Hôm qua, cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Dominique Strauss-Kahn, được tại ngoại với mức bảo lãnh 6 triệu USD và điều kiện ông chỉ được sống trong một căn hộ ở New York dưới sự quản thúc của bảo vệ có vũ trang cùng thiết bị giám sát điện tử.
Luật sư của ông nói rằng, quyết định cho tại ngoại của tòa là “sự giải tỏa lớn với gia đình” và tinh thần của ông Strauss-Kahn đã khá hơn nhiều.
Cựu Tổng giám đốc IMF bị buộc tội tấn công tình dục một cô hầu phòng 32 tuổi gốc Tây Phi hôm 14-3 tại phòng khách sạn Sofitel ở thành phố New York (Mỹ).
Khi tranh luận về khả năng cho phép ông Strauss-Kahn tại ngoại, các công tố viên nêu trường hợp Roman Polanski, nhà sản xuất phim người Pháp khiến chính quyền Mỹ phải truy bắt nhiều thập kỷ sau khi được bảo lãnh năm 1977 vì tội lạm dụng tình dục trẻ em.
Các luật sư bên bị dẫn ra trường hợp Bernard Madoff, nhà tài phiệt được tại ngoại sau khi bảo lãnh số tiền 10 triệu USD trước khi thừa nhận đứng sau kế hoạch lừa đảo tín dụng đa cấp trị giá nhiều tỷ USD.
Anna Sinclair, bà vợ thứ 3 của ông Strauss-Khan, rời tòa án cùng con gái Camille sau khi chồng được chấp nhận tại ngoại Ảnh: Getty Images. |
Quyết định cho ông Strauss-Kahn tại ngoại được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi ông nộp đơn từ chức Tổng giám đốc IMF. Các ủy viên công tố phản đối quyết định này vì tính chất bạo lực của vụ tấn công và cho rằng, tài sản cùng những mối quan hệ quốc tế có thể khiến ông dễ dàng chạy trốn.
Một thẩm phán khác hồi đầu tuần đã yêu cầu giam ông Strauss-Kahn và không cho tại ngoại. Luật sư bên bị đã phải thêm điều khoản giam giữ tại nhà để đề nghị cho ông được tại ngoại.
Vợ của ông Strauss-Kahn, phóng viên truyền hình Pháp Anne Sinclair, đã thuê một căn hộ ở quận Manhattan (New York) để sống cùng chồng, luật sư của ông cho biết. Ông Strauss-Kahn sẽ tiếp tục hầu tòa vào tháng tới để nghe luận tội.
Cựu Tổng giám đốc IMF trải qua 3 đêm khó khăn trong tù từ hôm thứ hai sau khi đơn xin bảo lãnh với số tiền 1 triệu USD bị từ chối. Trong thời gian này, ông bị giám sát cả ngày lẫn đêm và phải mặc loại áo chống tự tử để phòng trường hợp ông tự treo cổ.
Cuộc tranh cãi chính trị xung quanh vấn đề ai sẽ lên thay thế vị trí của ông Strauss-Kahn đã bắt đầu. Ủy ban châu Âu và nhiều quan chức châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức, Bộ trưởng Tài chính Pháp, cho rằng, cương vị này nên giao cho một người châu Âu. Một số nước như Trung Quốc, Brazil... nói rằng, đã đến lúc phải phá bỏ sự thống trị truyền thống của châu Âu đối với chức danh Tổng giám đốc IMF và nên chỉ định một người thuộc nước đang phát triển đảm nhiệm vị trí này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner yêu cầu một “quá trình mở” mà không đề cập ứng viên cụ thể. |
Thái An tổng hợp