Đà Nẵng ngày ấy, bây giờ

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Đà Nẵng ký ức và hiện tại” của nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh, cựu Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP Đà Nẵng là tập sách ảnh hiếm hoi kể câu chuyện của Đà Nẵng từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay.

Nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh cho biết, cuốn sách ảnh này đáng lẽ phải đợi 3 năm nữa, đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Đà Nẵng (29/3/2025) ông mới cho “trình làng”. Nhưng giờ đã gần 70 tuổi, ông sợ có gì bất trắc thì không biết kho ảnh quý của ông sẽ ra sao…

Hơn 100 bức ảnh được ông chọn lọc trong kho ảnh Đà Nẵng của mình đưa vào sách. Mở đầu là phần “Ký ức”, với những bức ảnh bước ra từ quá khứ. Màu trắng đen đặc trưng làm sống lại trong lòng người xem cảm giác cũ xưa. Những xóm nhà chồ bên sông Hàn hiện ra, một Đà Nẵng ngày hôm qua lụp xụp, khốn khó. “Có nhiều tấm tôi bấm máy từ năm 1980. Khi ấy bên bờ sông Hàn nhà chồ rất nhiều. Những căn nhà dựng bằng gỗ trồi lên trên mặt nước, lợp mái tôn, bưng bít tạm bợ. Bà con phải đi trên những tấm ván nối từ bờ ra. Có nhà sống nhiều thế hệ, chật chội vá víu, khổ biết nhường nào”, ông hồi tưởng.

Ông dành rất nhiều “đất” cho chùm ảnh về nhà chồ, dãy nhà nom như những chòi canh quanh các đầm phá nuôi thuỷ sản bây giờ. Cũng có tấm đặc tả cuộc sống của bà con thời ấy, cả nhà sinh hoạt trong chừng mấy chục mét vuông, trẻ con vô tư bên trang vở, bên dưới là con thuyền mưu sinh neo vào trụ gỗ.

Cuốn sách kể lại rất nhiều khung cảnh của Đà Nẵng hôm qua, hầu hết chỉ nhà thấp tầng, hai toà nhà cao nhất thành phố là Nhà thờ Con gà (đường Trần Phú) và Chùa Tam Bảo (đường Phan Châu Trinh). Quận Sơn Trà lúc bấy giờ cách trở với trung tâm bởi chưa có những cây cầu, thành thử mới có câu “Gái quận ba không bằng bà già quận một”. Ông lật giở cho tôi xem bức ảnh có tên “Mùa xuân sang phố”, chụp lại cảnh người dân từ quận ba (quận Sơn Trà) dùng thuyền chở những cây hoa mai sang trung tâm thành phố để bán ngày giáp Tết. Ông bùi ngùi: “Đó là khoảnh khắc đẹp, nhìn lại lòng vẫn rưng rưng bởi đã có những thế hệ sống nhọc nhằn và vui với những điều bình dị như thế. Ra phía biển, những trai tráng với chiếc quần ống loe sành điệu một thời gù lưng kéo thuyền xuống bãi, những mẻ cá mưu sinh của dân chài sớm mai…

Đà Nẵng ngày ấy, bây giờ ảnh 1
Trai tráng vùng biển Đà Nẵng ngày xưa kéo thuyền xuống nước. Ảnh: NVCC

Còn đây, một Đà Nẵng nhộn nhịp, trẻ trung với những toà cao ốc, đôi bờ sông Hàn đã nối liền bởi cầu sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý… mở đầu cho phần “Hiện tại” trong cuốn sách. Những bức ảnh panorama trải dài cả hai trang sách đem lại những góc nhìn về thành phố tuyệt đẹp. Đà Nẵng nhìn từ đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, máy bay, tòa cao ốc… Nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh nói, để có những bức ảnh này, ông đã bỏ rất nhiều công sức đi lại, “canh” trời để chụp. “Chụp ảnh toàn cảnh phải lựa ngày trời xanh trong, nhất là sau cơn mưa mới đẹp được. Có hôm đang đưa vợ đi tắm biển, thấy trời đẹp quá, tôi bỏ bà ấy đấy chạy về vác máy đi. Cũng có bức phải đi năm lần bảy lượt mới ưng ý”, ông kể.

Đà Nẵng ngày ấy, bây giờ ảnh 2

Nhiếp ảnh gia Ông Văn Sinh bên cuốn sách. Ảnh: Thanh Trần

Năm 1968, ông Sinh bắt đầu tiếp xúc với máy ảnh và sau đó làm việc trong một phòng chụp, chuyên chụp ảnh chân dung, giấy tờ cho người dân. Sau giải phóng, ông công tác tại Sở VHTT của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, đảm nhiệm việc chụp ảnh tuyên truyền, tư liệu. Ông nói hồi ấy có máy chụp ảnh đã khó, được ra ngoài chụp còn khó hơn. May mắn là nhân viên nhà nước, nên ông được tạo điều kiện.

Sách ảnh “Đà Nẵng - Ký ức và Hiện tại” do Nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành tháng 5/2022. Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho hay đã lên kế hoạch triển lãm ảnh trong cuốn sách của ông vào năm 2023, bởi cuốn sách không chỉ có giá trị về mặt xã hội mà còn có giá trị nghệ thuật.

Suốt dọc dài mấy chục năm thay da đổi thịt của Đà Nẵng, ông vẫn miệt mài bấm máy. Từ những tấm ảnh phim cho đến kỹ thuật số. Không đếm xuể bao nhiêu tấm. Ảnh phim chụp về, ông cắt từng dải 5 tấm gói vào một tập giấy, ghi thông tin bên ngoài, cất kỹ trong rương để lưu trữ. Có tấm bị mối mọt ăn sạch. Về sau thì mang ra scan, lưu thành file. Những tấm hình quý giá bước vào trang sách, đó cũng là món quà mà cả một đời cầm máy ông để lại cho Đà Nẵng và cho những thế hệ đi sau. Ông trải lòng, trong lần xuất bản này sẽ in khoảng vài trăm cuốn, để dành tặng đơn vị chức năng để sử dụng trong các bảo tàng, làm tư liệu, quảng bá; dành tặng lãnh đạo thành phố và bạn bè, người thân… chứ không bán. Kho ảnh của ông Sinh còn được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng làm tư liệu, Bảo tàng Đà Nẵng sử dụng để tái hiện mô hình nhà chồ…

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng nhìn nhận với cuốn sách ảnh này, tác giả đã kể sử Đà Nẵng bằng hình ảnh. Điều đáng trân trọng là nhiếp ảnh gia đã kịp bất tử hoá nhiều hình ảnh không còn, đó là xóm nhà chồ, xóm ghe bên sông Hàn; là cầu Vồng – cây cầu vượt đầu tiên của Đà Nẵng… “Xem ảnh của tác giả về những cái vĩnh viễn không còn này, độc giả sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi diện mạo đô thị Đà Nẵng trong hai lăm năm qua…”, ông Tiếng chia sẻ.

Đà Nẵng ngày ấy, bây giờ ảnh 3

Dãy nhà chồ lụp xụp, tạm bợ bên sông Hàn nay chỉ còn là ký ức. Ảnh: NVCC

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.