Nghe mấy tiếng “chợ Âm Phủ” tôi thấy gai gai cả người, nhưng hóa ra đó là nơi vui nhất về đêm. Những trận mưa rừng dai dẳng không thể ngăn bước chân các anh chàng thi sĩ, báo chí, du khách thích khám phá và cả người dân mưu sinh ở chợ đêm. Tôi cùng với các đồng nghiệp báo chí như chị Nga, anh Tự (Báo Lâm Đồng), cô Quy (Thông tấn xã Việt Nam)… lang thang tìm kiếm đề tài tác nghiệp mỗi ngày khắp các bản làng, rừng thông và điểm hẹn cuối cùng chính là “chợ Âm Phủ”.
“Chợ Âm Phủ” xưa chỉ là một dãy quán ăn nhỏ trước chợ, lụp xụp và loanh quanh chỉ là bún, cháo và mấy món nhậu bình dân. Cả thành phố tắt đèn chìm vào giấc ngủ, câu chuyện lại càng thêm râm ran trước chợ Hòa Bình, mặc cho cơn mưa xô dòng nước tràn qua bờ đập Hồ Xuân Hương.
Nhà báo Minh Tự nói: “Trước năm 1975, đây là chợ rau tự phát, không có đèn đóm gì cả, họp lúc nửa đêm để bán rau về cho người Sài Gòn. Cảnh mờ ảo ấy khiến người ta nghĩ ra cái tên chợ Âm Phủ…”.
Chợ đêm Đà Lạt 2023 Ảnh: Nguyên Anh |
Gần 30 năm đã trôi qua và Đà Lạt có vô số thay đổi mà nếu như không còn cái Hồ Xuân Hương vẫn soi bóng dưới chợ thì người khách phương xa dễ lạc hướng không biết đi về đâu?
Bởi phố xá Đà Lạt khắp nơi giờ đều lộng lẫy về đêm, du khách nhiều hơn người bản địa và các điểm du lịch cứ đà mở rộng ra tới chân đèo và lan xuống cả đỉnh đèo, nơi homestay mọc lên như nấm.
Cuộc đời muôn vàn đổi thay nhưng một địa danh vẫn còn lại mãi, đó là chợ Âm Phủ mà giờ đây du khách thường gọi là chợ đêm.
Chợ đêm Đà Lạt với những gian hàng bán áo len, bán hoa quả sấy khô, hoa quả tươi, dĩ nhiên không thể thiếu dãy hàng ăn đỏ lửa. Chợ đêm Đà Lạt đã trở thành một điểm tham quan, mua sắm, vui chơi, thư giãn thu hút hàng ngàn du khách mỗi đêm. Quanh chợ còn có những quán cà phê, quán nhạc rộn rã.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng , trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2023, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt khoảng 120.000 lượt khách (tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó khách quốc tế ước đạt 7.000 lượt khách (tăng 366,7% so với cùng kỳ năm 2022). Lượng khách qua lưu trú ước đạt khoảng 90.000 lượt khách, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Những người bán hàng ở chợ đêm Đà Lạt nói: Hoa quả tươi của chúng tôi rất ngon! Chỉ ai thức với chợ đêm mới có cơ may ăn những trái cây vừa hái xuống lúc gà gáy sang canh! Những chùm trái cây chín mọng vẫn còn đậm sương chứa đựng tinh túy đất trời xứ ngàn hoa.
Tôi có quen biết gia đình bà Hoàng Thị Cẩm Xuân, người đã từng được cha là một viên chức Đà Lạt đưa đi gặp bác sĩ Alexandre Yersin – người tìm ra Đà Lạt. Bà cụ thường kể với mọi người hình ảnh bác sĩ Alexandre Yersin sống trên lưng đồi với một cái kính viễn vọng.
Cô Yến, con gái bà Cẩm Xuân nói: “Mợ tôi đã mất mấy năm nhưng con cháu của bà hiện vẫn sống ở xứ ngàn hoa. Chúng tôi yêu xứ sở này vô cùng”. Nhà chị Yến vẫn còn cây hồng, cây mít trong sân, không rõ chúng mọc lên hay được trồng từ năm nào nữa.
Tới Đà Lạt, người ta nghĩ về một xứ sở lãng mạn với Thung lũng tình yêu và những thác nước, đồi thông, những dinh thự xa hoa của nhà vua và các hoàng hậu, các kiến trúc cổ thời Pháp thuộc… song cuộc sống về đêm vẫn còn đó những người chị, người mẹ già vất vả hái rau, hái hoa quả gánh ra chợ bán.
Đêm xuống, đẹp như câu thơ Hàn Mặc Tử: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ” (Đà Lạt trăng mờ).
Cơn mưa đêm Đà Lạt càng dội xuống tầm tã thì những đôi vai quang gánh càng vội vàng rong ruổi tìm đến chợ, người mẹ già mong cho hoa quả vừa hái sẽ có người mua trước lúc bình minh ló rạng trên hồ Xuân Hương.