''Đá bóng” trách nhiệm
Theo thông tin từ Cục quản lý Dược, Bộ Y tế đã ban hành thông tư, quy định về quản lý mỹ phẩm cụ thể. Theo đó, tổ chức, cá nhân nào đăng ký sản xuất với cơ quan quản lý trước khi cho sản phẩm ra thị trường, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm về chất lượng và tính an toàn của sản phẩm. Thành phần trong sản phẩm phải tuân thủ các phụ lục của Hiệp định mỹ phẩm Asean.
Mỹ phẩm được phép lưu hành trên thị trường phải loại bỏ được các chất cấm như: chì, kim loại nặng, vi sinh vật… Khi người tiêu dùng có quyền được thông tin về sản phẩm cũng như khiếu nại, yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại do mỹ phẩm gây ra.
Cũng theo số liệu của Cục quản lý Dược, năm 2014, các Sở Y tế đã thu hồi 219 số phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Các vi phạm chủ yếu như: sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chưa công bố, mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng; mỹ phẩm chứa công thức không đúng với hồ sơ đã công bố.
Đại diện Ban chỉ đạo 389 cho hay, sắp tới, đơn vị sẽ phối hợp Bộ Y tế và lực lượng quản lý thị trường thanh kiểm tra để thanh lọc lại toàn bộ mặt hàng mỹ phẩm trên toàn quốc. Khi đó, chỉ những mặt hàng có đủ điều kiện, tiêu chuẩn mới được sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, trả lời trên báo Tiền Phong ngày 9/3, TS Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng quản lý mỹ phẩm thuộc Cục quản lý Dược cho rằng, hiện nay các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chỉ đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc quận huyện một cách đơn giản sau đó đưa sản phẩm ra thị trường, ngành y tế chỉ lo hậu kiểm mà thôi.
Theo một thành viên của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), ngành y tế nói như thế là chưa hết trách nhiệm. Cứ cho là đảm đương sứ mệnh hậu kiểm đi thì tại sao không xuống cơ sở để kiểm tra ở các cơ sở họ đang sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm như hiện nay có đạt chất lượng hay không?
Đại diện Ban chỉ đạo 389 cũng nói thêm, Bộ Y tế cho rằng hiện nay mới chỉ “nắm kẻ có tóc” thông qua quản lý việc cấp phép cho các đơn vị mỹ phẩm từ nước ngoài cũng là điều vô lý. Bởi, hiện nay người tiêu dùng đang nhức nhối bởi mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm tự chế không rõ thành phần, thật giả lẫn lộn chứ không phải các mặt hàng mỹ phẩm có thương hiệu ở các nước tiên tiến, họ được kiểm soát tốt, sản xuất trên dây chuyền, công nghệ hiện đại. “Với tình trạng mỹ phẩm giả, nhái như hiện nay, quả bóng trách nhiệm được các cơ quan quản lý đá đi, đẩy lại là thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng”, đại diện Ban chỉ đạo 389 nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học Công nghệ và môi trường, cho hay, theo luật chất lượng sản phẩm hàng hóa thì việc kiểm tra chất lượng sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng thuộc về Bộ Y tế. Khi sản phẩm ra thị trường là hàng giả, hàng nhái thuộc trách nhiệm quản lý, giám sát của Bộ Công Thương. Đặc biệt, như mỹ phẩm khi chất lượng không đảm bảo, gây dị ứng, kích ứng ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng trách nhiệm lại thuộc về ngành y tế.
Theo phân tích của ông Vang, trách nhiệm về việc kiểm tra, giám sát chất lượng mỹ phẩm là của ngành y tế. Điều này cùng quan điểm với thành viên Ban chỉ đạo 389, đơn vị quản lý thị trường họ chỉ phát hiện ra sản phẩm bị làm giả khi phát hiện sai trên nhãn mác. Về mặt chất lượng sản phẩm có đúng như công bố hay không ngành y tế nắm rõ nhất.
Vì sao người tiêu dùng rơi vào “ma trận”?
Hiện ở các siêu thị, trung tâm thương mại có hàng trăm loại mỹ phẩm được bày bán. Ông Nguyễn Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nói: “Chưa khẳng định được mỹ phẩm bán ở siêu thị 100% hàng thật bởi có rất nhiều đơn vị kinh doanh vào thuê gian hàng để bán. Nếu người quản lý siêu thị không giám sát được chất lượng, họ sẽ tuồn hàng giả, hàng nhái vào”.
Cũng theo ông Phú, với ma trận mỹ phẩm hàng thật, hàng giả như hiện nay không thể nói mãi một câu sáo rỗng, người tiêu dùng nên thông thái nữa mà cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải đứng ra để bảo vệ người tiêu dùng. “Cần phải đặt câu hỏi tại sao ở các nước tiên tiến, người dân không biết đến vấn nạn hàng giả thì ở Việt Nam người tiêu dùng lại như rơi vào ma trận”, ông Phú nói.
Ông Chu Xuân Kiên, Phó giám đốc Sở Công Thương, Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý Thị trường Hà Nội, cho biết : “Trước đây, trên mỗi sản phẩm đạt chất lượng đều có dán tem hợp quy của Bộ Y tế thì nay lại không có. Vì thế, để rà soát thị trường, đơn vị phải gửi lên Bộ Y tế một lần nữa để xem sản phẩm này được cấp phép hay chưa. Việc này gây khó khăn rất nhiều trong việc phát hiện hàng giả”.