng, thủy sản… phá sản, ra tòa, vô khám. Bỏ qua những lời hay ý đẹp (có thời, người ta ca ngợi không tiếc lời những doanh nhân lớn, đi lên từ thợ gỗ, thợ xây, người buôn cá điều hành những công ty, tập đoàn lớn), chuyên gia Phạm Chi Lan đã nhận định: Nhiều doanh nhân Việt không qua trường lớp đào tạo, bước vào kinh doanh từ những bức bách mưu sinh, nếm mật nằm gai ở trường đời, gặp thời mà phất lên; khi gặp gió to sóng lại khó đương đầu.

Ông Hồ Huy được học và sống 9 năm ở châu Âu, có bằng đại học Luật, nhưng vẫn chưa đủ nên chỉ một phút lơ là đã lỡ trớn. Lúc đó, Mai Linh như chiếc taxi băng trên cao tốc, đến điểm cần rẽ nhưng người cầm lái đã không dự báo trước để kịp rà phanh. Khi đã lệch đường, “lái chính” Hồ Huy kịp thuê những bậc thầy của thế giới để tái cơ cấu, quản trị bộ máy bằng các quy trình chuẩn quốc tế, (trước đó là cho các con đi học ở Mỹ)… Nhờ đó, chuyến xe đã về đúng lộ trình, an toàn hơn; khách hàng đã quay lại để Mai Linh phục vụ.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.