Đại biểu Quốc hội vẫn lo lắng khi nới trần bội chi

Đại biểu Quốc hội vẫn lo lắng khi nới trần bội chi
Đồng thuận nới trần bội chi nhưng tại phiên thảo luận ngày 31/10, nhiều ý kiến tại Quốc hội vẫn lo ngại về việc ngân sách phải bỏ tiền ra chi tiêu trong khi thực trạng nền kinh tế chưa được đánh giá đúng mức, số liệu thống kê còn "ảo".

>GDP quý IV dự báo sẽ tăng ở mức 6%
>Không bơm tiền vào nơi thua lỗ
>Đề nghị đóng cửa ngân hàng quá yếu
>Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan giám sát
>Bộ trưởng Vũ Đức Đam: ‘Không có khái niệm GDP từng tỉnh’

 Nhiều ý kiến cho rằng tăng bội chi ngân sách để đầu tư là cần thiết nhưng không thể giải ngân dựa trên những đánh giá chưa sát thực tế
Nhiều ý kiến cho rằng tăng bội chi ngân sách để đầu tư là cần thiết nhưng không thể giải ngân dựa trên những đánh giá chưa sát thực tế.

Nhiều vấn đề lớn như ngân sách hạn hẹp, doanh nghiệp ngày một héo mòn, nông dân thêm khốn khó, tái cơ cấu ngân hàng chưa thành công... đã đề cập trong phiên thảo luận 31/10 tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bầu không khí tranh luận có phần kém "lửa" so với mọi năm cũng như kỳ vọng của dư luận.

Hầu hết đại biểu tham gia phát biểu đều nhất trí với phương án nới trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP cũng như các phương án phát hành trái phiếu bổ sung với hy vọng phục dậy nền kinh tế.

Dẫu vậy, đâu đó vẫn còn sự hoài nghi về chất lượng báo cáo cũng như độ chính xác của các con số thống kê mà Chính phủ báo cáo với Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa cho thấy hết mức độ ốm yếu của nền kinh tế. Theo ông, chưa kỳ họp nào Quốc hội buộc phải đưa ra quyết định khó khăn như nới bội chi, tăng phát hành lượng lớn trái phiếu Chính phủ khi lần đầu tiên hụt thu ngân sách đến 63.000 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo vẫn cho rằng kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng năm nay cao hơn năm trước. Do đó, ông đề nghị Quốc hội cải cách triệt để hệ thống thống kê. "Để từ kỳ họp sau không còn tái diễn cảnh bàn giải pháp mà không thấy thực trạng, quyết chi tiền thật dựa trên những con số có thể ảo như hiện nay", ông nói.

Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng thấy sự mâu thuẫn giữa báo cáo và những đề xuất. "Chính phủ khẳng định kinh tế phục hồi nhưng lại đề nghị tăng trần bội chi lên 5,3% để trả nợ là không thuyết phục. Theo luật ngân sách, tăng bội chi chỉ dùng để cho đầu tư phát triển còn việc để trả nợ là không đúng", ông Nguyễn Thái Học nói.

Phần phát biểu ấn tượng của Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đề cập đến mâu thuẫn này. Ông nói: "Nghe báo cáo của Chính phủ thấy màu hồng, nghe thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội chúng ta thấy màu xám còn nhân dân nói là màu tối". Vị đại biểu của Lâm Đồng thừa nhận đánh giá nền kinh tế có thể xuất phát từ các góc nhìn khác nhau nhưng Chính phủ cần có nhận định chính xác để đưa ra "phương thuốc" phù hợp, cứu chữa sản xuất, đời sống người dân.

Bà Hồ Thị Thủy (Đại biểu Vĩnh Phúc) thậm chí còn đề nghị thanh tra và xử lý các tổ chức cá nhân công bố số liệu không trung thực, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách. "Kỳ này, liệu các con số đã đủ tin cậy hay chưa. Nguyên nhân cơ bản sai lệch theo tôi là bệnh thành tích. Khi số liệu không chính xác làm sao hoạch định đúng được", bà nói.

Phần lớn các ý kiến thể hiện sự sốt ruột với việc tái cấu trúc nền kinh tế khi mà đề án tái cơ cấu đầu tư công chưa hành hình, doanh nghiệp Nhà nước dậm chân tại chỗ còn với hệ thống ngân hàng đã làm nhưng chưa hiệu quả. Khác với lần trước, những lo ngại về hệ thống ngân hàng, thị trường ngoại hối không được nêu một cách đậm nét, phần nào khiến không khí nghị trường kém sôi động hơn.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) bày tỏ sự băn khoăn về danh sách 9 ngân hàng yếu kém được Ngân hàng Nhà nước chỉ ra và đề nghị rà soát lại sức khỏe của các nhà băng, nhất là những đơn vị đang "cụt vốn" và không ngoại trừ các "ông lớn". Một vài ý kiến khác cũng đề cập tới việc chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước chưa thu hẹp và mong Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích thêm.

