Đã cấp gần 8 triệu số định danh cá nhân trên 16 địa phương

Thượng tướng Lê Quý Vương.
Thượng tướng Lê Quý Vương.
TPO - Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, hiện đã cấp được gần 8 triệu số định danh cá nhân cho công dân trên 16 địa phương; 700 số định danh cho trẻ em khai sinh tại 17 tỉnh.

Sáng 14/11, tại trụ sở Bộ Công an, 47 Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy, Hà Nội), Tổng cục Cảnh sát tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho công an các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, đại tá Vũ Thanh Chương - Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng cho biết, địa phương đã thực hiện thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm 2013.

Tập huấn cho hơn 2.900 cán bộ chiến sỹ thuộc Phòng Cảnh sát hành chính, công an các quận/huyện, phường/xã, cảnh sát khu vực; Tổ chức 28 lớp tập huấn sử dụng phần mềm quản lý cho 43 ngành, đoàn thể để khai thác, thu thập và quản lý thông tin cơ bản của công dân.

Công an thành phố đã tuyển dụng 10 cán bộ có trình độ cao về công nghệ thông tin, bố trí 103 cán bộ xuống các cơ sở hướng dẫn quá trình thực hiện cho cán bộ, chiến sỹ cảnh sát khu vực địa phương.

Tính tới thời điểm hiện tại, Công an Hải Phòng đã thu thập được thông tin của hơn 1.974.956/1.988.685 nhân khẩu có đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng, đạt 99,3%.

Thời gian qua, công an thành phố cũng đã hoàn tất hệ thống hạ tầng, phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu dân cư. Công an thành phố cũng đã hoàn tất phần mềm khai thác dữ liệu dân cư phục vụ nhu cầu giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Cũng thông qua phần mềm khai thác dữ liệu, thời gian qua công an thành phố đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng có lệnh truy nã trên địa bàn.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an: Đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án, xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia ở Hà Nội và TP HCM. Đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân trên 16 địa phương; 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh tại 17 địa phương. Thí điểm thu thập dữ liệu dân cư ở Hòa Bình và Phủ Lý (Hà Nam).

Tuy nhiên còn nhiều tồn tại trong triển khai thí điểm: Dân di cư tự do, thiếu sự quản lý trên nhiều phương diện; Tra cứu các thông tin về dân cư còn chậm, gây phiền hà cho tổ chức, công dân; Phương pháp quản lý dân cư hiện nay còn lạc hậu, cơ bản là thủ công.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho biết, theo lộ trình, Chính phủ ban hành Nghị quyết đơn giản hóa thủ tục hành chính. Để tổ chức thực hiện, cần thiết phải có sở sở dữ liệu quốc gia có vai trò vị trí đặc biệt quan trọng. 

Công dân đến tuổi phải được cấp căn cước công dân, tiến tới đổi CMND thành căn cước công dân (CCCD), phù hợp với mã số định danh cá nhân. Trên cơ sở số định danh, CCCD, chúng ta xây dựng, hình thành 1 cơ sở dữ liệu dân cư, không chỉ mục đích quản lý hộ khẩu, nhân khẩu mà dùng cho tất cả các nội dung thủ tục liên quan đến công dân, ví dụ như: các bộ ngành, thuế, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục, giao thông... 

“Chỉ cần 1 CCCD, có thể thực hiện được các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, tránh phiền hà, chống tiêu cực, quan liêu trong việc giải quyết thủ tục cho công dân. Năm 2020, phải hoàn thiện, đưa vào khai thác sử dụng trên cả nước”, Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

MỚI - NÓNG