Cuối năm ngồi ngắm lá

TP - Chiều cuối năm thường mang lại một cảm xúc đặc biệt, và tôi luôn dành dụm ít thời gian vu vơ ngoài dòng thế sự hay đơn giản là quăng những khoảnh khắc vào vùng không tiếng vọng. Đó có thể là cái quán lạ, góc chưa từng ngồi, bãi trống, đồi hoang; nó cho thấy mình là một dư thừa đáng nể.

Cũng có những chiều ba mươi Tết tôi đến nơi quen thuộc, song buổi ấy vẫn lạ. Lạ bởi vắng. Quán đã dành khoảng thời gian quý giá để tặng cho người rỗi hơi cùng khói thuốc. Chiều cuối năm tôi lại nhớ chiều cuối năm năm ngoái mình đã đến đâu, ngồi ở đâu, đã nghĩ gì quan trọng hay ấn chứng một sở thích, một khuôn mặt mới chăng. Dĩ nhiên cũng có chiều cuối năm tôi chỉ ngồi và nhìn người cuối cùng về trên con phố ấy, rồi vắng hoe. Con đường rộng nhất của thành phố, nhiều loài cây cổ thụ, tuy ít người qua lại, cuối năm lại càng vắng. Tôi ngồi nhấp cà phê, hút thuốc. Những vị khách của quán dần lặng lẽ rời đi và tôi là người sau rốt. Chủ quán đã quen với hình ảnh tôi ngồi đây vào chiều cuối năm, tôi cũng biết cô chủ vẫn bán như những buổi chiều thường lệ, đến lúc đường đèn bật rồi mươi phút sau mới dọn rửa.

Cuối năm ngồi ngắm lá  ảnh 1

Minh họa: Trung Liêm

Cái quán chỉ là vài dãy bàn ở hiên gần đường, ngày đông thì ngồi thêm ở trong nhà, từ sáng đến tối không ngớt khách, nó tồn tại hơn hai mươi năm rồi; có người từ ngày quán mở đến nay vẫn ngồi như nghiện cái không gian đó. Có lần ông bạn mới mất ví, gọi điện hỏi tôi liệu có rơi ở quán không, tôi nói nếu thế thì đã may. Đúng vậy, chủ quán đã giữ ví giùm anh như trước đây từng giữ rất nhiều vật dụng đắt tiền khác. Tôi nhớ hình ảnh lần gia đình chủ quán đang ăn cơm (cùng với em phục vụ), thấy khách vào cô chủ liền buông đũa vào bưng đồ uống ra (chứ không để em phục vụ đi làm); hành động này lặp lại khiến tôi không có nhu cầu ngồi cà phê ở đâu khác nữa. Những em phục vụ phần lớn là sinh viên, có đứa làm từ lúc vào nhập học cho đến khi ra trường; đi làm rồi đôi lúc vẫn ghé lại cho đỡ nhớ một thời bưng bê quét dọn, nhận chịu những vui đùa từ khách. Nhiều khuôn mặt như vậy, đến và đi, nhớ và quên; đôi lúc tôi chỉ còn nhớ cái tên, mà cố nhớ cho ra khuôn mặt không thể nữa.

Bữa nay hai em phục vụ quán vẫn còn ngồi lại, một chốc thì bắt đầu quét dọn. Các em cũng quá quen, nên không ngần ngại quét cả dưới bàn tôi đang ngồi, lặng lẽ. Mọi việc đều lặng lẽ, chỉ tiếng chổi là nghe rõ. Hoàng hôn buông dần. Tôi vẫn ước sớm tinh đầu năm đã có mặt ở đây, song quán có lệ nghỉ sáng mồng một, còn lại bán như thường. Ở những nơi khác thì tôi không muốn ngồi. Rác, là bao thuốc tàn thuốc, giấy và nilon, còn lại đều là lá cây bồ đề, xà cừ. Mùa nào cũng lá. Mùa thu thì lá vàng rụng dày cả nửa gang; trường mầm non bên cạnh nên có lần tôi đã thấy một đứa trẻ hai tay xốc lá tung lên như tung giấc mơ lên bầu trời xanh ngợp nắng.

