Cuộc đua lên đỉnh số 1: Đại gia Nam Định hụt bước, đốt tan 180 tỷ

Ông Nguyễn Đức Tài tham vọng lên số 1 mảng bán lẻ.
Ông Nguyễn Đức Tài tham vọng lên số 1 mảng bán lẻ.
Thế Giới Di Động của đại gia gốc Nam Định đã chính thức dừng dự án thương mại điện tử. Đại gia Nam Định tiếp tục vướng vào những khó khăn đen đủi trong cuộc đua lên vị trí số 1 cạnh tranh khốc liệt.

Trong phiên giao dịch 17/12, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài giảm mạnh phiên thứ 3 liên tiếp, tổng cộng mất 4.500 đồng/cp xuống còn 85.000 đồng/cp.

MWG của ông Nguyễn Đức Tài giảm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư truyền nhau thông tin một dự án tâm huyết của MWG Group đóng cửa sau gần 2 năm phát triển.

Dự án thương mại điện tử với trang web Vuivui.com của Thế Giới Di Động chính thức đóng cửa với thông báo dẫn chuyển về trang BachHoaXanh cũng của tập đoàn của này.

Theo những giải thích ban đầu, MWG cho biết tập đoàn tập trung vào thị trường online hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) vì quy mô thị trường này lớn và việc lựa chọn tên BachHoaXanh là phù hợp hơn so với cái tên VuiVui nói trên. MWG tập trung hiện thực hóa tham vọng thống trị 3 nhóm sản phẩm lớn nhất là điện thoại di động, điện máy và FMCG.

Định hướng là khá rõ ràng. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, Thế Giới Di Động của đại gia gốc Nam Định đã chính thức dừng dự án thương mại điện tử khởi động từ đầu năm 2017 và từng được kỳ vọng sẽ vượt cả mảng bán điện thoại và điện máy.

Ngay trong cuộc chiến bán lẻ vốn là thế mạnh của mình, MWG cũng đang gặp khó với các đối thủ lớn như Vinmart, FPT Retail, Nguyễn Kim, Mediamart, Lotte, BigC,... Nhiều tên tuổi lớn như Ocean Mart, Maximark, Metro, Fivimart lần lượt bị xóa tên trên thị trường.

Với mảng thương mại điện tử, sự cạnh tranh còn khốc liệt hơn rất nhiều.

Hàng loạt ông lớn đến từ nước ngoài hay trong nước có vốn đầu tư nước ngoài như Lazada, Tiki, Shopee,... đều đang nhắm mắt chấp nhận lỗ khủng hàng trăm cho tới hàng ngày tỷ đồng mỗi năm.

Cuộc chạy đua "tiêu tiền" với các đại gia thương mại điện tử khiến lỗ lũy kế của trang thương mại điện tử Tiki (đi lên từ một trang bán sách trực tuyến) có thể đã lên đến gần 600 tỷ đồng trong năm 2018. 

Cuộc đua trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể còn khốc liệt hơn với sự xuất hiện của các đại  gia lớn trên thế giới trong thời gian tới như Amazon của Mỹ và sự đẩy mạnh đầu tư của Alibaba thông qua Lazada,...

Trong khi đó, CTCP Đầu tư Thế giới Di động có dấu hiệu gặp khó trong 2018, năm đầu tiên tập đoàn này đối mặt với nguy cơ tăng trưởng tụt giảm. MWG đã chứng kiến 2 quý liên tiếp sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trong tháng 11, MWG của ông Nguyễn Đức Tài còn dính tới vụ việc bị cáo buộc việc lộ thông tin của 5 triệu khách hàng. Mặc dù MWG phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vụ việc cũng khiến cổ phiếu này giảm mạnh và khách hàng lo sợ.

Trên thị trường chứng khoán, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh khiến VN-Index lùi về sát mốc 930 điểm. Hầu hết các cổ phiếu trong VN30 đều chìm trong sắc đỏ.

Các nhóm ngành bất động sản, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng đều giảm khá mạnh.

Một số công ty chứng khoán có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, VN-Index có khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ 915-925 do chịu ảnh hưởng từ dư địa giảm điểm của phiên hôm qua. Phản ứng phục hồi được kỳ vọng có thể sẽ xuất hiện tại vùng hỗ trợ này.

Rồng Việt nhận định, thanh khoản gia tăng cho thấy bên bán hoàn toàn chiếm thế chủ động. Xu thế kéo dài hơn một tháng qua đang bị đe dọa. Nhà đầu tư hạn chế giải ngân trong giai đoạn hiện tại và ưu tiên gia tăng tỷ trọng tiền mặt trong các phiên phục hồi.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/12, Vn-Index giảm 18,39 điểm xuống 933,65 điểm; HNX-Index giảm 1,64 điểm xuống 105,01 điểm. Upcom-Index giảm 0,61 điểm xuống 52,84 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 300 triệu đơn vị, trị giá 6,2 ngàn tỷ đồng.

Theo Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG