Đà Nẵng: Tầm nhìn đến 2045 trở thành trung tâm công nghệ cao và kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
Thành phố Đà Nẵng đang trên đà chuyển mình mạnh mẽ từ 1 đô thị đơn cực sang đa cực nhằm mục tiêu đến năm 2045 trở thành đô thị biển quốc tế, trung tâm kinh tế biển lớn, vị trí kết nối chuỗi cung ứng logistics trọng điểm khu vực miền Trung.

Chuyển mình từ đô thị đơn cực sang đa cực

Cụ thể, theo Nghị quyết 169/NQ-CP được Chính phủ ban hành, Đà Nẵng sẽ phát triển thành một đô thị biển quốc tế và trung tâm tài chính quy mô khu vực. Nghị quyết này cũng nhấn mạnh việc phát triển Đà Nẵng theo các tiêu chuẩn đô thị hiện đại, gắn kết với các lĩnh vực kinh tế biển, công nghệ thông tin, giáo dục và y tế chất lượng cao.

Để đạt được tầm nhìn này, Đà Nẵng tập trung vào quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình đa cực, hình thành các khu chức năng rõ ràng và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đưa Đà Nẵng trở thành đô thị kiểu mẫu ở Việt Nam.

Đà Nẵng: Tầm nhìn đến 2045 trở thành trung tâm công nghệ cao và kinh tế biển ảnh 1

Khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam đặt tại Đà Nẵng gắn liền với cảng biển Liên Chiểu. Đà Nẵng nhiều động lực bứt phá về kinh tế. Ảnh: Anh Vũ.

Việc hình thành Khu thương mại tự do không chỉ giúp Đà Nẵng thu hút dòng vốn FDI mà còn tạo động lực phát triển cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia nhận định rằng đây là tiền đề để Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu, đồng thời thu hút đội ngũ chuyên gia và lao động chất lượng cao trong nước lẫn quốc tế.

Đặc biệt, khu thương mại tự do sẽ gắn kết chặt chẽ với cảng biển Liên Chiểu – cũng là một trong những dự án hạ tầng mang tầm quốc gia có mặt tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng. Với mức đầu tư hơn 52,000 tỷ đồng, cảng Liên Chiểu không chỉ cung cấp dịch vụ logistics mà còn là động lực thúc đẩy, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi các khu công nghiệp và công nghệ cao thuộc các quận Liên Chiểu, Hòa Vang,… tối ưu chi phí vận chuyển, gia tăng sản xuất và phát triển kinh tế xuất nhập khẩu.

Hiện tại, chính quyền thành phố đang khẩn trương xúc tiến các hoạt động liên quan đến đề án Khu thương mại tự do, từ khảo sát, lập kế hoạch cho đến làm việc với các nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến, Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2024.

Cùng với đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng, hỗ trợ hội nhập và phát triển các hoạt động logistics, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ không chỉ là trung tâm kinh tế biển lớn mà còn là nơi hội tụ các ngành công nghệ cao, tài chính quốc tế, và dịch vụ chất lượng cao. Với những bước đi chiến lược trong phát triển hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư và quy hoạch đô thị, thành phố này đang từng bước khẳng định vị thế là động lực phát triển của miền Trung và cả nước.

Du lịch là điểm nhấn; Bất động sản là lĩnh vực nhiều tiềm năng tăng trưởng

Với những kế hoạch bài bản và bước đi chiến lược về hạ tầng và quy hoạch phục vụ sát sao cho mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao và kinh tế biển, ngành du lịch Đà Nẵng cũng đang bứt phá mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm 2024, Đà Nẵng đã đón gần 9,3 triệu lượt khách, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt gần 3,5 triệu lượt, góp phần quan trọng vào doanh thu 38 nghìn tỷ đồng, tăng 78% so với mức đỉnh cao năm 2019.

Sự phát triển của du lịch không chỉ cải thiện GRDP thành phố (ước tăng 6,5% trong 9 tháng đầu năm 2024) mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các ngành khác như bất động sản, thương mại và dịch vụ.

Đà Nẵng: Tầm nhìn đến 2045 trở thành trung tâm công nghệ cao và kinh tế biển ảnh 2

Thị trường BĐS Đà Nẵng được đánh giá sôi động bậc nhất với nhiều dự án hạ tầng cấp quốc gia. Quận Liên Chiểu là khu vực hưởng lợi nhiều nhất. Ảnh: Anh Vũ.

Điển hình, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng cũng ghi nhận những tín hiệu lạc quan, đặc biệt ở phân khúc căn hộ hạng A. Theo báo cáo của DKRA Consulting, giá bán sơ cấp căn hộ tại Đà Nẵng đã tăng đáng kể, với hơn 50% nguồn cung mới có mức giá trên 80 triệu đồng/m².

Các chuyên gia nhận định rằng các yếu tố như hành lang pháp lý, dòng kiều hối, cùng sự phát triển của hạ tầng cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản Đà Nẵng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Hành trình biến Đà Nẵng thành một trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ chính quyền, doanh nghiệp, và người dân. Với tiềm năng hiện có và các chính sách phát triển hợp lý, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, đưa Đà Nẵng lên bản đồ các thành phố đáng sống và làm việc của khu vực và quốc tế.

MỚI - NÓNG
Trào lưu ‘chụp ảnh Hàn Quốc’ hot trở lại sau 20 năm
Trào lưu ‘chụp ảnh Hàn Quốc’ hot trở lại sau 20 năm
TPO - Giữa thời đại số, nơi ai cũng có thể chụp ảnh trên điện thoại, trào lưu chụp ảnh photobooth (buồng chụp ảnh) bỗng nhiên hot trở lại. Nhờ có thao tác đơn giản và chức năng in ảnh tức thì, các quầy chụp ảnh photobooth đang thu hút rất đông các bạn trẻ đến “đu trend”.