Bao giờ tôi cũng chú ý đến cách làm việc của hai em sinh viên, một em quét qua loa, một em thì quét rất kỹ; nó lặp lại đều đặn nên không thể khác được khi nhìn nhận về một nếp sống. Có lần người quét rác đến đoạn này với chổi ở lề quán xuống cho sạch. Không hiểu sao tôi lại hay để ý đến sự quét, người công nhân tôi cũng quan sát kỹ, mà đơn giản là nhìn như niềm vui vậy. Cũng có người quơ chổi sơ sài, có người thì quét đến từng chiếc lá nhỏ, mỗi bước họ qua đều sạch tưng phía sau. Có chiều cuối năm lúc trời nhập nhèm vẫn còn nghe tiếng chổi, tôi nhăn trán khẽ giật mình tự hỏi: ồ, hóa ra mình bỏ cả thời gian quý chiều cuối năm ngồi đây chỉ để nhìn sự quét lá.

Lại nhớ ngày nghỉ chúng tôi thường đi ăn ở quán quen, mỗi lần gặp vợ chồng nọ ăn ở bàn bên là tôi lại lén nhìn cái sự nó diễn ra i xì nhau. Họ đến quán với hai lát chanh tươi để vắt vào tô bún (vì ở quán này không có chanh); vợ thì bỏ rau vào bún luôn còn anh chồng bẻ vài miếng bánh tráng vào đó, gắp ăn rau trước mới đưa bún vào cùng bánh tráng và ớt. Cả hai ăn xong thì vợ đưa chồng một tấm khăn lạnh để anh lau mặt mũi, rồi đến miệng, sau thì lau sạch chỗ bàn ăn của hai người, sau nốt gói ghém thả vào thùng rác, nếu lỡ giấy lau hay sợi bún cọng rau rơi vãi cũng được nhặt, sạch tưng như lúc họ mới bước vào. Nói chung họ đứng dậy là không một vệt bẩn ở trên bàn cũng như dưới chân. Tôi cũng không biết mình chú ý đến những điều như vậy làm gì, trong lúc tôi chẳng phải sạch sẽ cho lắm, có lúc đồ ăn rớt xuống đất còn bốc ăn bình thường. Tôi thiên về cuộc sống hoang dã hơn là văn minh; hay có lẽ tôi hiểu văn minh theo cách của mình, như một trở về quá vãng…

Đôi lần đi từ dốc Nam Giao xuống, tôi phát hiện một chỗ ngồi lạ lắm. Nó là chiếc ghế đặt sát lề đường trước ngôi nhà cổ đóng cửa miết, có lẽ chỉ còn ông bà già hoặc một người cô đơn ở trong đó, tôi chưa bao giờ thấy họ. Điều đặc biệt hơn, ngay cạnh bên ghế là cây mai cổ thụ. Dĩ nhiên chiếc ghế được đặt có ý cạnh cây mai này. Nó bao nhiêu tuổi không rõ, song là cổ thụ. Cổ thụ đến mức ai cũng muốn có, kể cả bọn trộm song đã không còn cơ hội. Tôi bỏ lỡ một lần vào mồng mấy Tết năm nào đó, ngang qua thấy hoa mai rụng vàng trên lề đường, rải đầy trên ghế đủ biết không ai ngồi đây. Tôi ghé vào phủi những cánh mai qua một bên và ngồi xuống, chốc phải đi cho kịp cuộc hẹn. Rồi tôi quên mất nó vào năm sau đó, cho đến lần này, dĩ nhiên là tôi đã nhớ và sẽ đến đây vào chiều cuối năm.

