Cửu Long chờ gì Cảnh Hồng

TP - Trong lúc Đồng bằng sông Cửu Long phấp phỏng chờ những dòng nước ngọt hiếm hoi từ Thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc xả từ ngày 15/3, lần đầu tiên, Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương.
Đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc.

Trong hội nghị ngày 23/3 ở đảo Hải Nam, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu, cuộc gặp “diễn ra như lẽ tự nhiên của sự hợp tác hiện tại giữa chúng ta và sẽ tận dụng toàn bộ lợi thế về sự gần gũi vị trí địa lý, tình hữu nghị truyền thống, và các nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau”. Thủ tướng Thái Lan nói kiểu gì cũng cần nhắm đến mục tiêu Trung Quốc và các nước Tiểu vùng Mekong hợp tác thực sự về quản lý nước vì lợi ích lâu dài của nhau.

Chắc ai cũng hiểu không dễ gì đạt được điều mà hai vị lãnh đạo bày tỏ. Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc đặt dòng chủ đề với hai từ chỉ tên con sông quốc tế trong đó từ “Lan Thương” đặt trước. Lan Thương là từ Trung Quốc dùng để gọi tên sông Mekong.

Trung Quốc đã gây khó khăn cho các nước hạ nguồn Mekong sau khi xây năm đập lớn trên sông Mekong. Họ nhiều lần khăng khăng Mekong không phải sông quốc tế vì nó không phải là biên giới với bất cứ nước nào; thay vào đó, nó chỉ chảy từ nước này vào nước kia. “Và đó là lý do biện minh cho việc kiểm soát theo kiểu tùy ý của nước này với dòng chảy”, theo Bangkokpost ngày 23/3, cũng là ngày quốc tế về nước.

Có tới 95% lượng nước Mekong ở hạ nguồn được kiến tạo bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải tự cứu mình bằng cách không chạy theo ảo tưởng thành tích mấy chục năm qua biến Đồng bằng sông Cửu Long thành “nồi cơm thế giới” với một nền nông nghiệp mà khả năng thích ứng với thiên tai gần như ở mức tệ hại. Đừng trông chờ gì nhiều ở Cảnh Hồng nếu chính chúng ta không chịu thay đổi.