Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa ngày mai

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi còn là Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), ông Trương Quốc Cường đã không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm được giao, để 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam.

Ngày mai (12/5), TAND TP Hà Nội xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cùng Nguyễn Việt Hùng (nguyên cán bộ Hải quan TP HCM); Lê Đình Thanh (nguyên cán bộ Cục Quản lý Dược) về tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng vụ án, các bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó phòng thuộc Cục quản lý Dược) và Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng Phòng đăng ký thuốc) hầu tòa về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch VN Pharma); Võ Mạnh Cường, (nguyên Giám đốc Công ty H&C) và 7 bị cáo khác sẽ hầu tòa về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Phiên tòa diễn ra khoảng 5 ngày, do thẩm phán Đào Bá Sơn làm chủ tọa, khoảng 30 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường hầu tòa ngày mai ảnh 1

Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Theo cáo trạng, từ năm 2007 – 2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt định cư tại Canada) gặp bộ phận tiếp thị bán hàng và lãnh đạo hai Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương II (Công ty Codupha), Công ty TNHH Dược phẩm Vimedimex (Công ty Vimedimex) để giới thiệu về Công ty Heath 2000 Inc Canada tại Việt Nam.

Quá trình gặp, Khang nhờ Công ty Codupha và Vimedimex đứng tên đăng ký, nộp hồ sơ đề nghị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp “Giấy phép lưu hành sản phẩm” cho 7 loại thuốc tân dược nhãn mác Heath 2000 Canada. Khang sau đó cung cấp các giấy tờ chứng nhận giả của 7 loại thuốc cho lãnh đạo hai doanh nghiệp, nộp cho Cục Quản lý Dược.

Cáo trạng xác định, ông Cao Minh Quang (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng xét duyệt thuốc) có sai phạm khi quyết định cấp số đăng ký đối với 7 thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, ký ban hành Công văn 2970 có nội dung trái quy định của pháp luật “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cần tiếp tục điều tra theo pháp luật.

Tiếp nhận hồ sơ, Cục Quản lý Dược thẩm định, xét duyệt, cấp Visa cho 7 thuốc nêu trên. Khi có Visa của Cục Quản lý Dược, từ tháng 11/2009 – 6/2014, Khang cùng nhóm đồng phạm thỏa thuận, ký kết hợp đồng bán 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, với tổng số 2.405.804 hộp thuốc, trị giá hơn 148 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp dược phẩm trong nước.

Tại Công ty VN Pharma, cáo trạng cho biết từ tháng 11/2012 – 6/2014, Nguyễn Minh Hùng đã cấu kết với đồng phạm làm giả các hợp đồng mua bán, nâng khống giá, làm giả chứng từ, thay đổi nguồn gốc xuất xứ, hợp thức để thông quan, nhập khẩu 838.100 hộp thuốc giả nhãn mác Heath 2000 Canada, giá trị hơn 25,9 tỷ đồng, sau đó nâng khống giá lên hơn 54 tỷ đồng. Số thuốc giả trên được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng 623.819 hộp, thu lời bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.

Cơ quan truy tố cáo buộc ông Trương Quốc Cường khi đó là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, được ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao; đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện, dẫn đến 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, có giá trị hơn 148 tỷ đồng.

Mặc dù nhận được nhiều thông tin phản ánh thuốc Health 2000 Canada không rõ nguồn gốc xuất xứ, song ông Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy, khiến các cơ sở y tế sử dụng số thuốc giả điều trị cho người bệnh, với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, ông Trương Quốc Cường đã nộp 1,8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả thiệt hại do không đình chỉ lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ gây ra.

Các bị can còn lại là nhóm cựu lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý dược và Cục Hải quan TP.HCM đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không kiểm tra, rà soát việc thẩm định hồ sơ thuốc, không phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quá trình thẩm định cấp số đăng ký thuốc, dẫn đến các doanh nghiệp dược ký hợp đồng mua thuốc giả nhãn mác Heath 2000, tổng giá trị hơn 148 tỷ đưa vào trong nước tiêu thụ.

Trong vụ án này, bị can Nguyễn Lê Xuân Khang đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can, khi nào bắt được sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Phiên tòa thuộc giai đoạn 2 vụ án VN Pharma. Trước đó, ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch VN Pharma bị tuyên 17 năm tù; ông Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty H&C nhận 20 năm tù cùng về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.