Báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2018 cho thấy, các cấp bộ Đoàn T.Ư Đoàn luôn xác định tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục của Đoàn.
Công tác giáo dục, phổ biến pháp luật được triển khai rất đa dạng, sáng tạo, hướng đến 6 nhóm đối tượng thanh thiếu niên: Thanh thiếu niên, sinh viên tại các trường học; thanh niên trên địa bàn dân cư, cụm công nghiệp; thanh niên có quá khứ lỗi lầm, hoàn lương; thanh niên khu vực đặc thù; đoàn viên, thanh niên khu vực nhà nước; thiếu niên nhi đồng
Tiêu biểu như mô hình CLB tuổi trẻ với pháp luật, hiện cả nước có khoảng 20.000 CLB với nhiều tên gọi khác nhau: “Tuổi trẻ với pháp luật”, “tuổi trẻ phòng chống tệ nạn xã hội”, “bạn giúp bạn”, “thanh niên với pháp luật”. Mô hình 1-1-1 và Đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” tại các xã, phường, thị trấn, với quyết tâm mỗi năm, chính quyền, đoàn thanh niên và lực lượng công an tại địa phương giúp đỡ, cảm hóa ít nhất một thanh, thiếu niên nghiện ma túy cai nghiện hiệu quả.
Các hình thức hỗ trợ của các đội là thắp sáng niềm tin” là kết bạn, thu hút các đối tượng thanh niên chậm tiến tham gia các hoạt động xã hội, có ích của tổ chức Đoàn, Hội; giới thiệu, tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh. Đội “Thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” đã trở thành địa chỉ tin cậy của không chỉ đối tượng thanh niên nghiện ma túy, chậm tiến mà còn mở rộng thêm các đối tượng cảm hóa như thanh niên bỏ học, hoàn lương, HIV/AIDS..
Ngoài ra, còn có hàng lọạt các mô hình hướng đến các đối tượng thanh niên khác nhau: Mô hình “Ký túc xá an ninh, trật tự và quản lý sinh viên ngoại trú”; “Góc thân thiện”; “Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội”; ….
Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Kim Thanh đánh giá, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Đoàn Thanh niên đã được triển khai phong phú, đa dạng, tạo ra nhiều mô hình sáng tạo đi vào từng đối tượng thanh thanh niên nên tạo hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, bà Thanh cũng như các đại biểu trong đoàn công tác cho rằng, công tác giáo dục, phổ biến pháp luật của đoàn chủ yếu lồng ghép, việc ban hành hướng dẫn từ T.Ư đến địa phương chưa thông suốt…
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn cho biết, T.Ư Đoàn luôn chú trọng công tác giáo dục, phổ biến pháp luật trong thanh thiếu niên. Để đạt hiệu quả cao nhất, T.Ư Đoàn tiếp tục đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua nhiều kênh khác nhau: Báo chí; hội nghị, tọa đàm, hội thảo, các sản phẩm sân khấu hóa, mạng xã hội…
Anh Lương cho biết, sẽ tăng cường xã hội hóa các hoạt động để có kinh phí triển khai; kiểm tra giám sát, góp ý hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan... Tuy nhiên, anh Lương cho biết, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp khó khăn do kinh phí ít. Vì vậy T.Ư Đoàn kiến nghị nên có kinh phí riêng dành cho tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để tất cả các bộ, ban ngành, địa phương quan tâm thực hiện.