Chiều 31/10 chỉ có 2 vị "tư lệnh" trao đổi thêm là Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. Là một trong số 2 đại biểu hiếm hoi nêu ý kiến thoát ly hoàn toàn khỏi văn bản, ông Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng việc hàng loạt nông dân bỏ ruộng, tăng trưởng nông nghiệp ngày một sụt giảm là "điều bất thường". Ông kể: "Thu nhập trung bình của một nông dân chỉ được 4 triệu đồng một năm, tình trạng phân bón thuốc trừ sâu giả tràn lan, nuôi cá tra thì gặp nhiều khó khăn. Một bộ phận không còn tha thiết với đồng ruộng, ở nhiều nơi diện tích bỏ ruộng lên tới hàng nghìn ha".

Ngoài ra, ông Cường cũng dẫn những số liệu cho thấy tăng trưởng khu vực nông nghiệp đáng báo động khi liên tục giảm. Giai đoạn 1995 - 2000 tăng trưởng nông nghiệp bình quân 4,5% nhưng sụt giảm còn 3,8% vào 2001 - 2005 còn 3,8%, đến 2006 - 2012 còn 3,3-3,4%. "Năm nay, khả năng nông nghiệp chỉ tăng được 2,81% - mức rất thấp so với tăng trưởng của những giai đoạn trước", ông Cường nói.

Thế nhưng, ở phần trao đổi thêm, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ giải thích thêm vế tăng trưởng nông nghiệp sụt giảm, còn lại chuyện người nông dân bỏ ruộng, bỏ nghề truyền thông ông lại không hề đề cập và xin "khất" trả lời sau. Ông Cao Đức Phát cho rằng, việc tăng trưởng chậm do thiếu nguồn lực đầu tư. "Nguồn lực quan trọng nhất có xu hướng giảm, đặc biệt là đất đai. Nhiều loại đất như đất lúa, diện tích giảm nhanh, đầu tư cho nông nghiệp tăng chậm".

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức công bố số liệu sai
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị xử lý cá nhân, tổ chức công bố số liệu sai.

Một vấn đề cụ thể khác cũng được các đại biểu quan tâm trong ngày thảo luận đầu tiên là câu chuyện chuyển giá của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), đây được xem là một trong những "điểm tối" của thu hút đầu tư hiện nay. "Hiện có đến 60% thị phần xuất khẩu nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài nhưng hiện tượng chuyển giá, báo lỗ, doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm thị trường vẫn đang diễn ra", ông Vinh nói.

Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) cũng nhận định một trong những hạn chế của Chính phủ là chưa giải quyết được tình trạng chuyển giá, báo lỗ của các doanh nghiệp FDI cũng như việc doanh nghiệp trong nước nợ, trốn thuế.

Nêu đích danh tên đại gia Keangnam, đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) bức xúc: "122 doanh nghiệp FDI vừa bị phát hiện chuyển giá với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu hơn 214 tỷ đồng. Trong số này, Keangnam bị truy thu tới 95,2 tỷ đồng, đứng đầu khi chiếm 44% tổng số thuế bị truy thu của tất cả các doanh nghiệp chuyển giá, nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng cũng bị truy thu thuế", bà bày tỏ.

Chịu trách nhiệm trong việc quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng phải đến sáng mai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh mới có cơ hội phát biểu.

Một báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, từ năm 2010 đến hết tháng 8/2013, hành vi chuyển giá đã diễn ra rộng khắp tại nhiều doanh nghiệp liên kết, nhất là khu vực doanh nghiệp FDI. Đánh giá kết quả kinh doanh năm 2010 và 2011 của hơn 5.500 doanh nghiệp FDI (chiếm gần 60% tổng số doanh nghiệp FDI) đang hoạt động cho thấy có tới 57% doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến thời điểm đánh giá.

Trong đó, 529 doanh nghiệp báo cáo lỗ nhưng vẫn tăng trưởng doanh thu, tập trung vào các ngành dệt, may, da giày, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, chế biến và bảo quản nông sản, lâm sản, thuỷ sản...

Các tỉnh có nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ là Bắc Ninh (9 doanh nghiệp có số lỗ luỹ kế cao hơn vốn chủ sở hữu); TP HCM (trên 50% doanh nghiệp kê khai lỗ); Hải Phòng (Số lỗ năm 2011 của 109 doanh nghiệp là trên 1.200 tỷ đồng); Long An (46% kê khai thua lỗ tổng số gần 1.440 tỷ đồng)...

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.