Tôi chưa thấy một cây mai nào lớn đến vậy bên đường, lớn đến mức ai cũng nhầm nó với cây trồng bên lề đường. Chỉ lúc xuân đến, lá già rụng, lá non tươi mởn và lốm đốm hoa vàng, búp lấp lánh sương vương người ta mới thấy nó không phải là một trong số hàng cây bên đường, mới thấy rõ ràng nó đứng lệch với hàng cây lề đường.

Tôi đã sắp xếp công việc để dành cho mình thời điểm cuối chiều cuối năm với một bình trà ngon nóng hổi cùng thuốc lá, bật lửa, chạy xe lên đó. Con đường cuối năm khá đẹp với đường cong từ núi Bân, vòng lên Nam Giao rồi chậm rãi trờ xuống dốc, và đây rồi; cây mai đã rụng một ít lá, một ít lá non xanh mởn. Thường trước năm mới một tháng là người ta trảy lá; cây mai này không ai chăm sóc, nó sẽ không nở hoa viên mãn.

Tôi dựng xe xa, cuốc bộ lại ghế và ngồi xuống. Trà mới pha bốc khói thơm ngọt, tôi nhấp ngụm đầu tiên, nhìn qua nhìn lại, người người đang hối hả về với gia đình. Có người cũng nhìn vào tôi một quãng không rõ quen hay lạ hay thấy tôi lạ quá. Tôi châm thêm điếu thuốc rít thật sâu. Ngẩng lên, hoa mai đã nở. Đã xuân. Nhớ một câu thơ cổ của vị thiền sư về hoa mai nở từ giá buốt sương sa; song năm nay cuối năm trời đã ấm lên.

Thi thoảng tôi lại nhìn vào ngôi nhà vẫn đóng cửa. Nhớ tiếng chổi ở quán cà phê quen, có lẽ ai đó sẽ thầm hỏi sao chưa thấy tôi đến ngồi vậy. Người đã vắng, tôi hút xong mấy điếu thuốc nghĩ sẽ không còn ai qua lại đây nữa. Họ đều đang cúng tất niên hoặc vui chơi hát mừng xuân sắp sửa. Tôi thì vẫn ngồi đây, ngẫm về cuộc đời không gì đặc biệt lắm; rồi cũng cơm áo qua ngày và nếu mình rời xa mãi thì thời gian sẽ giúp những người từng nhớ quên mình đi như một vệt sương dưới nắng. May ra còn một vài cử chỉ sót lại, may ra còn vài lời nói vài ngữ ngôn sót lại trên dòng hư vô và ai đó sẽ nhớ đến mình khi họ thấy chút ý nghĩa. Tiếng chổi. Tôi quay lại và thấy một chiếc xe rác đã tới.

Cô lao công quét cả trên lề đường, rồi mới hốt vào xe. Tôi ngồi yên vậy. Cô lao công vẫn làm công việc với sự nhẹ nhàng, mềm mại. Những vệt chổi quét cả dưới chiếc ghế đá lên rêu tôi ngồi song không hề tạo nên cảm giác gì khác nỗi bình thường hồn hậu.

Tôi lấy tờ giấy trắng mang theo để phòng ký một âm giai vụt khởi, giờ tôi gói tờ tiền vào đó và bước tới chị lao công: “Mừng tuổi chị”. Khuôn mặt ngẩn lên và chỉ thấy đôi mắt long lanh vui trên chiếc khẩu trang lớn. Tôi cười, “… mừng tuổi con chị”. Chị lao công dựng chổi vào vai và hai tay nhận thêm một tuổi từ tôi. Chị vẫn không tháo khẩu trang, tôi cũng thích vậy, đôi mắt đủ nghĩa rồi. Và giữa chúng tôi là người xa lạ, không nên quen biết nhau. Tôi trở lại thầm cảm ơn mọi sự nhi nhiên, nhấp trà và châm thuốc, nhìn dáng chị lao công vẫn quét xa dần, cho đến khi chiếc bóng nhỏ nhoi ở dưới con dốc đổ về phía Tết.

Bình luận